Video: Cặp rắn hổ mây 30 kg mỗi con đang được nuôi nhốt ở vùng Bảy Núi
Liên quan đến sự việc nhóm công nhân bắt được hai con rắn hổ tại khu vực chân núi Cấm, trao đổi với PV báo Vietnamnet, ông Trần Phú Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang cho biết, theo kết quả xác minh cho thấy tại khu du lịch nói trên có nuôi giữ 2 con rắn. Theo nhận dạng ban đầu đây là rắn hổ mang chúa (rắn hổ mây) - nhóm động vật quý hiếm thuộc nhóm 1b.
Trọng lượng mỗi con khoảng 18 kg (không như thông tin báo chí đưa trước đó), chiều dài mỗi con khoảng 4m.
Cũng theo nguồn trên, hiện vẫn giao cặp rắn cho phía khu du lịch quản lý nhưng cam kết bảo đảm về chuồng nuôi cũng như an toàn cho người đến tham quan.
Theo quan sát, cặp rắn được nuôi trong chuồng bọc bằng lưới thép. Trong hai con rắn hiện có 1 con có dấu hiệu thay da.
Chia sẻ trên báo Người lao động, ông Hòa khẳng định, "Hiện nay, chúng tôi đang tập hợp các tài liệu cùng các văn bản vi phạm pháp luật để làm báo cáo gửi UBND tỉnh. Sau đó, UBND tỉnh sẽ lấy ý kiến của các ngành chức năng có liên quan để nơi đây đưa ra hướng giải quyết vụ việc như thế nào cho hợp tình, hợp lý".
Bên cạnh đó, chia sẻ với PV báo Tuổi Trẻ, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm An Giang cũng cho biết đây là trường hợp đầu tiên ở An Giang phát hiện cặp rắn hổ mây "khủng". Người dân đồn thổi ở đó còn nhiều con như vậy, nhưng muốn biết thì phải vào cuộc điều tra, xác minh của nhiều ngành.
Trước mắt, chi cục báo cáo và đề xuất hướng xử lý đối với cặp rắn này để UBND tỉnh ra quyết định.
"Chúng tôi tới hiện trường, công nhân và doanh nghiệp nói họ bắt được cặp rắn hổ mây này trong quá trình san ủi đất vào ban ngày. Chúng nằm dưới mương, bị lớp đất che lại. Rắn hổ mây ban ngày rất chậm chạp nên mới bắt được, còn ban đêm nó đi bắt mồi và di chuyển rất nhanh", ông Hòa giải thích.
Trước đó, ông Bành Thanh Hùng - trưởng phòng bảo tồn thiên nhiên và động vật hoang dã Chi cục Kiểm lâm An Giang - cho biết trên Tuổi Trẻ rằng, cần làm rõ thêm vài vấn đề. Như phải đến nơi được cho là đã bắt được cặp rắn để kiểm tra dấu vết, tìm người bắt được cặp rắn này hoặc tìm nhân chứng địa phương từng nghe đến sự tồn tại của rắn to. Một khi làm rõ hết các nội dung mới báo cáo UBND tỉnh đề xuất hướng xử lý.
Ngoài ra, ông Hùng cho rằng không thể thả về tự nhiên được, vì "rất nguy hiểm" cho khu núi Cấm. Thay vào đó là gửi vào trung tâm cứu hộ động vật hoặc trại rắn Đồng Tâm (Tiền Giang) đang nuôi nhiều loại rắn quý hiếm, có điều kiện chăm sóc.
"Thả về khu vực núi Cấm rất nguy hiểm vì vùng đó là trung tâm du lịch của tỉnh và nhiều dự án đang thực hiện nên môi trường sống đã "bị động" rồi nên không thể sinh sống được" - ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, đến thời điểm này doanh nghiệp chưa chứng minh được cặp rắn hổ mây này có nguồn gốc từ đâu. Nơi tiếp nhận cũng nói là bắt được nhưng cần làm rõ thêm vài vấn đề.
"Bắt được ở khu vực nào phải đến nơi đó kiểm tra dấu vết, tìm người bắt được cặp rắn này hoặc hỏi thăm người dân xung quanh có bị mất gà, vịt gì thời gian qua hay không hoặc có từng phát hiện nó không. Làm rõ hết các nội dung mới báo cáo UBND tỉnh đề xuất hướng xử lý chứ không thể thả về nơi bắt nó được", báo Tuổi trẻ dẫn lời ông Hùng.
Núi Cấm - nơi bắt được đôi rắn lớn trên - còn được gọi là Núi Ông Cấm hay Thiên Cấm sơn, là một trong 7 ngọn núi ở An Giang. Núi Cấm cao 705 m, cao nhất đồng Bằng Sông Cửu Long. Dân địa phương cho biết, vùng núi Cấm xưa cây cối rậm rạp, là nơi trú ngụ nhiều rắn hổ mang chúa.
Rắn hổ mang chúa (Ophiophagus hannah) là loài rắn độc dài nhất thế giới (có thể dài tới 7m), chủ yếu sống trong rừng nhiệt đới từ Ấn Độ đến Đông Nam Á. Đây nhóm động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao, nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại.
Theo Nam An (Tổ Quốc)