Hà Nội vận động không ăn thịt chó: Người dân ủng hộ hay phản đối?

14/09/2018 15:20:20

Nếu từ bỏ không ăn thịt chó, mèo thì sẽ nhận được sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế và những người yêu động vật nhưng nhiều địa phương lại coi đây là tập tục không thể bỏ.

UBND Hà Nội vận động người dân bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo

Hà Nội vận động không ăn thịt chó: Người dân ủng hộ hay phản đối?
Ảnh minh họa

Mới đây, UBND TP Hà Nội vừa ban hành văn bản về tăng cường công tác quản lý nuôi, giết mổ, kinh doanh và sử dụng thịt chó, mèo trên địa bàn.

Theo đó, TP Hà Nội yêu cầu các quận huyện tuyên tuyền về nguy cơ và tác hại mắc các bệnh truyền nhiễm (bệnh dại, bệnh xoắn khuẩn, bệnh tả...) khi sử dụng thịt chó, mèo để người dân nhận thức được và từ bỏ thói quen sử dụng thịt chó, mèo.

Việc kinh doanh, giết mổ và sử dụng thịt chó, mèo đã tạo ra những phản cảm đối với khách tham quan du lịch, du khách quốc tế sinh sống, làm việc tại Hà Nội, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của một Thủ đô văn minh, hiện đại.

Trên Tiền Phong, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho biết, đơn vị sẽ tham mưu cho Sở NN&PTNT báo cáo thành phố về lộ trình vận động người dân bỏ thói quen ăn thịt chó.

Theo ông Sơn, dự kiến 3-5 năm nữa, vào khoảng năm 2021, sẽ hạn chế bán thịt chó tại 1, 2 quận nội thành, sau đó sẽ tuyên truyền để nhân rộng ra các quận khác, rồi đến các huyện của Thủ đô. “Tôi lưu ý chỉ hạn chế bán thịt chó trên cơ sở vận động, tuyên truyền để người dân thay đổi nhận thức, dần từ bỏ thói quen ăn thịt chó chứ không hề cấm”, ông Sơn nói.

Nói về những mặt trái của tiêu thụ thịt chó, ông Sơn thông tin, hiện nay chó không phải là động vật trong diện giết mổ, do đó Cục Thú y chưa đưa ra quy trình giết mổ chó. Vì vậy cơ quan chức năng cũng không có quy trình giám sát, kiểm tra giết mổ, khiến thịt chó không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Những người tham gia quá trình giết mổ, kinh doanh chó cũng dễ mắc các bệnh truyền nhiễm như xoắn khuẩn, bệnh tả, bệnh dại… Thậm chí có những trường hợp không bị chó cắn nhưng vẫn bị lây bệnh dại bởi người có vết thương hở lại tham gia giết mổ chó dẫn đến nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, việc giết mổ, kinh doanh chó mèo cũng tạo sự phản cảm đối với du khách đến với Thủ đô.

Ăn chó và yêu chó là hai việc khác nhau

Hà Nội vận động không ăn thịt chó: Người dân ủng hộ hay phản đối? - 1
Thịt chó được nhiều người coi là món khoái khẩu. Ảnh minh họa.

Ở Hà Nội, thịt chó được một bộ phận dân cư đặc biệt ưa chuộng. Có những "vùng đất thịt chó" nổi tiếng đến mức được định danh thương hiệu (một cách không chính thức), như "thịt chó Nhật Tân", "thịt chó Vân Đình". Và nay, "thịt chó Việt Trì" tận Phú Thọ cũng đã được "xuất khẩu" tới Hà Nội.

Quan niệm người Việt mê tín dị đoan từ trước đến nay vẫn cho rằng, ăn thịt chó đầu năm, đầu tháng thì sẽ không tốt, không gặp may mắn trong cả năm, cả tháng đó. Nhưng ăn thịt chó vào cuối năm, cuối tháng hoặc sau khi gặp một chuyện không hay thì lại là xua đuổi cái "vận đen" đi. Ở nhiều nơi, ăn thịt chó còn là phong tục mỗi dịp ma chay, đám giỗ, đám hỏi. Mà đã thành phong tục thì rất khó bỏ.

