- Trong 3 ngày (từ 30/10 đến 1/11), Quốc hội tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Tại kỳ họp này, Quốc hội không chất vấn thành viên Chính phủ cụ thể mà chọn bất kỳ người nào, giám sát theo các nghị quyết kể từ kỳ họp thứ hai.
- Ngày 30/10, hàng loạt bộ trưởng đã trả lời chất vấn đại biểu như bộ trưởng các bộ Công Thương, Y tế, Công an, Tài chính, Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Tổng thanh tra Chính phủ...
Vụ việc phân bón Thuận Phong vắt qua 2 kỳ họp Quốc hội chưa xong
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) tranh luận lại Viện trưởng VKSND Tối cao: Vụ việc Thuận Phong được chất vấn rất nhiều kỳ họp. Vấn đề này ảnh hưởng đến hàng chục triệu nông dân. Phó thủ tướng cũng đã có chỉ đạo, cũng đề nghị đại biểu không tranh luận vì đang điều tra. Tôi được biết đã có văn bản của 6 bộ, ngành. Trong đó, Bộ Tư pháp khẳng định đó là phân bón giả và buôn bán hàng cấm.
Vừa rồi có thông tin Công an Đồng Nai làm việc với Ban Nội chính tiếp tục đề nghị không khởi tố thì sự việc lại nổi lại. Việc xảy ra hơn 4 năm, chúng ta làm việc này vì nông dân, cần sớm làm rõ.
Chủ tịch Quốc hội: Đây là vụ việc được dư luận và người dân quan tâm, đề nghị Viện trưởng VKSND tối cao báo cáo nội dung chất vấn, tranh luận bằng văn bản cho đại biểu.
Viện trưởng VKDND Tối cao Lê Minh Trí: Riêng vụ phân bón Thuận Phong các đại biểu quan tâm, vấn đề ở đây xác định công ty này có vi phạm pháp luật, có sản xuất, nhập khẩu, buôn bán phân bón hay không. Thái độ của Viện KSND tối cao thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật yêu cầu VKSND tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định hủy quyết định không khởi tố vụ án của cơ quan điều tra, yêu cầu Công an Đồng Nai thụ lý tố tụng theo quy định pháp luật. Công an Đồng Nai đã thụ lý điều tra theo tin báo tố giác tội phạm.
Vừa rồi, Công an Đồng Nai yêu cầu 3 bộ: Nông nghiệp, Công Thương, Khoa học Công Nghệ trả lời kết quả giám định có phải phân bón, có giả mạo nhãn hiệu hàng hóa hay không?
Hiện, Bộ Nông nghiệp đã có văn bản trả lời, nhưng chưa đạt yêu cầu giám định điều tra. Hai bộ còn lại chưa trả lời.
VKSND Tối cao khẳng định nếu chưa có kết quả trả lời của cơ quan thẩm quyền về giám định thì chưa có căn cứ để xác định có vi phạm pháp luật hay không. Hiện nay đang vướng ở đó.
Chủ tịch Quốc hội: Đề nghị các bộ, ngành liên quan nhanh chóng trả lời để phục vụ công tác điều tra.
Giá bán alumin liên tục tăng cao
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời về hiệu quả các dự án bôxit Tây Nguyên: Hiện tại chúng ta đang triển khai 2 dự án sản xuất alumin là Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông). Dự án alumin Tân Rai hoạt động từ năm 2013 Tân Rai đạt công suất thiết kế, hoạt động ổn định với sản lượng 650.000 tấn alumin.
Dự án Nhân Cơ đi vào hoạt động năm 2016 đã có sản phẩm đầu tiên. Công suất hiện nay đạt 77% công suất, dự kiến trong cả năm 2018 đạt sản lượng 580.000 tấn (85% công suất), 2019 đạt được công suất thiết kế.
