Theo đó, ngày 20/7, khi anh Trung ra viện và tiến hành thanh toán bảo hiểm thì tá hỏa khi biết mình không được chi trả.
"Sau khi ra viện, tôi đến công ty bảo hiểm Manulife làm thanh toán tiền BHYT, nhưng nhân viên đã từ chối thanh toán với lý do "BHYT của tôi đã bị cắt từ năm 2013". Tôi rất ngạc nhiên vì tôi đã đóng bảo hiểm suốt 9 năm (từ năm 2011), mỗi năm gần 20 triệu đồng mà không nhận được bất cứ thông báo nào về việc Manulife thay đổi hợp đồng và cắt BHYT của tôi", anh Trung phản ánh.
Cụ thể, anh Trung cho biết, bảo hiểm được ký ngày 12/9/2011, tổng số tiền bảo hiểm là 268 triệu đồng. Ngay sau ký hợp đồng, khách hàng thanh toán năm đầu tiên 20.442.000 đồng.
Đây là sản phẩm bảo hiểm Phúc Lộc Đăng Khoa Cử Nhân (mua cho con trai dưới một tuổi), với sản phẩm này anh Trung được hưởng bảo hiểm y tế khi nằm viện.
Theo anh Trung, sang năm thứ hai (tức 2012) đến ngày thanh toán, nhân viên của công ty bảo hiểm cũng đến tận nhà lấy tiền và xuất hóa đơn theo mức trên. Tuy nhiên, từ năm 2013 cho đến nay thì anh đóng tiền xuống còn 19.884.000 đồng/năm.
Trao đổi với PV, anh Trung cho rằng việc công ty bảo hiểm Manulife thay đổi hạng mục trong hợp đồng là tự ý mà chưa hề có sự xác nhận của khách hàng, khiến cho anh mất quyền lợi một cách vô lý.
"Tôi đã ký "Đồng ý thay đổi các hạng mục trên hợp đồng Bảo hiểm" chưa? Nếu có thì gửi cho tôi xem. Nếu tôi chưa đồng ý mà bên Manulife tự ý cắt BHYT của tôi (tự ý thay đổi thông tin trong hợp đồng) thì cách giải quyết sẽ như thế nào?".
Theo anh Trung, khi trao đổi tại Văn phòng công ty Manulife tại địa chỉ số 29 phố Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội), một quản lý đã khẳng định và xác nhận "Nếu thay đổi bất cứ thông tin nào trên hợp đồng thì phải thông báo bằng văn bản và phải có chữ ký của khách hàng" rồi người này hẹn trả lời sau.
"Tuy nhiên, sau đó chính quản lý cho biết "Manulife đã gửi thông báo cho tôi nhưng tôi không nhận được". Sau đó, quản lý gửi cho tôi xem tờ thông báo, nhưng trên tờ thông báo không có bất cứ dấu hay chữ ký của ai. Mặc dù tôi vẫn ở địa chỉ như trong hợp đồng và vẫn dùng số điện thoại đó, vậy mà không nhận được thông báo...", anh Trung cho hay.
Khẳng định lại về phía khách hàng, anh Trung cho hay, từ năm 2011 cho đến nay, anh hoàn toàn chưa nhận được thông báo nào đến từ Manulife, ngoài tin nhắn nhắc đóng tiền hàng năm và khách hàng này cũng chưa ký bất cứ văn bản nào nói về vấn đề tạm dừng BHYT hoặc thay đổi hợp đồng.
Do nhân viên tư vấn nghỉ việc?
Theo lời anh Trung, khi liên hệ để tìm câu trả lời, sáng thứ 7 (14/9) vừa qua, một quản lý trả lời rằng "Công ty trả tiền cho đại lý để chăm sóc khách hàng nên đại lý có trách nhiệm chăm sóc và thông báo". Tuy nhiên, theo tìm hiểu thì khách hàng được biết, nhân viên tư vấn và bán bảo hiểm trong hợp đồng trên đã nghỉ việc được 7 năm.
"Công ty nói do đại lý, còn đại lý thì đã nghỉ việc và không còn chịu trách nhiệm nữa, thế khách hàng như tôi phải làm thế nào bây giờ? Ai sẽ là người đứng ra bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho chúng tôi", anh Trung thắc mắc và đặt câu hỏi, nếu không may khách hàng gặp phải tình huống về sức khỏe hệ trọng thì sẽ như thế nào?
Từ những thông tin nhân viên hãng bảo hiểm trả lời trên, anh Nguyễn Thành Trung bức xúc cho rằng cách giải thích của nhân viên không hợp lý.
"Tôi thấy cách giải thích rất quanh co, không rõ ràng và chưa đưa ra được bằng chứng. Nên câu hỏi của tôi vẫn chưa được trả lời.
Cái tôi cần là thông tin để cho tôi thấy việc tôi "Đã đồng ý cắt hợp đồng Bảo hiểm" nhưng phía quản lý Manulife không cung cấp được. Vậy tôi có được xem là hãng Manhlife đã tự động cắt BHYT không? Manulife làm như vậy là không tôn trọng và bảo đảm quyền lợi cho khách hàng như đã nói", anh Trung bức xúc.
Trước sự việc trên, sau rất nhiều thủ tục PV đã liên hệ được với đại diện phía Công ty bảo hiểm Manulife.
Chúng tôi sẽ đăng tải ý kiến trả lời chính thức từ phía đơn vị này ở bài tiếp theo.
Theo Minh Ngọc (Helino)