Cuối phiên chất vấn chiều 30/10, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền đặt câu hỏi về trách nhiệm của Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đối với dự thảo quy định đuổi học sinh viên bán dâm lần thứ tư.
Bà Hiền cho rằng dự thảo thông tư ban hành quy chế công tác học sinh, sinh viên đang lấy ý kiến, trong đó quy định xử lý sinh viên bán dâm, là thiếu cơ sở, phản cảm, đi ngược mục tiêu giáo dục.
Theo nữ đại biểu, dự thảo khiến dư luận lo lắng, nghi ngờ về năng lực, tâm lực, uy lực của bộ máy quản lý giáo dục hiện nay.
"Xin bộ trưởng cho biết trách nhiệm của mình về vấn đề này? Vai trò nêu gương của người đứng đầu ngành khi bộ trưởng thường xuyên đưa ra quan điểm sai, sửa sai, xử lý nghiêm, kiên quyết xử lý nghiêm, rút kinh nghiệm rồi tiếp tục sai. Làm cách nào để giữ sự tôn nghiêm của quản lý giáo dục hiện nay?", bà Hiền chất vấn.
Vì không còn thời gian, Bộ trưởng GD&ĐT sẽ trả lời phần chất vấn của đại biểu đoàn Phú Yên vào sáng 31/10.
Trước đó, trả lời bên hành lang Quốc hội, ông Phùng Xuân Nhạ khẳng định quan điểm của Bộ GD&ĐT là "sai phải sửa và kiên quyết sửa", cũng như xử lý trách nhiệm cá nhân trong ban soạn thảo liên quan việc này.
Giáo viên"ba trong một"
Chất vấn người đứng đầu ngành giáo dục sáng nay, bà Dương Minh Ánh (đoàn đại biểu TP Hà Nội) nêu vấn đề môn học tích hợp trong chương trình sách giáo khoa mới. Liên quan Nghị quyết 88 của Quốc hội, cử tri băn khoăn việc tích hợp sẽ được biên soạn mới hay chỉ là phương pháp lồng ghép cơ học giữa các môn?
“Liệu phương án tích hợp này có giảm thiểu kiến thức cho học sinh hay lại tạo thêm áp lực cho các em và giáo viên? Nếu là phương án tích hợp một thầy dạy 3 môn, chương trình đào tạo, bố trí giáo viên được triển khai như thế nào? Nếu là phương án 3 thầy dạy một môn, bộ đã tính đến bất cập khi triển khai ở các trường chưa”, bà Ánh hỏi.
Nữ đại biểu cũng cho rằng cử tri mong muốn Bộ trưởng GD&ĐT và Quốc hội cân nhắc kỹ vì việc này ảnh hưởng hàng triệu học sinh.
Trả lời câu hỏi trên sau giờ nghỉ trưa, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói vấn đề dạy tích hợp được thực hiện theo Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết 88 của Văn phòng Quốc hội, Nghị quyết 404 của Chính phủ. Đây cũng là xu hướng phù hợp nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.
Tích hợp có nhiều bước, trong đó cao nhất là kết hợp kiến thức các môn khoa học gần nhau thành một. Điểm mới của chương trình sắp tới là cấp tiểu học có nhiều môn tích hợp, THCS có tích hợp Khoa học Tự nhiên (4 chủ đề) và Lịch sử với Địa lý (5 chủ đề). Theo Nghị quyết 113 của Quốc hội, tích hợp nhưng vẫn giữ tên môn Lịch sử.
Ở bậc THCS, Bộ GD&ĐT tính toán giáo viên môn nào sẽ dạy sâu môn đó. Thời gian để áp dụng theo lộ trình cuốn chiếu còn khoảng 6-7 năm nữa nên bộ đang tiến hành bồi dưỡng giáo viên. Những người đủ điều kiện và nhu cầu sẽ từng bước học thêm, tiến tới một thầy cô có thể dạy được hai, ba môn tích hợp. Đây cũng là xu hướng chung trên thế giới.
Bộ GD&ĐT nhận định học tích hợp có thể giảm tải khi thay đổi chương trình và phương pháp, tính khả thi cao.
Bốn đề án của Bộ GD&ĐT chưa thực hiện xong
Trước chất vấn của cử tri về bốn đề án chưa thực hiện xong, người đứng đầu ngành giáo dục đào tạo cho biết trong số đó, một đề án đã giao Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho mầm non và giáo dục phổ thông mới được Thủ tướng ký hôm qua.
“Ba năm trời, bộ làm việc không biết bao nhiêu lần với địa phương để đảm bảo cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non và phổ thông, đặc biệt để dạy hai buổi/ngày, chủ yếu ở các tỉnh miền núi. Thiết bị còn thiếu 40%”, ông Nhạ nói.
Một đề án khác là quy hoạch mạng lưới đào tạo giáo viên các trường đại học, Bộ GD&ĐT đã rà soát quy trình, trình Chính phủ, sẽ triển khai thời gian tới.
Đề án huy động nguồn lực của các tổ chức trong và ngoài nước đầu tư cho phát triển giáo dục và dạy nghề 2015-2020 được Chính phủ đồng ý chuyển thành Nghị quyết.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư, các địa phương quan tâm về việc xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục.
Nhiều tồn tại của giáo dục chưa được giải quyết
Cũng trong sáng 30/10, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày báo cáo tổng hợp việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ tư.
Theo báo cáo, giáo dục đào tạo còn nhiều vấn đề tồn tại. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm. Hiệu quả của chính sách cử tuyển đối với học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số chưa cao. Tuyển dụng cán bộ cử tuyển gặp khó khăn.
Kỳ thi THPT quốc gia còn một số tồn tại nhất định như chất lượng ngân hàng đề thi, tính bảo mật trong quy trình thi dẫn đến xảy ra sai phạm nghiêm trọng tại một số địa phương, ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của xã hội.
Tỷ lệ phân luồng sau THCS chưa đạt yêu cầu. Công tác giáo dục hướng nghiệp cho THPT còn hạn chế. Dạy và học ngoại ngữ còn những khó khăn nhất định. Việc ban hành chương trình tổng thể, các chương trình môn học còn chậm.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hải - Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội - cho rằng nhiều vấn đề của giáo dục chưa được giải quyết như dạy, học thêm, sử dụng sách giáo khoa gây lãng phí. Cử tri đã phản ánh trong các kỳ Quốc hội, đề nghị Bộ GD&ĐT giải quyết dứt điểm.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT còn thường xuyên đổi mới tuyển sinh, thí điểm các mô hình mới, thí điểm công nghệ giáo dục trong suốt 40 năm. Đặc biệt, những sai phạm nghiêm trọng trong kỳ thi THPT quốc gia đã ảnh hưởng kết quả của kỳ thi, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận.
Theo Quyên Quyên (Tri Thức Trực Tuyến)