Bà là Nam Phương hoàng hậu, vợ vua Bảo Đại - vị vua cuối cùng của triều đại nhà Nguyễn, cũng là vị hoàng đế cuối cùng của chế độ quân chủ trong lịch sử Việt Nam.
Cuộc gặp gỡ định mệnh
Nam Phương hoàng hậu tên thật là Nguyễn Hữu Thị Lan, sinh năm 1914 tại Gò Công nay thuộc thị xã Gò Công (Tiền Giang). Cha bà, cụ Nguyễn Hữu Hào một người giàu có bậc nhất tại miền Nam. Mẹ bà, cụ Lê Thị Bình là con gái Lê Phát Đạt - một trong 4 người giàu nhất Việt Nam thời bấy giờ.
Bà mang quốc tịch Pháp và có tên Pháp là Jeanne Mariette Thérèse. Bà cùng người chị ruột sống tại Sài Gòn cho đến năm 12 tuổi thì sang Pháp theo học tại ngôi trường nữ danh tiếng Couvent des Oiseaux, Paris.
Sau 6 năm theo học bậc trung học, năm 1932 bà đậu tú tài toàn phần rồi trở về nước trên chuyến tàu D’Artagnan của hãng Messagerie Maritime. Vua Bảo Đại qua Pháp cũng trở về trên chuyến tàu này. Có tài liệu ghi lại bà và vua Bảo Đại có gặp nhau trên tàu nhưng cũng có tài liệu nói họ không hề gặp nhau.
Trong một lần đi nghỉ cùng cậu là ông Lê Phát An tại Đà Lạt, bà nhận được giấy mời từ ông Darle, Đốc Lý (tương đương Thị Trưởng) thành phố Đà Lạt mời hai cậu cháu đến dự dạ tiệc ở khách sạn Palace.
Bà không muốn dự. Người cậu phải năn nỉ và thuyết phục bà đến chào nhà vua một chút rồi về. Nể lời cậu, bà trang điểm sơ sài miễn cưỡng đi và chỉ mặc chiếc áo dài bằng lụa đen mua bên Pháp. Nhưng không ngờ, chính sự giản dị, mộc mạc đó đã làm cho trái tim nhà vua thổn thức để đến một ngày nhà vua chính thức cầu hôn bà.
Sau này, trong cuốn hồi ký 'Con rồng Việt Nam', Bảo Đại có nhắc lại: 'Sau lần hội ngộ đầu tiên ấy, thỉnh thoảng chúng tôi lại gặp nhau để trao đổi tâm tình. Marie Thérèse thường nhắc đến những kỉ niệm ở trường Couvent des Oiseaux một cách thích thú. Cũng như tôi, Marie Thérèse rất thích thể thao và âm nhạc. Nàng có vẻ đẹp dịu dàng của người miền Nam pha một chút Tây phương'.
Điều kiện cưới khắc nghiệt của hoàng hậu Nam Phương
Nhận được lời cầu hôn từ nhà vua, gia đình bà Nguyễn Hữu Thị Lan đồng ý có điều kiện.
Đòi hỏi của nhà gái, Nguyễn Hữu Thị Lan phải được tấn phong Hoàng hậu Chánh cung ngay trong ngày cưới. Điều này đã làm cho các quan trong triều không hài lòng bởi trong 13 triều vua nhà Nguyễn chỉ mới có 2 trường hợp được phong hoàng hậu khi còn sống.
Thêm vào đó - một điều kiện khác - bà Lan được phép giữ đạo Công giáo và sau này các con phải được rửa tội theo giáo luật Công giáo.
Bảo đại bất chấp tất cả để lấy bằng được Nguyễn Hữu Thị Lan. Điều này chứng tỏ tình yêu của nhà vua dành cho bà rất mãnh liệt.
Vua đã từ chối cuộc hôn nhân do mẹ là thái hậu Từ Cung chọn cho. Người được mẹ chọn cho vua là con của một vị phó bảng quê ở Phong Điền (Thừa Thiên) đã chuẩn bị mọi thứ để tiến cung.
Thái hậu Từ Cung rất buồn khi ý định của mình bị nhà vua bác bỏ. Cả triều đình như đang dậy sóng.
Thế nhưng, mọi toan tính đều thất bại trước sự kiên quyết của Bảo Đại. Ông khẳng định với mẹ, nếu không lấy được Thị Lan ông sẽ độc thân suốt đời.
Ngày 20/3/1934 hôn lễ được cử hành tại Huế. Bốn ngày sau, lễ tấn phong hoàng hậu diễn ra rất trọng thể tại điện Dưỡng Tâm. Nhà vua phong Nguyễn Hữu Thị Lan tước Nam Phương hoàng hậu.
Ở cương vị hoàng hậu, Nam Phương đã giúp cho vua Bảo Đại trong các hoạt động ngoại giao, đón tiếp các quốc khách, giao thiệp với Pháp. Không ở trong thâm cung như các hoàng hậu cung phi khác, với tư cách đệ nhất phu nhân, bà được giao làm các công việc xã hội, khuyến học, khen thưởng học sinh giỏi, giúp đỡ người nghèo, đề cao vai trò của người phụ nữ trong xã hội.
Sau nhiều năm chung sống, bà có với vua Bảo Đại 5 người con, 2 hoàng tử và 3 công chúa.
Theo Trần Chánh Nghĩa (VietNamNet)