Trong quá trình rà soát, nếu phát hiện trường hợp ứng viên nào không đáp ứng đủ tiêu chuẩn GS, PGS theo quy định thì phải báo cáo hội đồng kiên quyết không công nhận. Đó là yêu cầu của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ xung quanh việc rà soát công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư (GS, PGS) năm 2017.
Trao đổi với chúng tôi, GS Trần Văn Nhung - tổng thư ký Hội đồng Chức danh GS nhà nước - cho biết sáng 9-2, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ - chủ tịch Hội đồng Chức danh GS nhà nước, đã chủ trì cuộc họp và chỉ đạo thực hiện ngay ý kiến của Thủ tướng về việc rà soát công nhận chức danh GS, PGS năm 2017.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sau đó đã ký văn bản gửi đến chủ tịch hội đồng chức danh GS ngành, liên ngành, đồng thời gửi Thủ tướng, Phó thủ tướng để báo cáo về việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Rà soát kỹ hồ sơ các ứng viên
Theo văn bản này, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm chức danh GS, PGS năm 2017, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ yêu cầu thường trực hội đồng chức danh GS ngành, liên ngành tổ chức rà soát lại kỹ lưỡng hồ sơ các ứng viên theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng để đảm bảo chất lượng xét công nhận đạt chuẩn chức danh GS, PGS theo quy định hiện hành. Việc rà soát này được hoàn tất và báo cáo chủ tịch Hội đồng Chức danh GS nhà nước trước ngày 18-2.
Chủ tịch Hội đồng Chức danh GS nhà nước khẳng định trong quá trình rà soát, nếu phát hiện trường hợp ứng viên nào không đáp ứng đủ tiêu chuẩn GS, PGS theo quy định thì phải báo cáo hội đồng kiên quyết không công nhận.
Các chủ tịch hội đồng chức danh GS ngành, liên ngành sẽ phải chịu trách nhiệm trước chủ tịch Hội đồng Chức danh GS nhà nước về kết quả rà soát hồ sơ các ứng viên.
Nhiều tiêu chuẩn quá dễ dãi
Số lượng "bùng nổ" GS, PGS được công nhận năm 2017 không phải là lần đầu diễn ra. Theo một cán bộ từng làm việc tại Hội đồng Chức danh GS nhà nước, ngay những đợt xét công nhận GS, PGS đầu tiên do hội đồng chủ trì, chỉ trong hai năm 1991-1992 đã có gần 400 chức danh khoa học GS và hơn 1.500 chức danh khoa học PGS được xét phong. Con số này cao hơn tổng số GS, PGS được Thủ tướng công nhận suốt gần 10 năm trước đó.
"Sau đợt công nhận chức danh GS, PGS của hai năm 1991-1992, Hội đồng Chức danh GS nhà nước đã xin phép Thủ tướng Chính phủ tạm dừng một năm để nghiên cứu cải tiến công việc xét công nhận chức vụ khoa học ở Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế công việc này kéo dài ba năm mới hoàn thiện" - vị lãnh đạo này chia sẻ.
Còn GS Phạm Minh Hạc - nguyên bộ trưởng Bộ Giáo dục, nguyên phó trưởng Ban Khoa giáo trung ương, nguyên chủ tịch Hội đồng Chức danh GS nhà nước giai đoạn 2001-2006 - cũng thừa nhận giai đoạn trước năm 1998, việc phong GS từng rơi vào tình trạng "rất xấu", nhiều tiêu chuẩn xem xét quá dễ dãi.
Sau đó, Bộ Chính trị đã trực tiếp có ý kiến về vấn đề này, đề nghị Chính phủ phải tạm dừng hoạt động của hội đồng, không tuyển chọn, bình bầu GS, PGS để thành lập hội đồng mới.
Chưa có tiền lệ
Trong khi đó, trao đổi thêm với chúng tôi, GS Lê Chí Quế - chủ tịch Hội đồng Chức danh giáo sư ngành văn học - cho biết ông đã đảm nhiệm vị trí chủ tịch hội đồng ngành từ năm 2002, thi thoảng cũng có lần phải trả lời dư luận về một số trường hợp cụ thể, nhưng chưa bao giờ phải rà soát tổng thể toàn bộ ứng viên khi họ vừa mới được công nhận GS, PGS.
Tuy nhiên, nếu có phải rà soát, GS Quế cho rằng hội đồng ngành văn học sẽ không có biến động vì việc công nhận đạt chuẩn GS, PGS được hội đồng thực hiện "rất nghiêm túc".
Ông Quế nói: "Trước khi họp hội đồng, bộ phận thường trực đã phải nghiên cứu các văn bản pháp quy liên quan để xem quy trình thực hiện năm nay có điểm gì mới, điểm gì cần đặc biệt lưu ý.
Việc rà soát đã được thực hiện ngay khi xét công nhận. Do đó, năm nay có một ứng viên PGS là người rất nổi tiếng, song nếu xét về thành tích nghiên cứu thì lại không xuất sắc, không đạt chuẩn, nên trường hợp này hội đồng ngành không thông qua.
Ngoài ra, một ứng viên GS nếu xét theo tiêu chuẩn cơ học thì đủ, nhưng lại chưa đủ uy tín nên cũng không đạt. Trước đó, GS Trần Văn Nhung cũng đã phổ biến rõ với hội đồng ngành là xét ứng viên theo ba yếu tố: đủ tiêu chuẩn, bài báo quốc tế và có uy tín xã hội...".
Ứng viên PGS có... chồng là thành viên hội đồng
Trước thông tin có năm có ứng viên được công nhận PGS lại chính là con, vợ/chồng của thành viên một số hội đồng ngành, liên ngành thì cách ứng xử của hội đồng ra sao?
GS Quế cho biết: Ở ngành văn học cũng có đợt một ứng viên PGS có chồng là thành viên hội đồng ngành. Tuy nhiên, với trường hợp này, khi thảo luận và bỏ phiếu, vị thành viên hội đồng buộc phải ra ngoài để không tác động đến kết quả.
Theo Ngọc Hà (Tuổi Trẻ)