Hiện nay, trên vùng biển phía Đông Nam Philippines có một ATNĐ đang hoạt động.
Hồi 7h, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 10,7 độ Vĩ Bắc; 129,5 độ Kinh Đông, cách bờ biển miền Trung Philippines khoảng 450km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.
Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km.
Đến 7h ngày mai, vị trí tâm ATNĐ ở khoảng 11,5 độ Vĩ Bắc; 125,7 độ Kinh Đông, ngay bờ biển khu vực miền Trung Philippines. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 25km. Đến 7h ngày 29/12, vị trí tâm ATNĐ ở khoảng 11,4 độ Vĩ Bắc; 121,0 độ Kinh Đông, cách phía Bắc đảo Pa-la-oan (Philippines) khoảng 180km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào Biển Đông sau đó có khả năng mạnh lên thành bão.
Đến 7h ngày 30/12, vị trí tâm bão ở khoảng 11,7 độ Vĩ Bắc; 117,0 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 300km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh, ở vịnh Bắc Bộ và khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió Đông Bắc mạnh dần lên cấp 6-7, giật cấp 8-9; biển động mạnh và có khả năng kéo dài 5-7 ngày tới.
Từ ngày 29/12, ở vùng biển ngoài khơi Trung Bộ, Nam Bộ có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 8; biển động; khu vực giữa Biển Đông từ khoảng đêm 29/12 do ảnh hưởng của không khí lạnh mạnh với ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão nên gió mạnh dần lên cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 10. Biển động rất mạnh.
Theo Hương Quỳnh (VietNamNet)