Thẩm phán Phạm Văn Nam làm chủ tọa phiên tòa. Đại diện Viện KSND cấp cao tại Hà Nội thực hành quyền công tố tại phiên tòa.
Bị cáo Lưu Bình Nhưỡng có ba luật sư do gia đình thuê. Ngoài ra, bị cáo Nhưỡng còn được Hội đồng xét xử (HĐXX) chỉ định thêm một luật sư hỗ trợ.
Bị cáo Nguyễn Văn Vương có một luật sư bào chữa nên từ chối luật sư chỉ định của Hội đồng xét xử.
Đáng chú ý, cả 4 luật sư bào chữa cho bị cáo Lê Thanh Vân đều vắng mặt. Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho bị cáo, Hội đồng xét xử đã chỉ định một luật sư thuộc Đoàn luật sư tỉnh Thái Bình tham gia bào chữa. Tuy nhiên, bị cáo Vân từ chối luật sư này và đề nghị hoãn phiên tòa.
Sau khi xem xét, HĐXX phúc thẩm không chấp nhận đề nghị vì cho rằng việc vắng mặt của những người tham gia tố tụng (bao gồm bị hại và nhân chứng khác) đã được giải trình bằng đơn xin vắng mặt, và lời khai của họ đã được thu thập đầy đủ trong quá trình điều tra và xét xử sơ thẩm.
Đối với ý kiến xin hoãn phiên tòa của bị cáo Lê Thanh Vân, HĐXX phúc thẩm không chấp nhận, và quyết định tiếp tục phiên tòa.
Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm, TAND tỉnh Thái Bình đã tuyên phạt bị cáo Lê Thanh Vân 7 năm tù; Nguyễn Văn Vương 14 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.
Bị cáo Lưu Bình Nhưỡng bị tuyên phạt 13 năm tù về hai tội “Cưỡng đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi”.
Trong phiên tòa phúc thẩm, căn cứ vào chứng cứ, tài liệu cũng như diễn biến xét xử tại phiên tòa, HĐXX phúc thẩm thấy, đối với bị cáo Lưu Bình Nhưỡng, bị cáo này đã thành khẩn khai báo, nhận thức được hành vi vi phạm của mình.
Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo Nhưỡng đã xuất trình thêm một số tình tiết mới, HĐXX chấp nhận đề nghị giảm án cho bị cáo như đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Hà Nội.
Tuy nhiên, đối với tội danh Cưỡng đoạt tài sản, HĐXX nhận thấy bị cáo Lưu Bình Nhưỡng là đồng phạm, chiếm đoạt số tiền rất lớn, ngay tại bản án sơ thẩm đã xét đến các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo nên ở phiên tòa phúc thẩm, không thể giảm nhẹ thêm cho tội danh này.
HĐXX phúc thẩm tuyên phạt bị cáo Lưu Bình Nhưỡng 3 năm tù tội Cưỡng đoạt tài sản và 9 năm tù cho tội danh Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, tổng hình phạt buộc bị cáo phải thi hành là 12 năm tù.
Nói lời sau cùng, ông Nhưỡng cho hay thực sự ăn năn hối cải. Ông xin lỗi Đảng, Nhà nước, cử tri và nhân dân, những người luôn đặt niềm tin và ủng hộ. Từ khi bị bắt tạm giam đến phiên tòa hôm nay, bị cáo bày tỏ đã nghiêm chỉnh cải tạo bản thân, bệnh nặng, ngày nào cũng phải uống thuốc.
Sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Lê Thanh Vân và bị cáo Nguyễn Văn Vương kháng cáo kêu oan. Đối với kháng cáo của bị cáo Lê Thanh Vân và Nguyễn Văn Vương, HĐXX nhận thấy không có căn cứ chấp nhận lời kêu oan của 2 bị cáo này.
HĐXX đánh giá, những hành động của 2 bị cáo đã đủ thỏa mãn cấu thành tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi.
Các bị cáo đều là người có chức vụ quyền hạn, đã tác động đến một số cơ quan để nhằm trục lợi cá nhân. Xét chủ quan, động cơ là vụ lợi. Có vụ việc đã hưởng lợi, có vụ việc nhằm sẽ hưởng lợi trong tương lai.
Xét khách quan, bị cáo Lê Thanh Vân là đại biểu Quốc hội, là người có ảnh hưởng, đã lợi dụng sự ảnh hưởng của mình để tác động nhằm hưởng lợi. Vì vậy, không có căn cứ để xét việc kêu oan của 2 bị cáo, cần giữ nguyên bản án sơ thẩm.
HĐXX phúc thẩm quyết định, không chấp nhận kháng cáo kêu oan của bị cáo Lê Thanh Vân, Nguyễn Văn Vương, giữ nguyên án sơ thẩm. Tuyên phạt bị cáo Lê Thanh Vân 7 năm tù; Nguyễn Văn Vương 14 năm tù, tổng hình phạt với bản án khác của Vương, buộc bị cáo này phải thi hành mức án 20 năm 6 tháng tù.