"Khi trái tim tan nát, nó dễ dàng trở nên cay độc", có lẽ là hai câu nói rất hợp trong thời gian gần đây, bởi chúng đã phản ánh chính xác về thực trạng của những màn đánh ghen kinh hoàng được bàn tán xôn xao mỗi ngày ở khắp các diễn đàn mạng xã hội. Thật tình mà nói, rõ ràng, chẳng ai bênh được cho những hành vi sai trái khi một người thứ ba cả gan cặp kè với chồng của một người phụ nữ khác, nhưng suy cho cùng, việc "trả thù" bằng cách đánh ghen tàn độc như trên vẫn chưa bao giờ được tất cả mọi người đồng tình, kể cả có là chị em phụ nữ với nhau.
Đáng nói, về phía các chị vợ, mới đây là những nạn nhân chính trong cuộc hôn nhân của mình mà bây giờ đã trở thành một người đàn bà bạo lực thì khác nào chính các chị đã đạp đổ tự sự kiêu hãnh của chính mình. Nhưng làm sao để ghen cho văn minh và gìn giữ sự kiêu hãnh? Để trả lời cho câu hỏi này, xin mượn câu chuyện về cách ghen đáng nể của bà Hoàng cuối cùng của nước Nam để trả lời. Bà Hoàng này không ai khác, chính là Nam Phương Hoàng hậu, vợ của cựu Hoàng Bảo Đại - ông vua nổi tiếng là đam mê sắc dục đến mức xem đó như là nhu cầu thiết yếu mỗi ngày.
Nam Phương Hoàng hậu và người chồng nổi tiếng đào hoa, xiêu lòng với bất kỳ người đàn bà đẹp nào trong tầm mắt
Không phải nói nhiều về vị Hoàng hậu này, bởi bà vốn đã quá nổi tiếng về nhan sắc khi mà đến tận ngày nay, sau khi qua đời hơn nửa thế kỷ, bà vẫn còn được người đời tán dương như là vị Hoàng hậu đẹp nhất trong sử Việt, thậm chí là vẫn lọt vào không ít bảng xếp hạng dành cho những thành viên hoàng tộc có nhan sắc tại châu Á nói riêng và cả thế giới nói chung. Còn về học thức, Nam Phương Hoàng hậu cũng chẳng thua kém ai vì xuất thân trong một danh gia vọng tộc nổi tiếng giàu có và hiếu tri, được gia đình cho sang Pháp du học tại trường nữ sinh danh tiếng Couvent des Oiseaux (Paris), đến khi trở về nước bà đã có trong tay tấm bằng tú tài toàn phần.
Năm 20 tuổi, bà kết hôn với Bảo Đại và chính thức bước chân vào Hoàng tộc cuối cùng của triều Nguyễn. Ngoài ra, bà đã làm một điều mà xưa nay chưa từng có ai làm trong lịch sử hậu cung Việt Nam, đó là dẹp bỏ tam cung lục viện, yêu cầu Bảo Đại chấp thuận cuộc hôn nhân một vợ một chồng chung thủy. Nhưng cuộc đời không như là mơ, Nam Phương Hoàng hậu cũng không ngờ rằng, dù Bảo Đại đã hứa chỉ có mình bà, đã từng yêu bà say đắm nhưng với ông, nhu cầu sắc dục luôn phải đổi mới và với bản tính trăng hoa có sẵn trong người, ông đã không ít lần lừa dối bà để đi theo những bóng hồng khác.
Ngoài những cuộc tình ngoài luồng sâu đậm gắn với những cái tên nổi tiếng làm tốn giấy mực của báo giới lúc bấy giờ, cựu Hoàng Bảo Đại còn có vô số những cuộc tính ngắn hạn, chóng vánh với biết bao người phụ nữ thuộc đủ mọi tầng lớp, từ cô hầu, cô phục vụ phòng khách sạn, cho đến vợ của các gia nhân đày tớ và cả gái làng chơi... Việc ông chồng hoàng gia xiêu lòng với bất kỳ người đàn bà đẹp nào trong tầm mắt như thế, Nam Phương Hoàng hậu có biết không? Biết chứ, bà rõ hơn ai hết về cái tính bay bướm này của chồng nhưng với cương vị là một Hoàng hậu, lại là người có trí thức, tính tình kiêu hãnh, bà không cho phép mình làm bất kỳ điều gì vượt quá chuẩn mực.