Đánh giá về triển khai, đúng tiến độ và đảm bảo được yêu cầu khi triển khai dự án. Một số vấn đề lớn mà dư luận quan tâm như công nghệ, vận hành ổn định, tách động môi trường, tác động tới kinh tế địa phương… cơ bản đạt được. Thị trường alumin có giá bán tăng liên tục. 2017 giá trung bình là 344 USD/tấn (FOB); năm 2017 đạt 418 USD/tấn; tháng 4/2018 đạt đỉnh điểm 672 USD/tấn.
Mục tiêu của chúng ta không chỉ khai thác alumin mà còn chế biến. Dự án được phân kỳ đầu tư, bao gồm cả điện phân nhôm, trên cơ sở đánh giá kết quả thì điểm 2 dự án này. Bộ đang triển khai đánh giá, lấy ý kiến, các bộ ngành như Khoa học Công nghệ, TNMT, Tài chính, Công an…đánh giá nhiều khiến cạnh khác nhau như hiệu quả, môi trường, an ninh, xã hội, không chỉ là kinh tế. Thời gian tới sẽ kết thúc đánh giá vào cuối 2018.
Bộ trưởng Giáo dục cần đọc dự thảo trước khi đưa ra dư luận
Bình luận trên VTV1, đại biểu quốc hội khóa XIII Bùi Thị An cho biết, bà đồng tình với đại biểu Phạm Thị Minh Hiền. Trong việc ra quy định phản cảm, Bộ trưởng GD&ĐT phải chịu trách nhiệm. Bà An nhấn mạnh các bộ, ngành, đặc biệt là ngành giáo dục cần chú trọng công tác tuyển dụng nhân sự là những người có trình độ, có tầm, có tâm để ngành không bao giờ mắc lỗi như vậy.
Đại biểu quốc hội Nguyễn Hữu Cầu cũng cho biết, đại biểu rất chia sẻ với các bộ trưởng vì có rất nhiều vấn đề nóng, tuy nhiên khi đặt ra câu hỏi họ đều đã “tính toán”. Để một thông tư được ban hành, trước đó Bộ trưởng cần chuẩn bị chu đáo, nội bộ cần bàn luận kỹ, bản thân Bộ trưởng cũng phải đọc trước khi đưa ra dư luận. “Vì Bộ GD&ĐT chưa làm đến nơi đến chốn nên gây phản cảm, trách nhiệm thuộc về Bộ trưởng GD&ĐT”, ông Cầu nói.
Chia sẻ quan điểm, ông Đỗ Mạnh Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, bày tỏ, về quy trình, cán bộ soạn thảo chịu trách nhiệm về khâu này, nhưng khi đã đưa lên mạng thì cần phải có sự chịu trách nhiệm của cấp quản lý. Bên cạnh đó, cũng không thể bỏ qua trách nhiệm của Quốc hội khi để quy định đó tồn tại suốt 10 năm qua.
“Dân gian có câu ‘Người cháu mà lú thì người chú phải khôn’, đôi khi cán bộ soạn thảo có thể sơ suất nhưng cấp thẩm định, phê duyệt thì không thể để lỗi đó. Chỉ khi nào lãnh đạo công tâm, thẳng thắn, nhận trách nhiệm thì chúng ta mới sửa sai được”, ông Hùng nói
Hơn 100 đại biểu chờ chất vấn
Chủ tịch Quốc hội: Các Bộ trưởng chú ý phần tranh luận. Các phần tranh luận rất nhiều vấn đề. Tôi đề nghị cần hài hòa vì còn 105 đại biểu nữa chờ chất vấn, cần ưu tiên tranh luận cho những đại biểu đặt câu hỏi mà thấy chưa thỏa đáng.
'Vi phạm của cơ quan điều tra rất là khủng khiếp'
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) trao đổi lại với: Tôi rất ủng hộ cuộc cách mạng trong ngành công an vừa qua. Tuy nhiên, qua báo cáo, tôi thấy vi phạm của cơ quan điều tra rất là khủng khiếp: Không thụ lý tin tố giác 94%, chậm gửi quyết định cho VKS 86%, xử lý tin sau tố giác quá hạn 99,76 %, vi phạm trọng tống đạt là 100%. Tôi thấy đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng. Vậy, tôi đề nghị Bộ trưởng Công an phải có thái độ hết sức nghiêm khắc đối với cán bộ cơ quan điều tra trong việc này.
