Huyền thoại rắn hổ mây |
Ngày 25/5, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết vào cuối tuần sau, cặp rắn hổ mang chúa bắt được dưới chân núi Cấm sẽ được thả trở lại môi trường tự nhiên.
"Khi nào, thả ở đâu được đảm bảo bí mật, tránh cặp rắn bị những người săn bắt động vật hoang dã tìm kiếm. Cặp rắn sẽ được thả ở đâu đó, trong các vùng núi của tỉnh An Giang", Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nói.
Tỉnh An Giang sẽ họp với các cơ quan chuyên môn, có kế hoạch thả cặp rắn vào cuối tuần sau. Theo lãnh đạo UBND tỉnh, bác sĩ Trại rắn Đồng Tâm (Tiền Giang) đã kiểm tra sức khoẻ của cặp rắn, Viện sinh thái và các cơ quan chuyên môn đã khảo sát các địa điểm, khu vực phân bố của loài rắn để thả về lại trong môi trường tự nhiên.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang, cặp rắn này có trọng lượng khoảng 18 kg và chiều dài mỗi con là 4 m.
Trước đó, Bộ NN-PTNT cũng có công văn gửi UBND tỉnh An Giang nêu rõ: theo các phương tiện thông tin đại chúng và nắm tình hình từ Tổng cục Lâm nghiệp, các cá thể rắn được xác định là rắn hổ mang chúa (Ophiophagus Hannah), là sinh vật thuộc nhóm I danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm ban hành theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP.
Bộ NN-PTNT đề nghị UBND tỉnh An Giang khẩn trương tổ chức xác định rõ nguồn gốc, xuất xứ của các cá thể rắn hổ mang chúa. Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật (nếu có).
Trên cơ sở xác định được nơi cư trú, sinh cảnh của các cá thể rắn này, cần tổ chức thả chúng lại môi trường tự nhiên, đảm bảo an toàn cho người và động vật. Đồng thời bảo tồn, phát triển sinh cảnh phù hợp với đặc tính sinh học và khả năng tồn tại của chúng.
Theo Văn Minh (Trí Thức Trẻ)