Sinh viên bán dâm – ai là người phát hiện?
Chế tài xử lý sinh viên bán dâm không mới, không phải đến giờ Bộ GDĐT mới đưa ra, mà có trong các văn bản từ năm 2007. Tuy nhiên, đến giờ dư luận mới “dậy sóng” vì những điểm bất hợp lý của nó, nhất là việc người soạn thảo cụ thể hoá số lần vi phạm (đếm số lần bán dâm) để làm căn cứ xử lý. Bởi thực tế, đâu dễ phát hiện được việc sinh viên bán dâm.
Một cán bộ làm công tác quản lý học sinh, sinh viên tại một trường đại học ở Hà Nội thừa nhận, hiện có một bộ phận sinh viên, nhất là sinh viên nữ có biểu hiện xuống cấp về đạo đức, sống thực dụng và sa ngã vào hoạt động mại dâm.
Nhưng để biết chính xác và xử lý được sinh viên là điều không dễ. Ai sẽ là người phát hiện, đếm số lần sinh viên vi phạm để xử lý? Cán bộ, giảng viên các trường đại học không thể làm được điều này. Chỉ trừ phi lực lượng chức năng phát hiện, bắt quả tang sinh viên bán dâm, gửi văn bản về trường thì nhà trường mới có căn cứ để kỷ luật
Với TS Văn Đình Ưng - Trưởng ban Thông tin truyền thông, Hiệp hội Các trường Đại học – Cao đẳng, ông cho biết rất bất ngờ khi đọc quy định “sinh viên sư phạm bán dâm lần thứ 4 mới bị đuổi học”.
Nói về lý do, ông cho biết quy định như vậy là không khả thi, làm khó các trường. Vì thực tế các trường làm sao biết sinh viên vi phạm bao nhiêu lần mà có hướng xử lý kỷ luật, nếu không có thông tin chính thức từ cơ quan công an.
Cần bỏ quy định đếm số lần vi phạm bán dâm
Một lý do khiến dư luận bức xúc về quy định “sinh viên sư phạm bán dâm đến...lần thứ 4 mới bị buộc thôi học” là vì đối tượng áp dụng quy định này.
Lâu nay môi trường sư phạm, thầy cô giáo luôn nhận cái nhìn khắt khe từ dư luận xã hội. Bởi đây là môi trường đặc biệt, giáo viên bên cạnh việc truyền dạy tri thức còn là người giáo dục nhân cách cho học sinh. Phụ huynh không chấp nhận việc một nhà giáo tương lai hoạt động mại dâm lần 1, rồi lần 2, vẫn có cơ hội đứng lớp để rao giảng đạo đức cho con mình.
GS-TS Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội – cũng cho rằng đối với sinh viên sư phạm, vấn đề đạo đức rất quan trọng. Thầy cô giáo trong tương lai cần có chuẩn mực cao hơn về đạo đức, nên đề xuất có quy định yêu cầu xử lý cao hơn các vi phạm của sinh viên sư phạm là hợp lý.
Tuy nhiên, dự thảo đếm số lần hoạt động mại dâm là không hợp lý, thậm chí chế tài còn nhẹ hơn các quy định của pháp luật với nhóm hành vi này. GS Đinh Quang Báo kiến nghị, Bộ GDĐT nên bỏ quy định xử lý vi phạm liên quan đến mại dâm theo số lần.
Đồng quan điểm, TS Văn Đình Ưng chia sẻ, với ngành sư phạm hay bất kỳ môi trường đào tạo nào, đều không cho phép những hành động đi trái với quy định pháp luật, đi ngược với truyền thống văn hoá, đạo đức xã hội.
Hiện pháp luật Việt Nam không công nhận mại dâm là hợp pháp, nên chỉ cần vi phạm một lần đã đủ để đuổi học, là bị xử lý theo các quy định của pháp luật chứ không chờ đến lần thứ 4.
Theo Bích Hà (Lao Động)