Đối với Viện trưởng VKSND tối cao, tôi có trao đổi với đồng chí Phó thủ tướng phụ trách về vụ phân bón Thuận Phong là chúng tôi làm rõ vấn đề ở đây không phải là xử lý doanh nghiệp mà làm sao đó để khởi tố làm rõ, đảm bảo công bằng cho chính công ty và hơn 60 triệu người nông dân. Hay như vụ dệt Long An, các đồng chí cho một cán bộ dưới thẩm quyền trả lời tôi, tôi không đồng ý. Đề nghị đồng chí Viện trưởng xem xét lại vấn đề này.
'Sau một là đơn là số phận một con người'
Đại biểu Phạm Trí Thức (Thanh Hóa) tranh luận lại Chánh án TAND Tối cáo: Chánh án thông tin trong 2.000 đơn giám đốc thẩm đã giải quyết được 53% như vậy so với các nước là rất lớn, khá tốt. Tôi cho rằng như vậy là chưa thoả đáng. Bởi vì chất lượng xét xử nước ta khác với nước ngoài. Lênin có câu: Người thông minh không phải là người không mắc sai lầm, cái chính là biết sửa chữa được sai lầm. Tuy nhiên, sai lầm trong xét xử rất khó sửa chữa một cách tuyệt đối. Ví vụ như vụ án ông Vũ Bá Phê (Phú Yên) tranh chấp một con bê, sau đó tòa xử sai khiến ông tụ tử. Các cơ tư pháp phải tốn kém hàng tỷ đồng cũng không cứu lại được mạng sống của ông phê.
Phía sau một là đơn là số phận một con người, mỗi gia đình, dòng họ, không đơn giản là giải quyết một nửa là tốt lắm rồi. Tôi thấy rất băn khoăn.
Cơ cấu tổ chức mới của lực lượng Quản lý thị trường
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời về cơ cấu tổ chức mới của lực lượng Quản lý thị trường: Trong bối cảnh hội nhập quốc tế đặt ra nhiều vấn đề cho lực lượng quản lý thị trường (QLTT). Chúng ta cũng chứng kiến vấn đề buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại, buôn bán hàng kém chất lượng diễn ra rất tinh vi giữa các địa phương, thậm chí trong và ngoài nước.
Do đó cần có một lực lượng chuyên ngành để phối hợp với các lực lượng khác cần phải xem xét tổ chức lại. Với sự phát triển của CNTT, hoạt động gian lận thương mại trên thương mại điện tử, mạng xã hội, Internet… các hoạt động gian lận thương mại, buôn bán hàng giả đạt quy mô mới, hình thức tinh vi, đòi hỏi sự cấp nhật chuyên môn, nghiệp vụ của QLTT, sự phối hợp với các địa phương liên vùng. Sự cắt khúc từ trước đến nay còn một số tồn tại, Chính phủ muốn tổ chức quản lý điều hành theo ngạch dọc, vẫn có sự phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo của chính quyền địa phương.
Chính phủ đã ký ban hành quyết định và cho triển khai việc tổ chức lại lực lượng QLTT ngay từ cuối năm 2018. Chúng ta mới chỉ thay đổi mô hình tổ chức, việc lãnh đạo, chỉ đạo, đòi hỏi có sự phối hợp của Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương. Chúng tôi cũng sẽ xây dựng quy chế phối hợp công tác với chính quyền địa phương, đảm bảo sự lãnh đạo, phối hợp đấu tranh nhưng cũng hoàn thành các nghiệm vụ của địa phương. Chúng tôi cũng hoàn thiện hạ tầng pháp lý, đổi mới phương thức số hóa, gắn với năng cao phẩm chất, năng lực trên toàn hệ thống.
Ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết việc đào tạo nghề sẽ được thực hiện đồng bộ 6 giải pháp, trong đó nhấn mạnh tăng cường gắn kết với doanh nghiệp, gắn với thị trường đảm bảo việc tiêu thụ bền vững. Việc đào tạo dạy nghề cũng sẽ được thực hiện bài bản hơn, không chỉ là kỹ năng nghề nghiệp mà còn có tiêu chuẩn và kiến thức thị trường, tác phong. Trong tháng 12 tới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tổ chức hội thảo về vấn đề này.
Không có dự án nào lãi bằng đầu tư vào di sản
Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện trả lời về việc trùng tu một số công trình trái phép: Chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về tu bổ di tích, giữ gìn tối đa yếu tố văn hóa, lịch sử, giá trị của di tích. Trường hợp vi phạm sẽ xử lý nghiêm, yêu cầu trả lại giá trị nguyên gốc của di tích. Điển hình một số vụ việc vi phạm gần đây là xây dựng trái phép tại chùa Bà Chúa Xứ ở An Giang và xây dựng công trình trái phép ở Núi Cát, Tràng An (Ninh Bình).
Nói chung, chúng ta phải xử lý hài hòa mối quan hệ giữa phát triển và bảo tồn. Không có dự án nào lãi bằng đầu tư vào di sản.
Liên quan đến phát huy, phát triển du lịch như thế nào. Tôi xin nêu một vài con số. Với 8 di sản văn hóa vật thể, chúng ta đã đón 16 triệu lượt khách, trong đó có 7 triệu lượt khách quốc tế. Thu hơn 2.500 tỷ đồng. Riêng vịnh Hạ Long, chúng ta thu 1.100 tỷ đồng trong khi ngân sách chỉ đầu tư hơn 50 tỷ đồng. Số thu ở cố đô Huế là 320 tỷ, ngân sách 47 tỷ; ở Hội An thu 219 tỷ, ngân sách chỉ đầu tư 17 tỷ.
Đó mới chỉ là riêng tiền bán vé, khách du lịch đến lưu trú, đi lại, tham quan, ăn uống… gấp rất nhiều lần, trong khi chúng ta đầu tư rất ít. Nếu chúng ta quan tâm đầu tư, coi như một công trình dự án đầu tư bằng ngân sách thì sẽ thu hồi ngân sách rất nhanh, không bị thua lỗ, không có dự án nào có lãi như thế này. Chúng ta chỉ đầu tư 50 tỷ, thu hơn 1.000 tỷ. Lĩnh vực bảo tồn di sản cần được quan tâm, bởi chúng ta vừa bảo tồn được, vừa có nguồn thu rất lớn với ngân sách.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Tôi đề nghị Chính phủ quan tâm. Những di tích đó được thu lấy một phần để bảo tồn, trùng thu. Có những di tích có nguồn thu rất lớn cần xem xét cơ chế này.
2.000 đơn giám đốc thẩm một năm
Trả lời đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) về chất vấn thời gian xét xử giám đốc thẩm quá dài, khiến người dân mất hy vọng, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nói: Đơn gửi giám đốc thẩm, tái phẩm những năm gần đây là rất nhiêu nhiều. Theo Hiến pháp, chúng ta xét xử hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm chặt chẽ để tránh lên cấp thứ 3, nhưng gửi lên cấp giám đốc thẩm rất cao 2.000 đơn trong 2018. Trong năm chúng tôi giải quyết được 53% số đơn, đây là một kết quả nỗ lực của Hội đồng Thẩm phán.
Việc kéo dài, lên giám đốc thẩm thì đã qua nhiều cấp rất mất nhiều thời gian. Đây là cơ hội cuối cùng của người dân nên phải xem xét thận trọng. Về giải pháp, chúng tôi không còn cách nào khác là nâng cao chất lượng xét xử, đội ngũ cán bộ toàn án…
Cần loại bỏ các quy định phản cảm'
Về dự thảo quy định đuổi học sinh viên bán dâm 4 lần, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, về quy định trong các văn bản thông tư của ngành giáo dục rất nhiều, Bộ đang rà soát. Trong đó thông tư quy định đuổi học sinh khi bán dâm có từ năm 2007, trong thông tư năm 2016 cũng đã có.
