Sáng 14/5, HĐND TP.HCM đã khảo sát các hạng mục của Dự án Giải quyết ngập do triều cường khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1). Có tổng mức đầu tư lên đến 10.000 tỷ đồng, đây là dự án chống ngập có quy mô lớn nhất từ trước tới nay của thành phố.
Điệp khúc chờ mặt bằng
Báo cáo với đoàn giám sát, ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Xây dựng Trung Nam, cho biết tiến độ của dự án hiện đạt 76%. Tuy nhiên, một số hạng mục chưa thể thi công vì phải chờ bàn giao mặt bằng.
Ngoài quận 1 không còn vướng mặt bằng thì các quận, huyện còn lại như 4, 7, 8, Nhà Bè và Bình Chánh đều chưa giao mặt bằng để chủ đầu tư thi công. Cụ thể, cống kiểm soát triều Phú Xuân còn vướng 18 hộ dân ở quận 7 và huyện Nhà Bè. Cống kiểm soát triều Mương Chuối vướng 34 hộ dân, cống kiểm soát triều Cây Khô còn vướng 13 hộ, cống kiểm soát triều Phú Định cũng còn 13 hộ và 1 tổ chức...
Đại diện chủ đầu tư cho biết tiến độ thời gian qua được đẩy nhanh là nhờ thi công trên sông nước. Các công trình như bờ kè, mang cống, công trình phụ trợ tuy còn ít nhưng cần phải có mặt bằng thì mới thi công được.
"Nếu các quận, huyện bàn giao mặt bằng vào cuối tháng 6/2019 thì nhà đầu tư cam kết cuối năm hoàn thành dự án", ông Tiến cho hay.
Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM, nhìn nhận vấn đề giải phóng mặt bằng không hề đơn giản bởi vì nó liên quan đến quyền lợi của người dân. Bà đánh giá hầu hết hộ dân trên sông, nhà cửa rất khó khăn, việc bồi thường, giải phóng mặt bằng thời gian qua đã có nhiều cố gắng.
Người đứng đầu HĐND TP.HCM cho rằng nếu đẩy nhanh được tiến độ bàn giao mặt bằng thì sẽ đẩy nhanh được tiến độ thi công và sẽ tiết kiệm được nhiều thứ về ngân sách.
"Dù các quận, huyện cam kết với thành phố sẽ bàn giao mặt bằng trong tháng 6/2019 nhưng tôi thấy khó khả thi. Mình phải đeo bám những kiến nghị của quận huyện gửi đến UBND TP", bà Lệ yêu cầu.
Chưa thể khẳng định hết ngập hay không
Một vấn đề được các đại biểu HĐND TP.HCM đặt ra là khi dự án hoàn thành, liệu có giải quyết được ngập.
Trả lời, nhà đầu tư cho rằng còn phải phụ thuộc vào các dự án khác trong Quy hoạch tổng thể Hệ thống thoát nước mưa TP.HCM (Quy hoạch 752). Theo đó, dự án chống ngập do triều chỉ ngăn triều cường và hỗ trợ bơm nước ra ngoài sông còn nước mưa có đổ về ngoài trạm bơm hay không thì phụ thuộc vào tuyến cống thoát nước.
Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó ban quản lý dự án xây dựng Hạ tầng đô thị TP.HCM, thông tin Quy hoạch 752 chỉ tập trung giải quyết nước mưa và xử lý nước thải cho khu vực trung tâm thành phố và vài quận, huyện vùng ven.
Do sử dụng các số liệu quá khứ như mực nước triều là 1,32 m và lượng mưa là 98 mm/3 giờ nên quy hoạch bộc lộ nhiều hạn chế. Hiện, triều cường cao nhất là 1,73 m ở trạm Phú An, cao hơn số liệu tính toán trong quy hoạch là 40 cm. Vì vậy, thành phố đang nghiên cứu lại Quy hoạch 752 để thích ứng với biến đổi khí hậu và kết hợp dự án chống ngập do triều.
Để đồng bộ với dự án chống ngập do triều, ông Dũng cho biết TP.HCM đã đề xuất thực hiện 55 dự án trong Quy hoạch 752. Hôm 11/5 vừa qua, HĐND TP.HCM đã thông qua nghị quyết đồng ý sử dụng nguồn vốn ngân sách thành phố để thực hiện các dự án này.
Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ ghi nhận sự nỗ lực của nhà đầu tư và các sở, ngành trong việc phối hợp tháo gỡ những vướng mắc của dự án. Sau buổi khảo sát thực tế, đoàn giám sát sẽ làm việc với các quận huyện trước khi làm việc với UBND thành phố.
Ngoài vấn đề mặt bằng, ông Nguyễn Tâm Tiến cho hay trong thời gian tới có thể xảy ra trục trặc về nguồn vốn do nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ dành cho dự án sẽ kết thúc vào ngày 30/6. Hiện, UBND TP.HCM đã báo cáo Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ, đề xuất gia hạn đến tháng 9/2020.
Theo Sỹ Đông (Tri Thức Trực Tuyến)