Khi chó chỉ là 'cầy tơ'

23/10/2018 08:59:44

Chả có thời nào như bây giờ: nghề thịt chó đang phát đạt rầm rộ bỗng chựng phắt lại ở khắp các quốc gia. Chủ trương vận động toàn dân không ăn thịt chó vừa ra đời đã được nhiều người hoan nghênh nhiệt liệt! Còn ở các trại chó cưng, chó cảnh, nông trại chó thì khỏi nói, chó được trân quý hơn bằng hữu!

Khi chó chỉ là 'cầy tơ'
Một tủ thịt chó bên đường ở Hà Nội. Ảnh: Như Ý

Theo ước tính của các tổ chức bảo vệ động vật, và Liên minh bảo vệ chó châu Á thì Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á về sở thích ăn thịt chó, với khoảng 5 triệu con bị xẻ thịt mỗi năm.

Nghiện chó từ Bắc chí Nam

Xưa nay, từ phố xá tới hang cùng ngõ hẻm, cứ nhìn thấy cụm lá mơ trổ xanh trên các cọc rào, khối kẻ lập tức liên tưởng tới ... chó. Tìm từ khóa “thịt chó” trong ca dao, thành ngữ tiếng Việt, sẽ thấy cả kho tàng. Từ ỡm ờ “Đi tu Phật bắt ăn chay/Thịt chó ăn được, thịt cầy thì không”, đến dứt khoát “Sống trên đời không ăn thịt chó/Xuống âm phủ biết có hay không?!”, hay thậm đểu “Mình về ta nắm lấy đuôi/Ta trói bốn cẳng, ta thui cho vàng!”. Mình - Ta gần gũi nhau là vậy, mà thèm thì vẫn cứ xơi (!). 

Bắc Nam gì cũng thịt chó, song nghệ thuật pha nấu rõ là phía Bắc tinh hơn, nên đa số quán Cầy Tơ đều quảng cáo thực đơn “7 món vị Bắc”. Nghiện ăn chó phía Bắc cũng có phần nặng hơn. Bởi thế, truyện ngắn kinh điển “Trẻ con không được ăn thịt chó” của Nam Cao mới ra đời ở làng Đại Hoàng tỉnh Hà Nam và sau năm 1975, ca khúc “Nối vòng tay lớn” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mới bị chế lời thành “Từ Bắc vô Nam tay cầm cái cây/Tay kia cầm sợi dây để bắt con cầy...”. 

Lừng danh phố chó một thời ai cũng biết, là khu Nhật Tân, hoa đào theo mùa còn thịt chó quanh năm. Những năm đầu thập kỷ chín mươi, từ Tây Nguyên lần đầu ra Hà Nội, ngỡ ngàng tôi đi trên mặt đê sông Hồng mà chẳng thấy sông đâu, vì cả dãy phố giăng kín biển quảng cáo thịt chó: “A, Chó đây rồi”, “Cầy tơ chính hiệu”, “Mộc tồn xứ Bắc”, “Chó tươi xin mời”... đến hoa cả mắt. Không ít lần mấy ông anh đồng nghiệp còn xăng xái lôi cô em vào “siêu thị thịt chó Hà thành” để giới thiệu “tinh hoa ẩm thực Bắc kỳ”. Ôi chao mịt mù khói lửa hun, thui. Tiếng bằm chặt, hô hào cụng ly “dzô dzô” liên tu bất tận. Tò mò tôi hỏi, chủ quán vừa vung dao vừa trả lời gọn lỏn: Mỗi ngày quán tớ bán hai trăm con! 

Vào bảo tàng tìm hiểu sử Việt, ai cũng có thể thấy trên bề mặt một số di vật đồ đồng văn hóa Đông Sơn từ 2.500 năm trước Công Nguyên tới sau Công Nguyên, hình chó được chạm khắc rõ nét: chó giúp người săn hươu, chó cùng lên thuyền với chiến binh, người đứng thân mật vuốt lưng chó... cho thấy từ xa xưa, chó đã là bạn không thể thiếu trong đời sống người Việt. Nhiều công trình tâm linh như đền, miếu, lăng mộ cũng thường đặt tượng chó đứng canh cổng. Trong 12 con giáp, giờ Tuất vào khoảng từ 19-21 giờ, tương ứng với lúc chó phải tỉnh táo trông nhà cho người yên tâm nghỉ ngơi.