Trong khi rà soát, Bộ GD&ĐT nhận thấy những quy định này không còn phù hợp nữa, cần bỏ và sửa đổi, Tuy nhiên do cán bộ cá nhân năng lực hạn chế, ý thức trách nhiệm kém nên đã đưa lên, gây luồng ý kiến xã hội. Ngay sau đó, Bộ GD&ĐT chỉ đạo xử lý phải xử lý ngay, nội dung này không đưa vào thông tư nữa.
Phát biểu về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ GD&ĐT cần loại bỏ những thông tư không hợp lý, gây phản cảm cho xã hội. Bà Ngân cho hay, một vấn đề khi chưa được bàn bạc kỹ mà đưa rộng rãi lên mạng xã hội gây bức xúc.
Phát biểu sau phần trả lời của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền cho rằng, bà không thấy Bộ trưởng nhận trách nhiệm mà lại chuyển lỗi cho một cá nhân khác.
Theo bà, chỉ khi nào Bộ trưởng nhận trách nhiệm của người đứng đầu, nhận thấy năng lực của bộ máy ngành thì mới lấy lại được sự tôn nghiêm của giáo dục.
“Mong Bộ trưởng nhìn thẳng vào thực tế, không tránh né không tác động”, bà Hiền nói.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thi Kim Ngân nhắc lại lời phát biểu của bà Hiền và đề nghị Bộ trưởng GD&ĐT rút kinh nghiệm.
Bộ trưởng NN&PTNN Nguyễn Xuân Cường trả lời đại biểu Phạm Văn Tuân về giải quyết tích tụ đất đai: Nút thắt đất đai chính là hạn điền. Thủ tướng đã giao Bộ TNMT kiến nghị và đưa vào nội dung của năm 2019, dự kiến chỉnh sửa một số nội dung của Luật đất đai. Khi đó chúng ta sẽ bàn kỹ hơn, để giúp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất phát triển.
Hàng chục nghìn tỷ nợ đọng không có khả năng thu hồi
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời về thu hồi nợ đọng thuế: Để thu hồi nợ đọng thuế, Bộ đã thực hiện nhiều biện pháp. Những năm gần đây số thu được đã tăng lên chiếm khoảng 82% tổng nợ đọng. Năm 2016 thu được 40.049 tỷ đồng; năm 2017 thu được 44.773 tỷ đồng; 9 tháng đầu năm 2018 thu được 25.382 tỷ đồng.
Hàng năm Bộ Tài chính có đôn đốc thu các khoản tiền thuế. Số tiền truy thu được đạt trên 80% tăng thu. Tỷ trọng nợ đọng thuế giảm dần qua các năm. Năm 2016 là 8,5%; 2017 là 7,6%; 9 tháng đầu năm 2018 là 7,5%. Tỷ lệ nợ đọng có khả năng thất thu cũng giảm. Năm 2016 là 5,6%; năm 2017 là 4,4%; 9 tháng đầu năm 2018 là 4,3%.
Nếu so sánh với các nước khu vực ASEAN, tỷ lệ nợ đọng thuế trung bình của Việt Nam là 7,5%, thấp hơn các nước là 8,5%, khối OECD là 9,2%.
Tuy nhiên, chúng tôi thừa nhận tổng số nợ thuế vẫn còn rất lớn. Đến cuối tháng 9 năm nay, tổng số tiền đã là 82.961 tỷ đồng. Trong đó không có khả năng thu là 42,1%, tăng 11% so với thời điểm 31/12/2017.
Tuy nhiên, nợ thuế và tiền phạt chậm chiếm khoảng 20%. Nguyên nhân do người nộp thuế chết, mất khả năng nộp, tiền phạt, công ty giải thế, chuyển địa điểm khác. Chúng tôi đang rà soát, phân tích để báo cáo Quốc hội biện pháp thu hồi một cách hiệu quả hơn.
Trong ngày đầu chất vấn, có 36 đại biểu tham gia chất vấn, 23 người tranh luận và 15 bộ trưởng, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC trả lời.
Theo Nhóm PV (Tri Thức Trực Tuyến)