Bà không đánh ghen, không cho những người hầu thân cận đi dằn mặt kẻ dám cặp kê với chồng mình. Cũng không hề có quan niệm "ông ăn chả, bà ăn nem" dù cho khi ấy, nhan sắc của bà vẫn còn có cả khối người nguyện quỳ dưới chân, chồng thì suốt ngày rời cung đi mất, cuộc sống vợ chồng nhàn nhạt, giường lạnh, chăn không còn ấm. Suốt ngày bà chỉ quanh quẩn bên các con, phục vụ mẹ chồng và quán xuyến việc vặt.
Nam Phương Hoàng hậu chỉ giữ nỗi buồn ở trong lòng thế thôi, một nỗi buồn mà chỉ những người vợ nào có chồng ngoại tình mới hiểu thấu. Có lẽ vì bà hiểu, bản tính đàn ông đã là như thế, dù có nói gì, làm gì bà cũng không thể níu chân được. Mà người tình của chồng bà như hoa bên đường, hoa này bị "diệt" hoặc héo tàn vẫn sẽ còn hoa khác thay thế, vậy nên đánh ghen cũng chỉ là trò vô bổ, nếu không muốn nói là sẽ làm nhọc sức và phá tan sự tự tôn kiêu hãnh của bà - một Hoàng hậu danh giá.
Bức thư gửi bồ nhí của chồng và cách ghen đầy kiêu hãnh của bà Hoàng cuối cùng của nước Nam
Mặc khác, nếu đánh ghen thì chẳng khác nào Nam Phương Hoàng hậu công nhận mình là một kẻ bại trận trong chính cuộc hôn nhân của mình. Nên bà chọn làm một cách khác. Cách này là dùng đòn tâm lý, nó có thể khiến chồng bà chạnh lòng và cô nhân tình kia nhận ra, muôn đời mình cũng chỉ là một kẻ nhỏ nhoi đã đánh mất đi giá trị đạo đức của một người phụ nữ. Cách này Nam Phương Hoàng hậu đã áp dụng cho cô bồ nổi tiếng nhất của cựu Hoàng Bảo Đại - vũ nữ Lý Lệ Hà.
Theo sử liệu ghi chép, trong khoảng thời gian vua Bảo Đại được mời ra Hà Nội trong vai trò Cố vấn tối cao của Chính phủ Cách mạng lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ông đã qua lại với Lý Lệ Hà tại đây, hai người gắn với nhau như hình với bóng. Nam Phương Hoàng hậu biết chuyện và trong một lần khi nhận bức thư yêu cầu trợ cấp của vua Bảo Đại gửi từ Hà Nội về Hoàng cung Huế, bà đã dò hỏi cận thần đưa thư tất cả về cô vũ nữ họ Lý - bồ nhí của chồng bà.
Người đưa thư áp úng bảo không rõ, chỉ biết vũ nữ họ Lý là một cô gái đẹp. Từ "đẹp" trong câu trả lời đã khiến Hoàng hậu giận đến đỏ mặt, bà mím chặt môi, đôi mắt long lanh ngấn lệ. Bà im lặng, hỏi thêm vài câu rồi bằng vẻ chua xót uất ức của mình, bà nói với cận thần đưa thư rằng bà cũng muốn ra Hà Nội sum họp với chồng, nhưng sợ lại làm cho cựu Hoàng đang vui sướng trở thành đau khổ, gò bó: "Thôi! Tôi đành chịu đựng riêng một mình để cho người ta vui sướng". Rồi bà gửi cho người cận thần này số tiền mà vua Bảo Đại đòi hỏi.
