Nguyên Hiệu trưởng THPT Việt Đức "quẩy" cực sung ngày khai giảng.
Nổi tiếng với điệu nhảy hiphop và beatbox cực chất hay màn hóa gà trống trên nền nhạc "Đàn gà con" trong ngày khai giảng, thầy Nguyễn Quốc Bình – nguyên Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức (Hà Nội) được học trò yêu mến gọi với cái tên “Thầy Bình lắm chiêu”.
Không đóng vai một Hiệu trưởng nghiêm nghị, khó tính, thầy Bình luôn biết cách thu hẹp khoảng cách giữa thầy và trò, khiến các em cảm thấy gần gũi và thoải mái nhất khi đến trường. Những ngày khai giảng “có 1-0-2” của Việt Đức khi thầy Bình làm Hiệu trưởng đã nói lên điều đó.
“Thầy ơi tham gia cùng chúng em"
Chia sẻ về những màn hiphop cực chất hay hóa chú gà trống đáng yêu trong ngày khai giảng, thầy Bình cho biết nhìn từ thực tế giáo dục, đôi lúc trong vai ông hiệu trưởng nghiêm nghị sẽ tạo nên sự xa cách. Những hoạt động này sẽ khiến các em tin tưởng để nói lên suy nghĩ, mong muốn của mình.
“Những hoạt đồng này cũng xuất phát từ mong muốn của chính các học sinh, các em luôn muốn “thầy ơi tham gia cùng chúng em” và các em chính là người hướng dẫn, giúp tôi tham gia những hoạt động này. Ban đầu cũng rất run nhưng sau đó được các em động viên, trò trở thành thầy của mình trong những hoạt động như vậy. Nhiều khi làm sai được học trò khích lệ, tôi lại thấy hứng khởi hơn” – thầy Bình chia sẻ.
Cũng theo nguyên Hiệu trưởng THPT Việt Đức, nhà trường luôn mong muốn tạo cho các em cảm giác trường học như ngôi nhà thứ 2, ở đó các em được sống đúng với mình, được thể hiện năng lực của mình. Nhà trường xây dựng mô hình như vậy để các em tìm thấy niềm vui khi đến trường, muốn học tập tốt thì phải có sự say mê và hứng thú.
Khai giảng, hãy nói những gì các em cần
Ủng hộ phương án tổ chức khai giảng ngắn gọn, thầy Bình cho rằng ngày khai giảng phải thực sự là ngày vui của các em, tùy điều kiện nhà trường có thể kết hợp giữa khai giảng với các tiết mục văn nghệ, các hoạt động thể dục thể thao hoặc giao lưu giữa học sinh mới và học sinh cũ, tạo ra dấu ấn, để khai giảng là kỉ niệm đẹp, bắt đầu một năm học mới cho các em.
Bài phát biểu khai giảng không nên quá dài và nội dung nên gửi đến các em học sinh, thầy cô giáo và phụ huynh những mong muốn, dự định, hy vọng về hoạt động giáo dục của nhà trường trong năm học.
Tùy quan điểm của từng người, hiệu trưởng có thể đứng lên để dẫn dắt một số hoạt động, cùng các thầy cô giáo trong trường tham gia để gắn kết thầy trò với nhau
Theo thầy Bình, gần đây đã có sự chuyển biến rõ rệt trong ngày khai giảng, trước đây lãnh đạo nhà trường hay đại biểu đến dự thường có những bài phát biểu dài dòng. Nhưng đối với học sinh, phải nói đúng những gì các em cần.
Quan trọng là truyền tải thông điệp tới các em trong năm học, việc kể lể dài dòng và nói những điều cao xa thực sự không phù hợp. Phải gần gũi, phù hợp với lứa tuổi, những mong đợi của nhà trường cũng phải vừa sức với các em. Mỗi mùa khai giảng sẽ có một lời nhắn gửi khác nhau, khai giảng không phải là kế hoạch dài hạn để nói những điều cao xa.
Theo Nguyễn Hà (Lao Động)