Liên quan việc 13 mộ liệt sĩ không có hài cốt, tỉnh Bắc Kạn kêu gọi những ai tham gia và chứng kiến việc cất bốc cung cấp thông tin để tìm kiếm

29/05/2020 18:36:03

Đã gần nửa năm trôi qua, tỉnh Bắc Kạn vẫn chưa thể xác định được ai hay đơn vị nào đã cất bốc những ngôi mộ liệt sĩ ở thôn Quan Làng, xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới.

Thông tin đến phóng viên ngày 29/5, lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Kạn cho hay, quá trình khai quật lại khu chôn cất đầu tiên các thanh niên xung phong hy sinh khi vỡ đập hồ Tân Minh (thôn Quan Làng, xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới), cơ quan chức năng tỉnh Bắc Kạn chỉ tìm thấy một số hiện vật, không tìm thấy hài cốt liệt sĩ.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bắc Kạn cho biết đã thực hiện hết khả năng của mình. Một số mộ phát hiện các hiện vật như nilon, bát, cúc áo, lược... nhưng không phát hiện được hài cốt khi khai quật.

Theo tài liệu, 13 nữ thanh niên xung phong hy sinh đêm 9/8/1968 do vỡ đập thủy lợi hồ Tân Minh, được chôn cất tại đồi Nà Cóc (xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn). 13 liệt sĩ này thuộc đơn vị Thanh niên xung phong C933.

Liên quan việc 13 mộ liệt sĩ không có hài cốt, tỉnh Bắc Kạn kêu gọi những ai tham gia và chứng kiến việc cất bốc cung cấp thông tin để tìm kiếm
Tổ chức khai quật khu vực an táng ban đầu 13 liệt sĩ TNXP. Ảnh: Hoàng Vũ

Trong sáng hôm qua (28/5), Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bắc Kạn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Kạn cùng huyện Chợ Mới đã phối hợp tổ chức khai quật tại khu vực đồi Nà Coóc, thôn Quan Làng, xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn.

Đây là nơi an táng ban đầu 13 liệt sỹ thanh niên xung phong hy sinh khi đang làm nhiệm vụ trong sự cố vỡ đập hồ Tân Minh năm 1968. Việc này là để làm rõ thông tin việc 13 ngôi mộ liệt sỹ thanh niên xung phong không có hài cốt.

Việc khai quật đã thực hiện kỹ lưỡng, tỉ mỉ, được thân nhân các gia đình liệt sỹ chứng kiến, đồng ý. Theo sơ đồ được các nhân chứng cung cấp, tại đây có 13 ngôi mộ, tuy nhiên qua xác minh chỉ có 12 ngôi mộ vì một liệt sỹ đã được thân nhân đưa đi an táng ngay sau khi tìm thấy thi thể do lũ cuốn.

Liên quan việc 13 mộ liệt sĩ không có hài cốt, tỉnh Bắc Kạn kêu gọi những ai tham gia và chứng kiến việc cất bốc cung cấp thông tin để tìm kiếm - 1
Thân nhân liệt sĩ ký biên bản khi việc khai quật hoàn thành. Ảnh: Hoàng Vũ

Ngoài ra, còn có ba ngôi mộ đã được thân nhân tự cất bốc, đều được các gia đình khẳng định có hài cốt và đã đưa đi. Do đó, tại đồi Nà Coóc chỉ còn 9 ngôi mộ, tuy nhiên quá trình khai quật trong sáng 28/5 cho thấy cả 9 ngôi mộ này đều không có hài cốt.

Quá trình khai quật đã tìm thấy một số hiện vật, như: Lược chải tóc, bút, tiền xu, dây chuyền, bát sắt... trong các ngôi mộ. Đơn vị tìm kiếm đã bàn giao một số di vật cho các gia đình theo nguyện vọng và tiến hành san lấp hoàn trả mặt bằng.

Trao đổi với phóng viên, ông Hà Văn Năm (người thân liệt sĩ Hà Thị Sằm) cho biết, việc khai quật lần này được cơ quan chức năng tiến hành rất kỹ. Tuy nhiên thân nhân các gia đình liệt sĩ đều buồn vì không có hài cốt.

"Như vậy có thể khẳng định hài cốt các liệt sĩ đã được cất bốc vào nghĩa trang, nhưng giờ đang ở đâu thì không rõ. Chúng tôi mong cơ quan chức năng sớm tìm ra hài cốt các liệt sĩ, không thể để mất hài cốt một cách vô lý như vậy…", ông Năm nói.

Liên quan việc 13 mộ liệt sĩ không có hài cốt, tỉnh Bắc Kạn kêu gọi những ai tham gia và chứng kiến việc cất bốc cung cấp thông tin để tìm kiếm - 2
Liệt sĩ Đoàn Thị Nga - 1 trong 13 chiến sĩ thanh niên xung phong thuộc Đại đội 933, Đội 92 Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước Bắc Thái đã hy sinh do bị nước cuốn trôi khi đang làm nhiệm vụ đắp đập. Ảnh: Nhật Tân

Cũng trong ngày hôm qua (28/5), UBND tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức họp báo thông tin về việc tìm kiếm hài cốt bị thất lạc của 13 liệt sỹ thanh niên xung phong C933 Bắc Thái, hy sinh năm 1968 khi xây dựng hồ Tân Minh, xã Thanh Vận, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn.

Thông tin tại buổi họp báo, ông Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cũng cho biết, các cấp ngành và cơ quan chuyên môn đã tích cực phối hợp với các địa phương tìm kiếm hồ sơ lưu trữ, tư liệu cũng như nhân chứng nhưng hiện chưa có thông tin chính xác.

"Bước tiếp theo, giao Bộ Chỉ huy Quân sự, Sở Lao động Thương binh - Xã hội nghiên cứu các văn bản về cất bốc liệt sỹ thanh niên xung phong từ 1969 trở lại đây để tìm hiểu đơn vị nào tiến hành cất bốc", ông Phạm Duy Hưng nói.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, việc không tìm thấy hài cốt tại vị trí chôn cất ban đầu đã khiến việc tìm kiếm rơi vào bế tắc. Tỉnh Bắc Kạn đề nghị, kêu gọi những ai đã tham gia hoặc là nhân chứng chứng kiến việc cất bốc tại vị trí an táng lần đầu để đưa về Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Bắc Kạn cung cấp thông tin cho tỉnh. Bởi lẽ, đây là trách nhiệm nặng nề, tri ân những thanh niên xung phong đã hy sinh vì đất nước...

Nhóm PV (Giadinh.net.vn)