Trong thư chúc mừng năm học mới vào ngày 31-8, Chủ tịch nước Trần Đại Quang mong các thầy giáo, cô giáo giữ vững ngọn lửa đam mê với sự nghiệp giáo dục, không ngừng đổi mới, sáng tạo trong dạy học. Đó cũng là nguyện vọng, mong muốn của thầy cô giáo khi ngày mai (5-9), cả nước bước vào năm học mới.
Đừng cản trở sáng tạo
Cùng với đội ngũ giáo viên (GV) cả nước, các thầy cô giáo tại TP HCM bước vào năm học mới với bộn bề lo toan, nhất là trước sự thay đổi liên tục của ngành giáo dục và tiêu cực thi cử trong thời gian vừa qua.
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM), cho rằng bản thân GV trong trường đã cố gắng và nỗ lực rất nhiều trong quá trình tự học để nâng cao trình độ. Theo ông, học sinh ngày nay rất năng động, chịu khó trau dồi trình độ tiếng Anh và tin học. Bản thân người thầy cũng phải chấp nhận thay đổi, tự học để không lạc hậu so với học sinh. GV chịu khó đi thực tế, cũng tham gia các tọa đàm, tham gia các chuyên đề, học thêm ngoại ngữ, tin học… không khác gì học sinh, chỉ nhằm mục đích đầu tư cho một tiết dạy hiệu quả và sáng tạo. Thế nhưng, mọi cố gắng không thể đạt kết quả như ý nếu họ lên bục giảng mà lo nơm nớp không biết những sáng tạo, đổi mới của mình có phù hợp với yêu cầu thi cử.
"Giáo dục cần có sự ổn định nhưng rõ ràng những năm gần đây, sự thay đổi liên tục, nhất là thi cử, khiến nhiều GV chới với. Nhiều người chấp nhận dạy trong vùng an toàn, dạy chỉ để phục vụ thi cử. Như vậy, GV đã làm tròn vai nhưng học sinh lại là người gánh chịu thiệt thòi. Nếu không thể tiếp sức người thầy thì cũng đừng cản trở họ sáng tạo, đừng khiến họ phải dạy cho có" - ông Phú nói.
Trong khi đó, nhiều GV khác tâm tư rằng có những lúc người thầy cũng cạn kiệt năng lượng, cần được "truyền lửa" để mỗi giờ dạy sẽ mang hơi thở cuộc sống chứ không phải nhạt nhòa, dạy cho có. Thầy Đỗ Đức Anh, GV Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1), chia sẻ rằng các thầy cô rất muốn được bình yên giảng dạy, vì thế trong năm học mới, rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) không có quá nhiều thay đổi thi cử hay quy chế, quy định về giảng dạy. Mặt khác, ngành GD-ĐT tổ chức các kỳ thi nghiêm túc, bảo đảm chất lượng để không xảy ra những tiêu cực ở một số địa phương như vừa qua.
"Những điều xấu xí trong giáo dục như gian lận thi cử khiến học sinh nhìn vào người thầy với thái độ hoang mang, mất niềm tin. Những GV tâm huyết cũng cảm thấy bị tổn thương. Làm sao để người thầy có những tiết dạy thăng hoa trên bục giảng và học sinh tìm được những giá trị cốt lõi của việc học chứ không phải học chỉ để thi" - thầy Đức Anh trăn trở.
Giảm tải: Thôi nói suông!
Nhiều GV cho rằng lâu nay, ngành GD-ĐT nói nhiều về giảm tải, trao quyền chủ động cho GV nhưng thực tế lại bị nhiều sức ép hơn. Họ muốn được "cởi trói" khỏi những quy định mang tính hình thức, những khẩu hiệu suông.
GV một trường THCS tại quận 3 phản ánh ngành GD-ĐT TP HCM đã có văn bản giao quyền cho GV về cách thức tổ chức lớp học, phương pháp giảng dạy trong một tiết học. Tuy nhiên, để GV mạnh dạn tự tin áp dụng những kỹ thuật, phương pháp giảng dạy mang đến hiệu quả tốt nhất cho một tiết học thì cần có sự đồng thuận giúp đỡ từ phía ban giám hiệu nhà trường. "Ban giám hiệu nên tổ chức các chuyên đề, các tiết thao giảng để GV được học hỏi. Từ đó, GV sẽ mạnh dạn hơn, tự tin hơn trong sự sáng tạo của mình" - vị này tâm tư.
Thầy Vũ Hoàng Sơn, GV Trường Tiểu học Bình Hòa (quận Bình Thạnh), bày tỏ: "GV mong muốn được các cấp lãnh đạo quan tâm những việc dù rất nhỏ nhưng đó lại là việc làm thiết thực để GV bớt căng thẳng, lo âu, toàn tâm toàn ý cho giờ dạy. Chẳng hạn như dự giờ thao giảng, các trường nên tổ chức thao giảng trong khối để giúp GV rút kinh nghiệm nhận ra những phương pháp, cách làm hay, cách tổ chức quản lý lớp học của GV chứ không như hiện nay, tổ chức thao giảng trường, yêu cầu toàn bộ GV trong trường tham dự, tạo ra áp lực nặng nề cho cả thầy lẫn trò".
Theo thầy Sơn, đổi mới giáo dục phải gắn liền với việc tạo ra môi trường thuận lợi cho GV an tâm sáng tạo, cống hiến.
Trả lại "ngày khai giảng"
Trong năm học 2018-2019, Sở GD-ĐT TP HCM đã có quyết định lùi ngày nhập học trễ hơn các năm học khác, tức là đến ngày 20-8 mới tập trung học sinh. Khi tập trung các em, các trường cũng có kế hoạch tập trung rải rác các khối lớp vào các ngày khác nhau. Đây có lẽ là bước đệm để những năm học sau, học sinh tập trung vào tuần lễ cuối cùng của tháng 8, tuần thứ nhất của chương trình sẽ đúng vào ngày khai giảng năm học. Từ đó, ngày khai giảng năm học sẽ được "trả về" đúng ý nghĩa "ngày đầu tiên bắt đầu năm học mới".
Theo Đặng Trinh ( Nld.com.vn)