Ngăn cản vợ về quê ăn Tết, chồng có thể bị phạt đến 10 triệu đồng?

27/01/2022 10:33:12

Rất nhiều người vợ than thở vì chồng khó chịu, thậm chí cấm cản không cho vợ về ngoại. Ít người biết rằng hành vi của người chồng ngăn cấm vợ về nhà ngoại ăn Tết đã vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình.

Cận kề những ngày cuối năm, chủ đề "Tết nội Tết ngoại" luôn được các chị em nội trợ mang ra bàn tán sôi nổi trên các hội nhóm mạng xã hội. Không ít nàng dâu than thở, cả năm đã sống xa nhà, đến mấy ngày Tết bận bịu, chồng lại "mặt nặng mày nhẹ" chẳng muốn để vợ về nhà ngoại ăn Tết. Dẫu để gia đình vui vẻ, nhiều nàng dâu thường im lặng chiều ý chồng cho ngày Tết tránh mâu thuẫn, tuy nhiên trong lòng không tránh khỏi tủi thân, buồn bực. Ngược lại, không ít cặp đôi khác lại phân chia rõ ràng: "1 năm quê nội, 1 quê ngoại".

Tuy nhiên, không phải phụ nữ nào làm dâu cũng có được sự công bằng như thế, thế nên pháp luật đã cho ra quy định về việc ngăn cấm vợ về quê ngoại là: Vi phạm Luật Hôn nhân và Gia đình.

Ngăn cản vợ về quê ăn Tết, chồng có thể bị phạt đến 10 triệu đồng?
Ảnh minh hoạ

Trong lĩnh vực hôn nhân gia đình, khoản 1 Điều 55 Nghị định 144/2021/NĐ-CP có quy định:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Cấm thành viên gia đình ra khỏi nhà, ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, bạn bè hoặc có các mối quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh nhằm mục đích cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý đối với thành viên đó...

b) Không cho thành viên gia đình thực hiện quyền làm việc;

c) Không cho thành viên gia đình tham gia các hoạt động xã hội hợp pháp, lành mạnh.

Về quê ngoại ăn Tết cũng là dịp chính đáng để người vợ được gặp gỡ gia đình, người thân và bạn bè. Tuy nhiên, không phải mọi trường hợp chồng không cho vợ về quê ngoại ăn Tết đều bị phạt.

Quy định trên sẽ chỉ áp dụng nếu việc cấm cản không cho vợ về quê ngoại gặp gỡ người thân, bạn bè nhằm mục đích cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý với vợ.

Ngược đãi, gây áp lực cho vợ sẽ bị phạt nặng từ năm nay

Từ 01/01/2022, việc xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực hôn nhân gia đình sẽ áp dụng quy định mới tại Mục 4 Nghị định 144/2021. Theo đó, các mức phạt liên quan đến bạo lực gia đình cũng tăng cao.

- Phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình (trước đây chỉ phạt 01 - 1,5 triệu đồng theo Điều 49 Nghị định 167/2013)

- Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

+ Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật khác gây thương tích cho thành viên gia đình;

+ Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối;

+ Đối xử tồi tệ với thành viên gia đình như: bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân;

+ Bỏ mặc không chăm sóc thành viên gia đình là phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ…

(trước đây chỉ phạt 1,5 - 02 triệu đồng theo Điều 49, 50 Nghị định 167/2013)

- Phạt tiền từ 05 - 10 triệu đồng đối với hành vi lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình (trước đây chỉ phạt 500.000 - 01 triệu đồng theo Điều 51 Nghị định 167/2013)

- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 05 - 01 triệu đồng đối với một trong những hành vi:

+ Không cho thành viên gia đình thực hiện quyền làm việc;

+ Không cho thành viên gia đình tham gia các hoạt động xã hội hợp pháp, lành mạnh. (Trước đây chỉ phạt 100.000 - 300.000 đồng theo Điều 52 Nghị định 167/2013)

Có thể thấy, mức phạt hành chính liên quan đến bạo lực gia đình theo quy định mới đã tăng đáng kể, thậm chí nhiều vi phạm đã tăng mức phạt lên gấp 10 lần.

Phạt cải tạo nếu đối xử tệ, làm đau đớn về tinh thần cho nạn nhân

Ngoài ra, theo điều 185 có quy định: Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình

01. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm: a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu. b) Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo.

02. Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần.

b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

NT (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật