Trưa nay (22.2), ông Nguyễn Hoàng Phủ - Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Thới Lai (TP.Cần Thơ) cho biết, trong sáng cùng ngày, ông đã đến nhà bà Huỳnh Thị Nía (87 tuổi, ấp Định Hòa B, xã Định Môn) để tìm hiểu về việc con trai thứ 6 của bà là ông Trương Văn Chóng (58 tuổi) được xác định đã hi sinh năm 1985 và công nhận là liệt sĩ nhưng đã về nhà trong đêm mùng 5 Tết vừa qua.
“Chúng tôi đã đến tìm hiểu và sẽ có báo cáo cụ thể gửi về Sở LĐTB&XH TP.Cần Thơ để xem xét giải quyết các hướng tiếp theo. Còn về việc phóng viên hỏi có ngưng các chế độ liệt sĩ đối với ông Chóng hay không thì tuỳ vào sự quyết định của các cơ quan cấp trên” – ông Phủ cho biết.
Cũng liên quan đến trường hợp của ông Chóng, ông Trần Thanh Lam – Phó giám đốc Sở LĐTB&XH TP.Cần Thơ cho hay: “Sau khi có báo cáo cụ thể tên, tuổi, thời gian chiến đấu… của ông Chóng từ Phòng LĐTB&XH huyện Thới Lai, Sở sẽ ngồi bàn lại với cơ quan có liên quan, đặc biệt là bên lực lượng quân đội đã cấp giấy báo tử để từ đó, xem xét xử lý các chế độ trợ cấp sao cho hợp lý nhất”.
Trước đó, nửa đêm 19.2 (mùng 5 Tết) vừa qua, ông Chóng đột ngột xuất hiện trước cửa nhà bà Nía, gọi tên người thân để mọi người chạy ra nhận mình. Vụ việc khiến mọi người trong gia đình hốt hoảng.
Ông Chóng cho biết, trong một trận đánh năm 1985, ông và đồng đội bất ngờ bị quân giặc tấn công trong một cánh rừng ở Campuchia. Do giặc quá mạnh nên mọi người đã tìm đường thoát thân. Lúc bấy giờ, ông Chóng cố chạy sâu vào rừng và bị lạc. Rất may, ông được người dân địa phương phát hiện và đem về nhà cưu mang.
“Trong thời gian thất lạc ở Campuchia, tôi không nhớ nhiều về những chuyện đã xảy ra cũng như không nhớ nhiều về gia đình, quê hương của mình. Cộng thêm căn bệnh tai biến, tiền bạc khó khăn nên tôi không tìm đường về quê” - ông Chóng nói về nguyên nhân tại sao mình không về nhà ngay sau chiến tranh kết thúc.
Cũng theo ông Chóng, thời gian gần đây, ông hỏi thăm nhiều người về quê hương mình. Đến chiều mùng 5 Tết, ông quyết định về thăm quê hương sau mấy chục năm xa cách.
Được biết, trước khi đi lính, ông Chóng đã có vợ và một đứa con trai nhỏ. Trong thời gian ở Campuchia, ông Chóng lấy người vợ thứ hai và có 2 người con. Khoảng 8 năm trước, ông Chóng lấy vợ khác và trở về huyện Tân Châu (tỉnh Tây Ninh) sinh sống.
Theo Huỳnh Xây (Dân Việt)