Kịch bản áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão dịp Tết Dương lịch

28/12/2018 09:40:36

Chuyên gia khí tượng nhận định áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão sau khi vào Biển Đông. Kết hợp với không khí lạnh rất mạnh ở phía bắc, bão sẽ mạnh lên và chuyển hướng.

Ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia), phân tích về cường độ, ngày 28-29/12, áp thấp nhiệt đới nhiều khả năng chưa mạnh lên thành bão. Sau khi vào Biển Đông, xác suất áp thấp mạnh lên thành bão sẽ nhiều hơn với cường độ bão cấp 8, giật cấp 10.

Theo chuyên gia khí tượng này, áp thấp nhiệt đới chủ yếu di chuyển theo hướng tây.

"Khi áp thấp đi vào khu vực phía bắc quần đảo Trường Sa, do tác động của không khí lạnh rất mạnh ở phía bắc khiến hướng di chuyển lệch xuống phía nam và ít có khả năng ảnh hưởng đến đất liền nước ta. Tuy nhiên, ảnh hưởng về gió mạnh trên biển là rất lớn và cần đặc biệt lưu ý", ông Năng nhấn mạnh.

Vị Trưởng phòng chia sẻ phía bắc của áp thấp nhiệt đới (hoặc lúc đó là bão) sẽ mạnh bởi một phần của nó kết hợp với gió Đông Bắc gây ra gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 ở giữa Biển Đông, gần phía bắc quần đảo Trường Sa.

Nếu áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão, cơn bão này sẽ khá giống với bão Bolaven - bão số 1 năm 2018 (cơn bão cuối cùng của mùa bão năm 2017), chỉ khác rằng khi vào gần bờ, nó sẽ ngoặt hướng tây nam hơn.

Kịch bản áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão dịp Tết Dương lịch
Tàu thuyền neo đậu tại cảng Phan Thiết trước bão Bolaven đầu năm 2018. Ảnh: Tuấn Kiệt.

Về diễn biến cụ thể của áp thấp nhiệt đới, Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia thông báo vào tối 27/12, tâm áp thấp cách bờ biển miền Trung Philippines khoảng trên 300 km về phía đông đông nam, sức gió mạnh nhất ở cấp 7 (50-60 km/h), giật cấp 9.

Sau đó, áp thấp di chuyển theo hướng tây tây bắc với vận tốc 15-20 km/h. Đến 19h ngày 28/12, tâm áp thấp nằm trên khu vực miền trung Philippines với sức gió giữ nguyên. Trong 24-48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng tây với vận tốc tăng lên khoảng 25 km/h. Đến 19h ngày 29/12, tâm áp thấp nằm ngay trên phía bắc đảo Palawan (Philippines) với sức gió không đổi.

Đặc biệt, trong 48-72 giờ tiếp theo, áp thấp giữ nguyên hướng di chuyển với vận tốc 20-25 km/h, đi vào Biển Đông rồi có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 19h ngày 30/12, vị trí tâm bão cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 200 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm là cấp 8 (60-75 km/h), giật cấp 10, cấp độ rủi ro thiên tai là cấp 3.

Cơ quan khí tượng cảnh báo do ảnh hưởng của không khí lạnh, khoảng 5-7 ngày tới, ở vịnh Bắc Bộ và khu vực bắc Biển Đông ( bao gồm quần đảo Hoàng Sa), gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh. Từ ngày 29/12, vùng biển ngoài khơi Trung Bộ và Nam Bộ có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8, biển động...

Theo Hoàng Như (Tri Thức Trực Tuyến)

Nổi bật