Tưởng vậy đã quá ghê! Ai dè có lần tôi được mời về thôn Yên Trường (xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ) chơi sau tết. Cách Hà Nội hơn 30 km, chẳng biết từ bao giờ, cả cái thôn bảy, tám nghìn dân ấm no bằng nghề thủ công truyền thống này cứ vừa xong Tết Nguyên đán là nhà nào nhà nấy đều mở tiệc sum họp đầu năm bằng một mâm thịt chó tú hụ nhằm đổi vị và... lấy may (!). Để gom đủ 3-4 tấn thịt chó cho cả thôn Yên Trường ăn nhậu rôm rả mùng 4 tết, cánh lái chó đã phải lùng sục khắp nơi, kìn kìn chở về hàng nghìn con chó. Đêm lạnh, tiếng chó tru rền rĩ than oán nghe mà thất kinh.   

Khi chó chỉ là 'cầy tơ' - 1
Chó trong chuồng chờ ngày bị giết (Ảnh của Liên minh bảo vệ chó Châu Á)

Nghiệp chướng ngất trời

Ăn thế thì chó nào đẻ cho kịp?! Vậy là tòi ra nghề lái chó xuyên biên giới, rồi nảy ra nạn trộm chó, bả chó náo động từ phố xá tới làng quê. Nhiều chủ quán bất lương sẵn sàng thu mua bất cứ loại chó nào mà bọn trộm chó đem tới. Cách đây mới mấy năm, cả nước còn lắm phen hãi hùng khi báo chí phanh phui hàng loạt vụ “tân trang” các loại chó chết vì bệnh, chết vì bị đánh bả của những tay chuyên làm món nhậu táng tận lương tâm. Họ mua rẻ hoặc nhặt xác chó bị vứt ngoài bãi rác về, đào hố lấp qua đêm cho tan bớt mùi hôi thối. Xong lại lôi lên thui lông, mổ bụng, dội nước, chặt miếng, tẩm ướp đủ thứ gia vị thơm nồng rồi chiên, nướng, xào lăn... Bợm nhậu đã “sương sương” rồi thì đĩa mồi bê thêm từ chó chết hay chó sống, với họ nào khác gì nhau?! 

Tôi từng ngỡ chỉ “dân ta” mới coi “cầy tơ nhựa mận, lá mơ củ riềng” là món quốc hồn quốc túy. Té ra tới lúc có dịp nhìn sang các nước láng giềng châu Á, rồi châu Phi, thậm chí châu Âu, châu Mỹ, ngay tại những quốc gia văn minh, nổi tiếng yêu quý động vật như Anh, Mỹ, Thụy Sĩ, số người sẵn sàng ăn thịt chó vẫn không hề ít. Khác chăng, là họ không ăn kèm mắm tôm, lại kiểm soát nghiêm ngặt khâu an toàn vệ sinh thực phẩm, và ban bố những quy định tỉ mỉ về cách làm thịt con vật thế nào để chúng ít đau, nhân đạo hơn thôi. 

Vì vậy, tự bao đời rồi, mọi lời kêu xin tha mạng loài chó hay hô hào ngừng ăn chó nhằm ngăn chặn bệnh dịch cũng chẳng được mấy người quan tâm. Thậm chí kêu không đúng chỗ còn bị nện, bị mắng đạo đức giả như chơi. Chẳng những cả triệu Phật tử sau mỗi buổi lên chùa hương khói vẫn cứ ăn thịt chó, mà đến số “sư giả cầy” coi tu hành chỉ là một nghề kiếm sống, hễ cất áo nâu sòng lại sà vào mâm lá mơ nhựa mận cũng không là hiện tượng quá hiếm hoi... 

Nhiều người biết tỉnh Bắc Ninh nổi tiếng cả về hát quan họ và đặc sản thịt chó. Tuy nhiên, tỉnh này lại có một làng mà hầu hết con cháu họ Nguyễn trong làng đều không ăn thịt chó, cũng không hát quan họ. Đó là làng Đại Phúc, nay là phường Đại Phúc, quận Quế Võ. Anh Nguyễn Hồng Vĩnh, phóng viên ảnh của báo Tiền Phong kể: Tục lệ này có từ thời Cụ tổ Nguyễn Phúc Xuyên (1613-1696), người có đền thờ danh nhân văn hóa đã được Nhà nước xếp hạng di tích từ năm 1988. Cụ Nguyễn Phúc Xuyên thông tuệ, am tường đạo lý nhà Phật, chuyên làm thuốc chữa bệnh cứu người. Sau khi chữa khỏi bệnh cho chúa Trịnh, được chúa Trịnh ban sắc hiệu Bồ Tát, từ đó, cụ dặn dò con cháu không được ăn thịt chó, không hát quan họ. Điều cụ di huấn cả dòng họ Nguyễn làng Đại Phúc đến nay vẫn truyền đời ghi nhớ. 

Theo Hoàng Thiên Nga (Tiền Phong)