Và có một nghịch lý là có những người nuôi chó, yêu chó mèo nhưng vẫn ăn thịt chó. Dù yêu chó, quý chó nhưng nhiều người vẫn sẵn sàng ăn thịt chó. Với họ, yêu chó là một chuyện, ăn thịt chó lại là một chuyện khác!

Một bộ phận dư luận chưa ủng hộ việc UBND đưa ra quyết định cấm người dân ăn thịt chó. Theo họ, việc gì càng cấm thì người dân càng lén lút làm. Chỉ có thể hạn chế, quản lý các cửa hàng thịt chó theo cách khác.

Nhiều người ủng hộ quan điểm không ăn thịt chó, mèo

Hà Nội vận động không ăn thịt chó: Người dân ủng hộ hay phản đối? - 2
Nhiều nguy cơ bệnh tật khi ăn thịt chó. Ảnh: Internet.

Chia sẻ về quyết định này, lãnh đạo Chi cục Thú y cũng cho biết thêm, nếu vấn đề này được nói đến khoảng 10 năm về trước thì chắc chắn sẽ không có sự đồng thuận cao. Nhưng vài năm trở lại đây, nhiều người đã thay đổi nhận thức và từ bỏ thói quen nên việc thực hiện sẽ có cơ sở. “Cứ nhìn tuyến phố “thịt chó” Nhật Tân xem, vài năm trước chi chít quán thịt chó, đến giờ chỉ còn lác đác 1, 2 quán. Đó cũng là dấu hiệu nhận thấy người dân đã không còn mặn mà với món ăn này”, ông Sơn nói.

Hiện nay, nhiều người trong những hội yêu thú cưng lên án việc ăn thịt chó vì cho rằng, hành động đó quá đỗi phản cảm. Với họ, chó không còn dừng lại ở khái niệm "vật nuôi", nó là người bạn, người thân trong gia đình.

Không ít người ở các TP khác hy vọng rằng địa phương mình cũng sẽ ban hành quyết định tương tự. Bạn Bùi Thị Hằng gửi gắm: "Mong là cả nước chứ không riêng gì Hà Nội thực hiện việc này". Nhiều bạn đọc chia sẻ lý do họ không ăn thịt chó để khẳng định đó không phải là lời kêu gọi suông, không có lý do.

Còn độc giả Ngoan Hà tâm sự: "Tôi không ăn thịt chó vì tôi sợ ăn nhầm phải con chó đã giữ nhà cho người ta suốt nửa đời, sợ ăn nhầm phải bạn của một đứa trẻ, sợ ăn nhầm chó công vụ từng cứu mạng con người, sợ ăn nhầm "đôi mắt" của người mù nào đó… Và hơn thế nữa bởi vì tôi yêu chúng"…

Bên cạnh đó, nhiều người cho rằng nếu cấm kinh doanh thịt chó mèo, nạn “cẩu tặc” sẽ không còn. Sẽ không còn cảnh người dân đánh trộm chó một cách dã man, vi phạm pháp luật.

Sau khi chủ trương vận động người dân không ăn thịt chó của Hà Nội được ban hành, các tổ chức động vật Châu Á và thế giới cũng đã lên tiếng ủng hộ. Ông Tuấn Bendixsen, Trưởng đại diện Tổ chức động vật châu Á tại Việt Nam (Animals Asia) cho biết tổ chức này ủng hộ việc chính quyền Hà Nội kêu gọi người dân xoá bỏ thói quen ăn thịt chó.

"Chúng ta đều biết chó là động vật sống trung thành và tình nghĩa với chủ. Chúng bảo vệ chúng ta, trông nhà, chơi đùa với trẻ em, giúp người già và ốm yếu. Những chú chó không chỉ là con vật mà nó còn là một thành viên của xã hội và người bạn tốt của con người", ông chia sẻ quan điểm.

