PGS Xuân: Đề xuất lu nước này cũng đã được các chuyên gia JICA (Nhật Bản) nêu ra?
Theo phản ánh của báo chí, trong phiên họp HĐND TP.HCM vào chiều 12/7, PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Đông Nam Á, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Dân tộc học - Nhân học TP.HCM đã đề xuất sáng kiến nên trang bị lu cho người dân để chống ngập.
Ý kiến này sau đó gây xôn xao dư luận, không ít người bày tỏ sự phản đối, cho rằng đây là đề xuất "hài hước, không khả thi", thậm chí có thể gây bùng phát lại dịch sốt xuất huyết (?)...
Trao đổi với PV vào tối 12/7, PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân cho biết, bà đã đọc các thông tin trên báo chí phản ánh về ý kiến phát biểu của bà tại phiên họp HĐND TP vào chiều cùng ngày và nhiều ý kiến trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, theo bà, có thể mọi người chưa hiểu hết ý của bà về đề xuất này.
Theo PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân, tại phiên họp chiều nay bà đã đề xuất về giải pháp tạm thời trong việc tránh ngập do nước mưa gây ra.
Cụ thể, bên cạnh các giải pháp công trình và phi công trình nhằm tránh gập do nước mưa mà lãnh đạo TP nêu trong báo cáo, cũng như ý kiến của các đại biểu phát biểu trước, bà đã xin chia sẻ kinh nghiệm của các nước Đông Nam Á và châu Á áp dụng, đồng thời là tri thức bản địa ở vùng nông thôn Việt Nam.
"Khi phát biểu tôi có nêu rõ, trong điều kiện ngân sách TP còn eo hẹp mà phải xử lý nhiều vấn đề quan trọng, thay vì xây 1 hồ chứa nước lớn tốn nhiều tiền, chúng ta có thể trang bị cho người dân khu vực ngập do nước mưa gây ra mỗi nhà 1, 2 cái lu (mang tính mỹ thuật) như 1 giải pháp tạm thời.
Đề xuất lu nước này cũng đã được các chuyên gia JICA (Nhật Bản) nêu ra trong chương trình lắng nghe trao đổi về chống ngập vừa qua chứ không phải tự tôi suy diễn ra.
Theo đó, JICA cho rằng, nếu TP.HCM vận động mỗi hộ gia đình trong điều kiện của mình xây 1 bể chứa nước 1m3 thì không những góp phần chống ngập mà còn giúp tiết kiệm nước sạch.
Nước mưa trữ trong bể có thể dùng để tưới cây, rửa xe... thay nước máy. Không chỉ Nhật Bản mà nhiều nước khác cũng dùng giải pháp này để chống ngâp.
Đây được coi là giải pháp mềm trong thích ứng với biến đổi khí hậu", PGS Hồng Xuân nêu lại ý kiến phát biểu.
Đã có nơi thực hiện giống như đề xuất của PGS Hồng Xuân?
Trước một số ý kiến cho rằng, nếu áp dụng theo đề xuất này thì có thể gây bùng phát lại dịch sốt xuất huyết ở TP.HCM, PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân nhấn mạnh, đây chỉ là giải pháp tạm thời ngay lúc mưa to, do đó không nên quá lo lắng việc này.
"Vì chỉ là giải pháp tạm thời lúc trời mưa to nên sau khi kết thúc mưa, chúng ta sẽ xử lý nước đó để tưới cây hay lau chùi nhà cửa, rửa xe... thì rất tiết kiệm so với dùng nước máy, nhất là trong điều kiện, giá nước cũng tăng.
Tôi cũng muốn nói thêm, sau khi tôi phát biểu, một nữ đại biểu HĐND cũng chuyển tờ giấy xuống nói rằng, ý kiến này cũng giống ý kiến của vị đó.
Vị này cũng cho hay, tại chùa Pháp Võ ở khu vực Nhà Bè thường xuyên bị ngập do mưa lớn đã áp dụng việc dùng các lu, hồ xây để chứa nước mưa, giảm bớt nguy cơ úng ngập.
Khi ấy, tôi đề nghị vị đó giơ tay phát biểu để cho HĐND thấy một số nơi có triển khai rồi chứ không phải ý kiến chủ quan của cá nhân tôi, nhưng vì hết thời gian nên chưa phát biểu được", PGS Xuân chia sẻ.
Bà Xuân cho biết thêm, sau khi báo chí thông tin về đề xuất của bà, từ chiều tối đến nay, trên mạng xã hội Facebook đã xuất hiện rất nhiều ý kiến, bình luận khiếm nhã và nhiều học trò, đồng nghiệp cũng nhắn tin hỏi han.
"Khi mọi người hỏi, tôi đều trả lời, mình có nêu đề xuất đó, nhưng không với tinh thần đơn giản như vậy.
Bản thân tôi không muốn ý kiến gì thêm, bởi mọi người đều có quyền nêu ý kiến, nhưng cần đúng pháp luật và khi người ta không hiểu, có giải thích cũng khó nhận được sự lắng nghe.
Tôi chỉ mong muốn nếu được có thể lấy ý kiến của ai đó khách quan hay của JICA hoặc kinh nghiệm các nước nhằm minh chứng lại cho đề xuất này", bà Xuân bày tỏ.
Theo Hoàng Đan (Trí Thức Trẻ)