Dung dịch trong chai cồn mà bệnh nhân dùng có nồng độ cồn công nghiệp Methanol là 88%, vượt mức cho phép khoảng 5.000 lần.
Bệnh viện Bạch Mai cho biết, loại cồn y tế mà bệnh nhân đã sử dụng là “Dai Loi”, cồn 90 độ, Ethanol, chai 500 ml, do Công ty Cổ phần Quốc tế Đại Lợi có trụ sở ở Hà Nội sản xuất.
Cồn y tế nhãn hiệu Dai Loi. |
Kết quả xét nghiệm dung dịch còn lại trong chai cồn mà bệnh nhân đã dùng cho thấy, nồng độ cồn công nghiệp Methanol là 88%, vượt mức cho phép khoảng 5.000 lần.
Đặc biệt, dung dịch này cũng không chứa cồn Ethanol - thành phần chủ yếu được phép có trong cồn y tế.
Trước thực tế này, Bệnh viện Bạch Mai đã có công văn báo cáo Cục Quản lý Dược và Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế).
Theo ông Nguyễn Đăng Hòa – cựu Hiệu trưởng Trường Đại học Dược Hà Nội, cồn y tế 90 độ thành phần gồm 90% là cồn Ethanol, còn lại gần 10% là nước và tỷ lệ rất thấp tạp chất.
Nếu dung dịch có tới 88% cồn công nghiệp Methanol thì không thể gọi đó là cồn y tế được.
Còn theo PGS-TS Nguyễn Hoàng Anh - PGĐ Trung tâm quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi phản ứng có hại của thuốc, trong quá trình chưng cất an-côn, cồn y tế vẫn có thể lẫn một lượng rất nhỏ tạp nhất, trong đó có thể có Methanol, nhưng hàm lượng Methanol không được vượt quá giới hạn cho phép.
Đối với loại cồn gốc 96 độ, hàm lượng Methanol không được quá 200 phần triệu.
PGS-TS Nguyễn Hoàng Anh cho biết: “Trong Tiêu chuẩn Dược điển Việt Nam lần thứ 4 hiện hành đã quy rất rõ về cồn Ethanol gốc 96 độ, hàm lượng Methanol trong đó không được quá 200 phần triệu, một tỷ lệ quá nhỏ. Sau đó từ cồn gốc Ethanol 96 độ này có thể pha ra các loại cồn y tế khác nhau, gọi là cồn Ethanol pha loãng và chỉ pha với nước để thành cồn y tế 70 độ hoặc 90 độ. Nếu đúng như thông tin Bệnh viện Bạch Mai cung cấp rằng, kết quả xét nghiệm không có Ethanol. Đặc biệt, hàm lượng cồn Methanol là 88% thì chắc chắn là không ổn. Nếu kết quả này là đúng thì phải xử lý hình sự”.
Các chuyên gia Đại học Dược Hà Nội cũng cho rằng, cần phải trưng cầu kết quả kiểm nghiệm sản phẩm cồn y tế của Công ty Cổ phần Quốc tế Đại Lợi tại Viện kiểm nghiệm thuốc Trung ương hoặc Trung tâm kiểm nghiệm của Hà Nội để làm rõ vấn đề này. Từ đó có thể xử lý vi phạm và kịp thời khuyến cáo đến người dân.
Sau khi Bệnh viện Bạch Mai đưa ra thông tin liên quan đến sản phẩm cồn y tế của Công ty Cổ phần quốc tế Đại Lợi, phóng viên VOV đã liên hệ với công ty nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi nào.
Trước đó, nam bệnh nhân sau khi uống cồn y tế “Dại Loi” thay rượu đã được cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai ngày 20/6, trong tình trạng nguy kịch, hôn mê, co giật, tổn thương não, sốc, toan chuyển hóa nặng.
Kết quả xét nghiệm máu cho thấy, nồng độ cồn công nghiệp Methanol là hơn 320mg/dL (cao gấp 16 lần mức cho phép). Mặc dù được điều trị tích cực, nhưng bệnh nhân đã tử vong ngày 24/6 vừa qua.
Thạc sỹ Nguyễn Trung Nguyên - phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Thời gian gần đây, tình trạng ngộ độc Methanol có xu hướng gia tăng.
Bên cạnh việc người dân uống phải loại rượu không rõ nguồn gốc, còn có những trường hợp pha cồn y tế để uống do nghiện rượu, thiếu rượu để uống hoặc hiểu nhầm cồn y tế là an toàn.
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm tiếp nhận 4 trường hợp ngộ độc Methanol do uống cồn y tế (trong đó 1 bệnh nhân tử vong)./.
Theo Văn Hải (VOV.vn)