Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 69/2022/QH15 ngày 11-11-2022 về dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023. Theo đó, tổng số thu NSNN là 1.620.744 tỷ đồng; tổng số chi NSNN là 2.076.244 tỷ đồng. Bội chi NSNN là 455.500 tỷ đồng, tương đương 4,42% GDP. Tổng số nợ công là 3.722.699,95 tỷ đồng, bằng 36,07% GDP.
Thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp quản lý, điều hành thu, chi ngân sách, góp phần tích cực vào việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, chính sách tài khóa được điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống người dân.
Kết quả cho thấy kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng GDP cả năm đạt 5,05%, mặc dù thấp hơn kế hoạch đã đề ra (6,5%) nhưng vẫn là điểm sáng so với các nước trong khu vực và trên thế giới; lạm phát được kiểm soát; quốc phòng, an ninh được giữ vững; các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được bảo đảm…
Dự toán thu NSNN năm 2023 là 1.620.744 tỉ đồng; quyết toán là 1.770.776 tỉ đồng, tăng 150.032 tỉ đồng (9,3%) so với dự toán. Trong đó, thu ngân sách Trung ương là 927.511 tỉ đồng, tăng 63.944 tỉ đồng (7,4%) so với dự toán; thu ngân sách địa phương là 843.265 tỉ đồng, tăng 86.088 tỉ đồng (11,4%) so với dự toán.
Tỷ lệ huy động vào NSNN đạt 17,2% GDP; riêng thu từ thuế, phí, lệ phí đạt 14% GDP.
Về quyết toán chi NSNN, dự toán là 2.076.244 tỉ đồng; quyết toán là 1.936.912 tỉ đồng, bao gồm số chi từ nguồn năm trước chuyển sang theo quy định; giảm 139.332 tỉ đồng (6,7%) so với dự toán. Trong đó quyết toán chi ngân sách Trung ương là 697.112 tỉ đồng, bằng 83,9% so với dự toán; quyết toán chi ngân sách địa phương là 1.239.800 tỉ đồng, bằng 99,6% so với dự toán.
Quyết toán chi NSNN tại một số lĩnh vực chủ yếu, đó là chi thường xuyên dự toán là 1.172.295 tỉ đồng; quyết toán là 1.117.207 tỉ đồng, giảm 55.088 tỉ đồng (4,7%); chi đầu tư phát triển dự toán là 728.806 tỉ đồng; quyết toán là 723.839 tỉ đồng, giảm 4.967 tỉ đồng (0,7%) so với dự toán; chi trả nợ lãi dự toán là 102.890 tỉ đồng; quyết toán là 89.323 tỉ đồng, giảm 13.567 tỉ đồng (13,2%) so với dự toán.
Về bội chi NSNN, dự toán bội chi NSNN là 455.500 tỉ đồng, bằng 4,42% GDP; quyết toán là 291.564 tỉ đồng, bằng 2,83% GDP thực hiện, giảm 163.936 tỉ đồng (36%) so với dự toán. Trong đó, dự toán bội chi ngân sách trung ương là 430.500 tỉ đồng, quyết toán là 284.913 tỉ đồng, giảm 145.587 tỉ đồng (33,8%) so với dự toán; dự toán bội chi NSĐP là 25.000 tỉ đồng, quyết toán là 6.651 tỉ đồng, giảm 18.349 tỉ đồng (73,4%) so với dự toán…
Về chỉ tiêu nợ công, tổng số nợ công là 3.722.699,95 tỉ đồng, bằng 36,07% GDP. Nợ Chính phủ là 3.428.046,28 tỉ đồng, bằng 33,22% GDP. Nợ được Chính phủ bảo lãnh là 283.530,03 tỉ đồng, bằng 2,75% GDP… Các chỉ tiêu nợ công năm 2023 trong giới hạn cho phép của Quốc hội.
