Sáng 22/5, đoàn giám sát của HĐND TP.HCM khảo sát tuyến kênh A41, một trong 3 hướng thoát nước chính của sân bay Tân Sơn Nhất, trước khi làm việc với UBND quận Tân Bình.
Báo cáo với đoàn giám sát, ông Hứa Quốc Hưng, Phó chủ tịch UBND quận Tân Bình, cho biết hiện trạng sử dụng đất tại các tuyến kênh rất phức tạp, đa số hộ dân đều lấn chiếm 2 bờ kênh để cơi nới khuôn viên. Bên cạnh đó, người dân cũng không nêu cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường, thường xuyên vứt rác, xả thải trực tiếp xuống lòng kênh gây mất vệ sinh môi trường và tắc nghẽn dòng chảy.
Dự án ì ạch
Để giải quyết tình trạng này, UBND TP.HCM đã có chủ trương đầu tư cải tạo 4 tuyến kênh, mương thoát nước, gồm: Kênh Hy Vọng, kênh Tân Trụ, kênh A41 và mương Nhật Bản nhánh 2. Đây cũng là các tuyến kênh thoát nước cho sân bay Tân Sơn Nhất khi vào mùa mưa. Thế nhưng, các dự án này đang gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn và thủ tục đầu tư.
Cụ thể, dự án kênh A41 và mương Nhật Bản nhánh 2 vẫn đang triển khai công tác bồi thường, dự kiến đến quý IV/2019 mới xong. “Còn dự án kênh Tân Trụ và kênh Hy Vọng vẫn chưa được phê duyệt trong khi bức xúc của người dân khu vực này ngày càng nhiều”, ông Hưng cho hay.
Năm 2013, dự án kênh Hy Vọng được phê duyệt phương án cải tạo là kênh hở toàn tuyến kết hợp làm đường giao thông với tổng số vốn là 427 tỷ đồng. Đến năm 2016, dự án đầu tư quản lý rủi ro ngập nước khu vực TP.HCM được phê duyệt, trong đó có hạng mục cải tạo kênh Hy Vọng.
Dự án này được Ngân hàng Thế giới tài trợ vốn. Thế nhưng, đến tháng 6/2017 nguồn vốn bị cắt do Ngân hàng Thế giới kết thúc tài trợ. Sau đó, UBND TP.HCM đã giao Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước tìm nguồn vốn khác để thực hiện dự án.
Trong khi đó, dự án kênh Tân Trụ được HĐND TP thông qua năm 2016 nhưng đến nay vẫn chưa thể thi công. Ông Hưng cho biết Trung tâm Chống ngập đang trình Sở Giao thông Vận tải ranh thu hồi đất, sau khi được phê duyệt thì UBND quận Tân Bình sẽ bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Kênh A41 là 1 trong 3 hướng thoát nước chính của sân bay Tân Sơn Nhất. Năm 2016, Sở Giao thông Vận tải phê duyệt dự án đầu tư xây dựng tuyến kênh này. Hồi tháng 4 vừa qua, UBND quận Tân Bình đã trình Sở Tài nguyên và Môi trường đơn giá đất tính bồi thường, hỗ trợ. Ngoài ra, dự án cải tạo mương Nhật Bản nhánh 2 đang chờ Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định giá T1.
Hệ thống thoát nước "lệch pha"
Ngoài các dự án thoát nước cho sân bay đang chậm tiến độ, việc quản lý hệ thống thoát nước bên trong sân bay Tân Sơn Nhất cũng gặp khó do liên quan đến nhiều đơn vị quản lý, sử dụng.
Phó chủ tịch UBND quận Tân Bình cho hay bên trong sân bay đang có 10 đơn vị khai thác, mỗi đơn vị lại xây dựng một hệ thống thoát nước riêng, không kết nối với nhau nên hệ thống thoát nước bên trong sân bay không đồng bộ.
Ngoài ra, khi cải tạo hệ thống thoát nước thì các đơn vị này không phối hợp với địa phương, cán bộ UBND quận Tân Bình cũng không thể vào bên trong kiểm tra nên cao độ hệ thống thoát nước giữa bên trong và bên ngoài sân bay bị chênh lệc, làm giảm hiệu quả thoát nước.
Ông Hưng thông tin Bộ Giao thông Vận tải đã chấp thuận chủ trương cải tạo, chỉnh trang bên trong sân bay. Dự án này phối hợp đồng bộ với các dự án bên ngoài sân bay do Sở Giao thông Vận tải đầu tư sẽ nâng cao hiệu quả chống ngập cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Ông Phạm Đức Hải, Phó chủ tịch HĐND TP.HCM, đánh giá quận Tân Bình đã có nhiều nỗ lực để triển khai dự án nhưng tiến độ nhìn chung vẫn chậm. Do đó, quận Tân Bình cần chủ động, phối hợp với các sở ngành, kiên trì kiến nghị UBND TP.HCM để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Ngoài ra, khi giải tỏa các hộ dân ven kênh thì quận Tân Bình cũng cần chuẩn bị quỹ nhà, đất để tái định cư cho người dân.
“Trong tháng 6, chúng tôi sẽ có buổi giám sát UBND TP nhằm trao đổi về các bất cập trong thời gian qua để chủ động giải quyết”, ông Hải thông tin.
Theo Sỹ Đông (Tri Thức Trực Tuyến)