Sau đó ít lâu, cựu Hoàng Bảo Đại cùng nhân tình Lý Lệ Hà sang HongKong. Trong khoảng thời gian này, bỗng dưng Nam Phương Hoàng hậu gửi cho Lý Lệ Hà một bức thư. Trong thư viết: "Em Lý Lệ Hà thân quý. Chị ở xa đức cựu hoàng hàng mấy vạn dặm trùng dương, nhưng chị biết rằng em đang hết lòng hết sức chăm sóc cựu hoàng ở Hồng Kông. Chị cầu mong lịch sử mai đây không buông rơi cựu hoàng, còn gặp lại nhau. Đức Từ Cung Thái hậu và chị trọn kiếp nhớ ơn em. Chị Nam Phương".
Quả thật, nội dung bức thư phần nào đã phản ánh được tâm trạng và cốt cách Nam Phương Hoàng hậu, bởi dầu có sự ghen tuông, nhưng không hề chứa oán giận, trách móc hay dằn mặt tình nhân của chồng. Đó là bức thư thể hiện cách cư xử chín chắn và đúng mực, súc tích nhưng thể hiện ý niệm buông xuôi và giao phó chồng cho tình địch, mong tình địch chăm sóc hộ người đàn ông của mình, bố của 5 đứa con mà mình đang ngày đêm dạy dỗ.
Lá thư này cũng có thể là một thông báo thay cho lời tuyên bố những tháng ngày khổ đau của một người vợ có chồng ngoại tình đã trôi đi xa, bây giờ Nam Phương Hoàng hậu toàn tâm toàn ý để "nhường" người đàn ông đã không còn thuộc về mình cho người phụ nữ khác. Đã đến lúc, bà phải sống cuộc đời cho riêng mình, nhớ thương se sắt, mong chờ mỏi mòn cũng chỉ biến bà trở thành một con người u uất và cay nghiệt mà thôi. Mặc dầu vậy, câu "Đức Từ Cung Thái hậu và chị trọn kiếp nhớ ơn em" cũng có thể là ẩn ý rằng, dù "trao" chồng mình cho Lệ Hà, bà cũng sẽ nhớ chuyện này trọn đời trọn kiếp chăng?
Về phía Nam Phương Hoàng hậu là thế, chứ chẳng ai biết nội dung bức thư có ảnh hưởng cụ thể thế nào đến người nhận. Người ta chỉ biết rằng chắc chắn nó có ảnh hưởng rất sâu sắc đến tâm lý của Lý Lệ Hà bởi mãi đến 50 năm sau đó, bà Hà vẫn còn giữ bên mình như một thứ rất quan trọng. Có lẽ, chỉ là có lẽ, bức thư này đã khiến bà Hà mãi nửa thế kỷ sau đó vẫn day dứt về vị trí "người thứ 3" của mình trong cuộc tình nổi tiếng này.
Về sau, khi đã sa cơ lỡ vận, Nam Phương Hoàng hậu cùng các con sang Pháp sinh sống, khi ấy bà đã 33 tuổi nhưng nhan sắc vẫn lộng lẫy muôn phần, thế mà dù chồng có trăng hoa lạnh nhạt đến mức nào, bà vẫn không bao giờ lấp khoảng trống trong lòng ấy bằng một người đàn ông khác, bà giữ phẩm hạnh và cốt cách của mình ngay cả khi không còn tại vị.
Những năm tháng ấy, cựu hoàng Bảo Đại có đến thăm vợ và các con vài lần, nhưng rồi cũng như gió thoảng mây trôi, ông rồi cũng bỏ đi mất theo những tiếng gọi phù hoa của những bóng hồng tươi mới và những cuộc ăn chơi trác táng đến kiệt cùng. Nam Phương Hoàng hậu chẳng còn thiết tha gì nữa, bà điềm nhiên sống cuộc đời của riêng mình mãi cho đến khi qua đời ở tuổi 49 vì căn bệnh tim. Ngày diễn ra đám tang của bà, cựu hoàng Bảo Đại cũng tuyệt nhiên không có mặt.
(Nguồn: Sách Bảo Đại – vua cuối cùng triều Nguyễn, Bảo Đại hay những ngày cuối cùng của Vương quốc An Nam, Chiến tranh Đông Dương)
Theo Min (Helino)