Năm 2017, số người đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư là 1.226, gấp 1,7 lần so với năm 2016, 2,3 lần năm 2015. Nguyên Vụ phó Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Lê Viết Khuyến phải thốt lên "quá bất thường". Lý do là nền khoa học, giáo dục không thể phát triển đột biến trong một năm. Việc nhiều người đổ xô đi làm giáo sư, phó giáo sư thể hiện sự háo danh, bệnh thành tích của một bộ phận tri thức.
Một cán bộ trường đại học ở Hà Nội cũng cho rằng bản chất giáo sư, phó giáo sư là chức danh nghề nghiệp, gắn với hoạt động giảng dạy ở đại học. Tuy nhiên nhiều năm gần đây, chức danh này được nâng tầm, trở thành minh chứng cho đẳng cấp trình độ của người đạt được. Trong khi trình độ phải được tính bằng cử nhân, tiến sĩ. Mỗi mùa công nhận giáo sư, phó giáo sư nhà nước lại tổ chức vinh danh rầm rộ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, Trung tâm hội nghị quốc gia...
"Từ việc đơn thuần là chức danh nghề nghiệp, giáo sư, phó giáo sư trở thành cái gì đó rất ghê gớm, thể hiện sự hơn người", vị này nói. Ông cho rằng từ năm 2015, các giáo sư, phó giáo sư nhận được các quyền lợi như lương cao, được hướng dẫn nghiên cứu sinh... cũng là lý do để nhiều người dù trình độ chưa đạt vẫn tìm mọi cách có được danh hiệu này.
Nhà nước chỉ nên quy định tiêu chuẩn chức danh tối thiểu
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, nên trả giáo sư, phó giáo sư về đúng bản chất chức danh nghề nghiệp và giao cho trường đại học thực hiện việc công nhận, bổ nhiệm. Nhà nước chỉ nên định hướng, đưa ra các tiêu chí để trường tự phong.
"Các đại học sẽ nắm rõ và đánh giá chính xác nhất chuyên môn, đóng góp của ứng viên ở cơ sở mình. Chế độ đãi ngộ của giáo sư, phó giáo sư cũng do trường tự đặt ra, trên cơ sở khuyến khích người tài vào làm việc. Việc công nhận, bổ nhiệm chức danh này chỉ có giá trị 5 năm, chứ không phải vĩnh viễn như quy định hiện nay", nguyên Vụ phó Giáo dục Đại học Lê Viết Khuyến góp ý.
TS Lê Trường Tùng (Chủ tịch HĐQT Đại học FPT) đồng quan điểm trả việc phong giáo sư, phó giáo sư về trường đại học, bởi đây là chức danh nghề nghiệp gắn với một trường đại học cụ thể. "Các đại học đã được cấp bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ thì cấp thêm chứng nhận giáo sư, phó giáo sư cũng là chuyện bình thường. Với một giảng viên giỏi, trường này không phong giáo sư thì trường khác phong, tránh việc nộp hồ sơ 5-7 lần mà bỏ phiếu vẫn trượt", ông Tùng nói.
Chức danh giáo sư, phó giáo sư gắn với tên của trường đại học đồng nghĩa với việc trường này phải chịu trách nhiệm về chất lượng công nhận của mình (có dựa trên bộ tiêu chí tối thiểu của nhà nước quy định). Do đó, theo TS Tùng sẽ khó có chuyện trường đại học ồ ạt phong giáo sư, phó giáo sư.
Các chuyên gia đồng loạt phản đối việc phong danh hiệu này cho những người không làm công tác giảng dạy và không thuộc biên chế của trường đại học, viện nghiên cứu có hoạt động đào tạo. Ý nghĩa của từ "giáo" trong giáo sư, phó giáo sư khi đó sẽ không còn.
"Thay máu" hội đồng chức danh giáo sư
Một cán bộ trường đại học cho rằng, không công bằng khi dùng người không có (hoặc kém) trình độ tiếng Anh, không có công bố quốc tế để đánh giá người giỏi ngoại ngữ, có công bố quốc tế. Do đó phải "thay máu" Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước, hội đồng ngành hiện nay, đưa vào những người trẻ tài năng, xứng đáng hơn.
Giảng viên một trường đại học lớn khác cho biết, không hề có ý định ứng tuyển chức danh giáo sư, phó giáo sư dù đủ điều kiện, vì không phục hội đồng xét duyệt. Việc làm hồ sơ quá phức tạp, mất thời gian và nhiều tiền bạc nên dù biết trở thành phó giáo sư sẽ được tăng lương, tiến sĩ này chọn "an phận" với mức lương khoảng 6,5 triệu đồng/tháng (đã có trợ cấp) và dạy thêm bên ngoài.
"Giáo sư hay phó giáo sư tiêu chí quan trọng nhất phải là làm được việc, truyền cảm hứng và kiến thức tốt cho sinh viên. Họ đồng thời phải đều đặn nghiên cứu khoa học và nghiên cứu đó có tính thực tiễn. Ở trường tôi có phó giáo sư bị sinh viên rất chê bởi kiến thức thực tế quá kém", giảng viên này chia sẻ.
Trước đó Tổng thư ký Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước Trần Văn Nhung lý giải có hai lý do khiến số lượng giáo sư, phó giáo sư đạt chuẩn năm 2017 tăng mạnh. Đó là thời hạn nộp hồ sơ kéo dài hơn 6 tháng và các ứng viên cố gắng được xét theo quy định hiện hành, trước khi có sự thay đổi về tiêu chuẩn chức danh theo hướng yêu cầu cao hơn.
Tuy nhiên, ông Nhung nhấn mạnh, Hội đồng các cấp không vì số lượng mà hạ tiêu chí đánh giá; chất lượng ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017 không giảm, thậm chí tăng lên.
Theo Minh Anh (VnExpress.net)