Liên quan đến vụ 13 ngôi mộ liệt sĩ thanh niên xung phong ở Bắc Kạn được phát hiện không có hài cốt, chỉ toàn đất đá, ông Hà Văn Hưởng - Chủ tịch UBND xã Thanh Vận (huyện Chợ Mới) cho biết, ông rất bất ngờ khi biết thông tin về việc này.
"Vào năm 1968, khi các thanh niên xung phong gặp nạn rồi làm lễ khâm niệm, có 1 gia đình đã mang thi thể thân nhân về tự chôn cất. Sau này có 2 trong số 12 ngôi mộ còn lại của các liệt sĩ được gia đình tự cất bốc ở độ sâu hơn 1m và đã cất bốc được xương cốt", ông Hưởng cho hay.
Ông Hưởng cũng cho biết, theo phong tục tập quán ở địa phương, các ngôi mộ thường được đào sâu khoảng 0,9 - 1,2m. Không có ngôi mộ nào mà người dân chôn nông 0,5 - 0,6m.
Sau khi xảy ra vụ việc hàng chục ngôi mộ liệt sĩ là các thanh niên xung phong hy sinh khi làm nhiệm vụ ở hồ Tân Minh vào năm 1968 chỉ có "túi nilon đựng đất đá", ông Hưởng cùng thân nhân các liệt sĩ đã quay trở lại khu vực chôn cất ban đầu để kiểm tra.
"Có thể thời điểm đào các ngôi mộ còn lại, họ chưa đào đến xương cốt các liệt sĩ", Chủ tịch UBND xã Thanh Vận nhận định.
Theo nhiều nhân chứng, khi tìm được thi thể, các liệt sĩ đều được an táng trong quan tài, có biển gỗ ghi tên từng người trên mộ. Đồng đội còn vẽ lại sơ đồ mộ chí rất chi tiết.
Tuy nhiên, sau các lần quy tập, đến bây giờ thì 13 mộ liệt sĩ TNXP thuộc đơn vị C933, N92 đã trở thành "vô danh". Bức xúc trước tình hình trên, từ đề nghị thân nhân của 5 liệt sĩ, từ công văn của cơ quan hữu trách tỉnh Bắc Kạn, Cục Người có công (Bộ LĐTBXH) đã chấp thuận với đề nghị lấy mẫu sinh phẩm giám định ADN để xác minh danh tính liệt sĩ.
Ông Tống Văn Minh, nguyên là Bí thư Đoàn thanh niên xã Thanh Vận thời kỳ 13 thanh niên xung phong hy sinh cũng cho rằng, khả năng cao là các hài cốt các liệt sĩ TNXP "vô danh" (đang ở tình trạng không có xương, không có tiểu quách trong mộ) kia vẫn ở đúng tại nghĩa trang cũ.
Tức là khi cất bốc, họ không đào đủ sâu để lấy xương cốt, mà đào hố chỉ vài chục cm, trong khi hài cốt nằm trong quan tài ở độ sâu hơn 1m. Vì ông Minh và cộng sự đã tham gia mai táng nên biết rõ độ sâu đó. Và quan trọng hơn, với liệt sĩ TNXP đã được gia đình đem về quê nhà thì họ đã cất bốc ở độ sâu hơn 1m và đều có cốt rất "đẹp".
Trước tình hình trên, Sở LĐ-TB&XH Bắc Kạn đã phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH huyện Bạch Thông hợp đồng lực lượng khai quật và sửa chữa lại vỏ mộ sau khi lấy mẫu sinh phẩm theo quy định. Hiện tại các ngôi mộ nói trên đã được sửa lại đảm bảo như hình mẫu ban đầu.
Đồng thời, sở này cũng tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Tổ công tác để tìm kiếm thêm thông tin về các đợt quy tập, di chuyển hài cốt liệt sĩ, từ những nhân chứng còn sống trong lực lượng quy tập trước đây.
Thất lạc hồ sơ quy tập các ngôi mộ liệt sỹ
Ông Dương Bằng Giang, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Kạn cho rằng, do thời gian quy tập mộ diễn ra từ năm 1989, trước khi tách tỉnh Bắc Kạn (năm 1997, tỉnh Bắc Kạn được tách từ tỉnh Bắc Thái) nên trong quá trình chuyển giao, hồ sơ quy tập của các ngôi mộ này hiện đã bị thất lạc.
"Hiện nay, đơn vị chưa thể xác định được nguyên nhân tại sao trong các ngôi mộ lại không có cốt. Sở đã có kế hoạch đi tìm các nhân chứng trong các đợt quy tập trước đây là TNXP cùng thời, đồng thời tìm những người từng tham gia quy tập mộ để xác minh thông tin của họ nhằm lập lại hồ sơ…", ông Giang thông tin.
Theo Nhóm Phóng Viên (Giadinh.net.vn)