Mức đóng BHYT năm 2020
Theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Quyết định 595/QĐ-BHXH, tổng mức đóng bảo hiểm y tế hàng tháng của người lao động bằng 4,5% mức tiền lương tháng.
Trong đó, người sử dụng lao động đóng 3%; người lao động đóng 1,5%. Tiền lương tháng đóng bảo hiểm y tế là tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Với quy định này, có thể xác định được mức đóng bảo hiểm y tế của người lao động trong các doanh nghiệp trong năm 2020 như sau:
Việc tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng/tháng từ ngày 1/7/2020 sẽ tác động tới 2 nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế.
Nhóm 1 là đối tượng đóng trực tiếp trên mức lương cơ sở. Theo Quyết định 595/QĐ-BHXH, mức đóng BHYT của những đối tượng này bằng 4,5% mức lương cơ sở.
Trước ngày 1/7/2020: Mức đóng BHYT bằng 4,5% x 1,49 triệu đồng/tháng = 67.050 đồng/tháng.
Từ ngày 1/7/2020: Mức đóng BHYT bằng 4,5% x 1,6 triệu đồng/tháng = 72.000 đồng/tháng.
Nhóm 2 là đối tượng đóng theo mức lương tháng đóng BHXH. Cũng theo Quyết định 595, với những đối tượng này, tiền lương tháng đóng BHYT là tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc và người lao động phải đóng với tỷ lệ 1,5%.
Đáng chú ý, trường hợp mức lương tháng đóng BHXH bắt buộc cao hơn 20 tháng lương cơ sở thì mức lương tháng đóng BHXH bắt buộc bằng 20 tháng lương cơ sở.
Điều này đồng nghĩa với việc, tiền lương tháng đóng BHYT tối đa sẽ bằng 20 tháng lương cơ sở.
Trước ngày 1/7/2020: Tiền lương tháng BHYT tối đa bằng 20 x 1,49 triệu đồng/tháng = 29,8 triệu đồng/tháng và mức đóng BHYT tối đa bằng 1,5% x 29,8 triệu đồng/tháng = 447.000 đồng/tháng.
Từ ngày 1/7/2020: Tiền lương tháng đóng BHYT tối đa bằng 20 x 1,6 triệu đồng/tháng = 32 triệu đồng/tháng và mức đóng BHYT tối đa bằng 1,5% x 32 triệu đồng/tháng = 480.000 đồng/tháng.
Đối với mức đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình năm 2020. Theo điểm e khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định mức đóng BHYT của các thành viên hộ gia đình như sau:
- Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở
- Người thứ 2 đóng bằng 70% mức đóng của người thứ nhất
- Người thứ 3 đóng bằng 60% mức đóng của người thứ nhất
- Người thứ 4 đóng bằng 50% mức đóng của người thứ nhất
- Từ người thứ 5 trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất
Như vậy, việc tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2020 cũng tác động khá nhiều tới mức đóng BHYT theo hộ gia đình.
Mức hưởng bảo hiểm y tế năm 2020
Mức hưởng BHYT năm 2020 không thay đổi so với năm 2019, tuy nhiên, mức thanh toán trực tiếp lại ít nhiều có sự thay đổi do ảnh hưởng khi tăng lương cơ sở từ 1/7/2020.
Khoản 1 Điều 22 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung 2014 quy định, người tham gia BHYT khi đi khám, chữa bệnh đúng tuyến sẽ được quỹ BHYT thanh toán chi phí trong phạm vi được hưởng với mức hưởng:
- 100% chi phí khám, chữa bệnh nếu là bộ đội, công an; người có công với cách mạng, cựu chiến binh; trẻ em dưới 06 tuổi; người thuộc hộ gia đình nghèo; người có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục và có số tiền cùng chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở…
- 95% chi phí khám, chữa bệnh nếu là người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng; người thuộc hộ gia đình cận nghèo…
- 80% chi phí khám, chữa bệnh nếu là đối tượng khác.
Cũng theo Luật này, tại khoản 3 Điều 22, khi đi khám, chữa bệnh không đúng tuyến, người có thẻ BHYT sẽ được quỹ BHYT thanh toán:
- 40% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến trung ương
- 60% chi phí điều trị nội trú đến ngày 31/12/2020 tại bệnh viện tuyến tỉnh
- 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện tuyến huyện.
Từ ngày 1/7/2020 khi lương cơ sở tăng lên 1,6 triệu đồng/tháng thay vì 1,49 triệu đồng/tháng thì mức thanh toán trực tiếp cho người có thẻ BHYT được quy định tại Điều 30 Nghị định 146/2018/NĐ-CP cũng tăng tương ứng.
Theo đó, với trường hợp khám, chữa bệnh tại tuyến huyện và tương đương không có hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT:
+ Ngoại trú: Tối đa không quá 0,15 lần mức lương cơ sở tại thời điểm khám, chữa bệnh, đồng nghĩa với mức thanh toán trực tiếp tăng từ 223.500 đồng lên 240.000 đồng.
+ Nội trú: Tối đa không quá 0,5 lần mức lương cơ sở tại thời điểm ra viện, đồng nghĩa với mức thanh toán trực tiếp tăng từ 745.000 đồng lên 800.000 đồng.
Khám, chữa bệnh nội trú tại tuyến tỉnh và tương đương không có hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT: Tối đa không quá 1,0 lần mức lương cơ sở tại thời điểm ra viện, đồng nghĩa với mức thanh toán trực tiếp tăng từ 1,49 triệu đồng lên 1,6 triệu đồng.
Khám, chữa bệnh nội trú tại tuyến trung ương và tương đương không có hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT: Tối đa không quá 2,5 lần mức lương cơ sở tại thời điểm ra viện, đồng nghĩa với mức thanh toán trực tiếp tăng từ 3,725 triệu đồng lên 4 triệu đồng.
Đối với khám, chữa bệnh tại nơi đăng ký ban đầu không đúng quy định:
+ Ngoại trú: Tối đa không quá 0,15 lần mức lương cơ sở tại thời điểm khám, chữa bệnh, đồng nghĩa với mức thanh toán trực tiếp tăng từ 223.500 đồng lên 240.000 đồng.
+ Nội trú: Tối đa không quá 0,5 lần mức lương cơ sở tại thời điểm ra viện, đồng nghĩa với mức thanh toán trực tiếp tăng từ 745.000 đồng lên 800.000 đồng.
Theo Hoàng Mai (Nguoiduatin.vn)