Một tuần nay, căn nhà cấp bốn của vợ chồng ông Lê Nguyên Lan và bà Nguyễn Thị Bình, xã Nam Kim (Nam Đàn, Nghệ An) đông vui hơn vì nhiều bà con tới chúc mừng khi biết ông Lê Giang Nam (72 tuổi, em ruột ông Lan) trở về sau 53 năm nhập ngũ.
Dáng người cao, nước da ngăm đen, ông Nam bước đi chậm, mỗi khi trò chuyện phải nhờ tới máy trợ thính bỏ trong túi áo. Ông Nam nhớ lại, năm 1964 tròn 18 tuổi thì có lệnh nhập ngũ, nhưng sau đó được hoãn vì bố đột ngột qua đời.
Một năm sau, ông Nam nhập ngũ, tham gia chiến trường ở Quảng Trị. Trong trận đánh cuối năm 1968, ông bị thương nặng, ngất lịm cho đến khi tỉnh dậy thì mới hay biết mình đã bị giặc bắt, bị nhốt trong một cơ sở y tế ở Đà Nẵng.
“Lợi dụng sơ hở của lính gác, tôi trốn ra ngoài, nhưng không biết đơn vị ở đâu để quay lại”, ông Nam kể.
Vết thương ở đầu kéo gò má lệch, đầu đau nhức, một mắt kém, ông Nam dần mất trí nhớ. Cuối năm 1968, khi lưu lạc tới Bình Thuận, ông được một gia đình nông dân cưu mang, chữa bệnh. Sau đó gia đình này đã gả con gái cho ông.
Vợ chồng ông Nam định cư ở xã Bắc Ruộng (huyện Tánh Linh, Bình Thuận), sinh sống bằng nghề làm nông và có 8 người con. Gần đây khi thấy bố hồi phục trí nhớ, các con động viên để ông Nam cung cấp thông tin về quê hương.
Từ thông tin bố kể sinh ở xã có tên là Sơn (xã Nam Kim trước đây tên là Nam Sơn), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, gia đình có bốn anh em trai, anh Vinh (con trai ông Nam) đăng lên Facebook nhờ tìm kiếm. Giữa tháng 3, một người con của ông Lê Nguyên Lan (gọi ông Nam bằng bác ruột) đã kết nối được với anh Vinh.
Với thông tin trùng khớp, ngày 23/3 ông Nam được các con đưa về quê. “Ngày đoàn tụ, tôi buồn vì mẹ mất, anh trai đầu hy sinh và em út đã qua đời. Vợ tôi từng có di nguyện mong chồng tìm được quê hương cũng đã mất hai năm trước”, ông Nam kể.
Ngồi kế bên, ông Lê Nguyên Lan vừa vỗ về anh trai, vừa kể năm 1975 gia đình nhận được giấy báo tử, thông báo anh Lê Giang Nam hy sinh ngày 31/10/1968. Từ đó đến nay, gia đình căn cứ vào thông tin này để cúng giỗ cho anh.
“Đã một tuần gặp lại nhau nhưng tôi vẫn ngỡ như trong mơ. Có niềm vui nào lớn hơn thế này khi một người đã được cúng giỗ mấy chục lần lại trở về...”, ông Lan nói và cho hay lúc gia đình nhận được giấy báo tử thì mẹ đã mất vì nhiều năm đau buồn sau sự hy sinh của con trai đầu Lê Nguyên Bộ, còn anh Lê Giang Nam nhiều năm không tin tức.
Ông Lê Giang Nam cho biết sẽ trở lại nhà riêng ở Bình Thuận để sinh sống, bởi đó là nơi gia đình đã mưu sinh hàng chục năm nay, hầu hết các con ông đã lập gia đình và sinh sống ở miền Nam.
Chiều 28/3, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An cho hay, theo hồ sơ thì ông Lê Giang Nam nhập ngũ năm 1965, hy sinh năm 1968, đã được cấp bằng Tổ quốc ghi công, hàng năm người thân hưởng chế độ hương khói.
“Đơn vị đang xác minh cụ thể để báo cáo với UBND tỉnh và Cục Người có công (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) về trường hợp ông Nam để xin ý kiến chỉ đạo xử lý các hồ sơ, thủ tục trong thời gian tới”, lãnh đạo Sở Lao động nói.
Theo Nguyễn Hải (VnExpress.net)