Hạn chế người dân ăn thịt chó bằng cách nào?

Hà Nội vận động không ăn thịt chó: Người dân ủng hộ hay phản đối? - 3
Việt Nam là một trong những nước ăn thịt chó nhiều nhất thế giới với 5 triệu con chó bị làm thịt và tiêu thụ mỗi năm.

Theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, các quận, huyện, thị xã phải xây dựng lộ trình hạn chế giết mổ chó, mèo thương phẩm. Đến năm 2021, các quận nội thành sẽ không kinh doanh thịt chó, mèo.

Mong muốn của UBND TP mới được đưa ra và đang nhận được sự quan tâm của đông đảo dư luận. Động thái này giúp những người yêu chó có thêm hy vọng về một tương lai loài thú cưng này sẽ không còn bị giết hại để lấy thịt.

Không riêng gì Hà Nội, vấn đề hạn chế người dân ăn thịt chó, mèo cũng đã được TPHCM đưa ra từ đầu năm 2018. Họ đã thực hiện bằng cách vận động người dân và những người kinh doanh thịt chó chuyển qua ăn và kinh doanh các mặt hàng khác. Bước đầu, những nơi được coi là "chợ chó" của thành phố đã giảm hẳn người mua và bán. Tuy nhiên, lãnh đạo TP cũng cho rằng vấn đề này cần vận động từ từ và về lâu về dài và họ hi vọng thế hệ sau sẽ không còn ăn thịt chó.

Trên thế giới, các nước có người dân ăn thịt chó như Hong Kong, Indonesia, Philippin và Mỹ cũng đã luật hóa, bao gồm các quy định cấm và chế tài hành vi giết mổ chó - mèo hay buôn bán chó - mèo để làm thức ăn cho con người.

Các nước luật hóa được thì Việt Nam hoàn toàn có thể làm được! Nhất là khi đang có quá nhiều điều kiện và lý do để làm. Như chúng ta đã thấy, chó - mèo là vật nuôi thân thiết, trung thành. Về mặt tình cảm, giết thịt con vật nuôi như thế để đánh chén trong khi không hề bức bách về nhu cầu thực phẩm là đã nhẫn tâm.

Về mặt thú y, giết mổ chó - mèo xưa nay không nằm trong diện kiểm soát (theo Luật Thú y) nên hoàn toàn không bảo đảm an toàn vệ sinh và tiềm ẩn mầm mống bệnh tật rất lớn đối với cộng đồng. Về nhu cầu thực phẩm, Việt Nam hoàn toàn không thiếu các loại thực phẩm khác từ vật nuôi như bò, trâu, heo, gà, thủy - hải sản...

Đáng nói, về mặt an ninh trật tự xã hội, nạn bắt trộm chó đã gây ra biết bao thảm cảnh: ngồi tù, mất mạng, thương tật suốt đời, mâu thuẫn và xung đột... khắp nơi và pháp luật hình sự hiện cũng đang "bối rối" với nạn trộm chó...

Tại Việt Nam, hoạt động buôn bán thịt chó là hợp pháp, nhưng... không được kiểm soát. Thậm chí trước tình trạng giết và làm thịt chó quá phổ biến ở nước ta, nhiều người nước ngoài đã không ngần ngại gọi đó là "công nghiệp thịt chó" hay "ngành sản xuất thịt chó".

Vấn đề ở đây là sự thay đổi nhận thức: Chó, mèo là vật nuôi gia đình để làm bầu bạn, để chăm sóc chứ không phải vật nuôi để làm thực phẩm. Và chó, mèo cũng là những con vật nuôi trung thành với con người.

Không ăn thịt chó, mèo thì cũng chẳng thiệt thòi, mất mát gì mà còn giúp cho cuộc sống xã hội văn minh hơn.

Theo K.N (Giadinh.net.vn)

Nổi bật