Ngày 23/2, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ có văn bản gửi Cục Người có công (Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội) về trường hợp ông Trương Văn Chóng, người được công nhận là liệt sĩ vừa trở về nhà mẹ ruột ở ấp Định Hoà B (xã Định Môn, huyện Thới Lai).
Theo báo cáo, ông Chóng sinh năm 1965, nguyên quán xã Định Môn. Giấy báo tử do Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Cần Thơ (cũ) cấp ngày 1/10/1991.
Năm 1992, gia đình ông Chóng có quyết định trợ cấp chế độ liệt sĩ. Giấy chứng nhận tình hình thân nhân gia đình liệt sĩ do gia đình tự khai vào ngày 6/7/1992 tại xã Định Môn. Bằng Tổ quốc ghi công ngày 26/5/1993 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ, qua xác minh, ông Chóng trở về quê hương tại ấp Định Hoà B và có sự xác nhận của người thân cùng chính quyền địa phương.
Năm 1983, ông Chóng nhập ngũ và bị thương nên thất lạc đơn vị. Thời gian này, ông được người dân Campuchia nuôi dưỡng và có vợ tại đây. Sau đó, người đàn ông này trở về Việt Nam và sinh sống tại xã Suối Dây, huyện Tân Châu (tỉnh Tây Ninh).
Trong thời gian nhập ngũ đến nay, ông Chóng không về quê hương, cho đến Mùng 5 Tết.
Sau khi xảy ra vụ việc, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Cần Thơ đã yêu cầu Phòng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương xác minh trường hợp của ông Chóng và gởi văn bản xin ý kiến chỉ đạo, hướng dẫn của Cục Người có công.
Như Zing.vn đã thông tin, ông Chóng là con trai thứ 6 của bà Huỳnh Thị Nía (87 tuổi, ở ấp Định Hòa B), đi bộ đội năm 1983. Gia đình hay tin người này hy sinh năm 1985, tại chiến trường Campuchia.
Người mẹ sau đó lập bàn thờ con trai và năm 1993, gia đình nhận được bằng Tổ quốc ghi công, công nhận ông Chóng là liệt sĩ.
Rạng sáng mùng 5 Tết (20/2), ông Chóng đứng trước nhà gọi tên mẹ và anh trai. Bà Nía giật mình thức giấc, mở cửa thấy con trai bằng xương bằng thịt trở về sau 33 năm được cho là đã hy sinh.
Theo ông Chóng, trong một trận đánh vào năm 1985, ông với đồng đội bị đối phương vây ráp trong một cánh rừng ở Campuchia. Trước hỏa lực quá mạnh của địch, mọi người chống trả một lúc rồi tìm đường thoát thân.
Ông Chóng sau đó ở lại Campuchia, lấy vợ bản xứ. Gần mười năm trước, ông Chóng về Việt Nam, có thêm vợ và sống ở Tây Ninh. Gần đây, bệnh tai biến thuyên giảm và trí nhớ ổn định hơn nên ông nhờ bạn bè dò tìm về quê hương Cần Thơ.
Theo Minh Anh (Tri Thức Trực Tuyến)