Bên cạnh kết quả tích cực, Báo cáo chỉ ra một số tồn tại, như: Một số sắc thuế và địa phương thu chưa đạt dự toán; giải ngân đầu tư công còn chậm, kéo dài; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chấp hành kỷ cương, kỷ luật tài chính ở một số nơi còn chưa nghiêm; chậm lập và gửi quyết toán NSNN tại một số đơn vị…
Bên cạnh đó, trong năm 2023, cơ quan thuế, cơ quan hải quan đã tích cực trong việc thu thập, xác minh thông tin, tài sản, tình trạng hoạt động của doanh nghiệp để từ đó áp dụng các biện pháp cưỡng chế phù hợp nhằm thu hồi nợ đọng; thường xuyên kiểm tra, rà soát các khoản nợ để triển khai các giải pháp đôn đốc và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về thuế để thu hồi nợ thuế.
Về kết quả huy động, sử dụng và thanh toán, quyết toán nguồn lực chi cho phòng, chống dịch COVID-19 giai đoạn 2020-2022. Theo đó, năm 2020 tổng nguồn kinh phí huy động là 30.994 tỉ đồng, nguồn lực đã thanh toán là 24.520 tỉ đồng; năm 2021 tổng nguồn kinh phí trong năm là 161.532 tỉ đồng, nguồn lực đã thanh toán là 134.354 tỉ đồng; năm 2022 tổng nguồn kinh phí là 59.840 tỉ đồng, nguồn lực đã thanh toán là 41.610 tỉ đồng.
Đề nghị phê chuẩn tổng số thu cân đối NSNN là 3.023.547 tỉ đồng
Trình bày Báo cáo thẩm tra quyết toán NSNN năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi nêu rõ, trong năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành pháp luật về tài chính, NSNN.
Bên cạnh các kết quả đạt được, qua kết quả kiểm toán quyết toán của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, tại một số Bộ, ngành, địa phương tiếp tục vẫn còn những tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm trong lập, chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023 chưa được xử lý dứt điểm...
Do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương tài chính, NSNN theo đúng quy định pháp luật và các Nghị quyết của Quốc hội.
Các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, đánh giá lại việc lập dự toán, phân bổ và tổ chức, thực hiện, giải ngân chi NSNN hằng năm để nâng cao chất lượng lập, chấp hành dự toán chi NSNN bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực NSNN...
Trên cơ sở đề xuất của Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Kinh tế và Tài chính trình Quốc hội xem xét phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2023 như sau: Phê duyệt bổ sung 16.655 tỷ đồng dự toán thu NSNN năm 2023; phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2023 theo đề xuất của Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước.
Trên cơ sở các nội dung đã báo cáo, Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt bổ sung dự toán thu NSNN năm 2023 chưa được bổ sung tại Nghị quyết số 1077/NQ-UBTVQH15 ngày 28/6/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung dự toán thu NSNN năm 2023 là 16.655 tỉ đồng.
Đồng thời, phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2023 như sau: Tổng số thu cân đối NSNN là 3.023.547 tỉ đồng. Trong đó, số thu NSNN theo dự toán là 1.770.776 tỉ đồng, thu chuyển nguồn năm 2022 sang năm 2023 là 1.144.686 tỉ đồng, thu từ kết dư năm 2022 là 107.418 tỉ đồng và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước là 667 tỉ đồng.
Tổng số chi cân đối NSNN là 3.176.154 tỉ đồng. Trong đó, chi NSNN theo dự toán là 1.936.912 tỉ đồng, chi chuyển nguồn sang năm 2024 là 1.239.242 tỉ đồng.
Bội chi NSNN 291.564 tỉ đồng, bao gồm: bội chi ngân sách Trung ương là 284.913 tỉ đồng, bội chi ngân sách địa phương là 6.651 tỉ đồng; tổng mức vay của NSNN là 482.625 tỉ đồng.
Theo Lam Phương (SHTT)