Tôi lấy chồng khi mới bước sang tuổi đôi mươi. Chồng của tôi là một người làm kinh doanh, thu nhập tốt. Lấy anh, tôi được thoải mái ăn diện, chi tiêu và không phải lo kiếm tiền.
Tôi sinh con, chồng tôi cũng thuê người giúp đỡ. Tôi chỉ việc cho con bú, ôm ấp con và làm đẹp, lấy lại vóc dáng. Tóm lại, về vật chất, tôi có một cuộc sống như bà hoàng kể từ khi lấy chồng. Tuy nhiên tôi lại có một nỗi khổ tâm không thể san sẻ ấy là chuyện mâu thuẫn với mẹ chồng.
Bà độc đoán, ghê gớm và luôn coi con trai mình là người đàn ông vĩ đại, tài giỏi nhất thế giới. Bà sẽ gầm lên nếu thấy chồng tôi xách hộ tôi cái túi hay chỉnh giúp tôi cái váy trước khi tôi ra khỏi nhà.
Bà cũng thường tỏ ra khinh thường vì tôi xuất thân tỉnh lẻ, bố mẹ chỉ là nông dân và tôi chưa kịp tốt nghiệp đại học trước khi lấy chồng.
Tôi nhẫn nhịn hết vì nghĩ tôi sống với chồng tôi là chính. Bà thù ghét hay khinh thường tôi thì tôi cũng vẫn là vợ của con trai bà, là mẹ của các cháu bà.
Thế nhưng mới đây, hành động của bà khiến tôi vô cùng bức xúc. Tôi cảm thấy mình không đủ bao dung, nhẫn nhịn để có thể tha thứ được cho bà..
Bố mẹ tôi là nông dân, suốt ngày gắn bó với đồng ruộng. Khi nông nhàn thì mải mê chăm lợn, chăm gà để kiếm tiền sinh hoạt. Ông bà tự ti với thông gia giàu có nên ít khi lên Hà Nội. Nếu có việc lên Hà Nội, ông bà cũng chỉ đến chào hỏi qua loa rồi vội vã ra về.
Đợt này, em gái tôi chuẩn bị đi Nhật theo diện vừa học vừa làm. Vợ chồng tôi lại tổ chức sinh nhật cho con gái lớn nên tôi bàn với chồng mời ông bà ngoại đến chơi. Sau khi dự sinh nhật, ông bà sẽ ở nhà tôi khoảng 3 ngày.
Trong 3 ngày đó, tôi sẽ đón em gái đến ở cùng (3 tháng nay, em gái tôi phải thuê nhà trọ để đi học tiếng Nhật vì không muốn phiền hà tôi)... Chồng tôi đồng ý nhưng anh nói tôi phải thu xếp mọi việc vì anh chỉ ở nhà trong buổi sinh nhật con, sau đó anh đi công tác.
Bố mẹ tôi lên Hà Nội, mang theo 50 quả trứng gà, 1 bao gạo và 1 bao rau sạch. Mẹ chồng tôi nhìn món quà của thông gia, môi bà bĩu dài.
Bà chẹp một tiếng thật to rồi bảo, bố mẹ tôi cứ vẽ chuyện, mang vác cho nặng người.
Sau đó, bà nguây nguẩy đi về phòng, không một lời hỏi han, mời chào bố mẹ tôi cho phải phép lịch sự.
Bố mẹ tôi ngượng tím mặt nhưng cố vui vẻ để tôi không khó xử. Thế nhưng kể từ khi bố mẹ tôi đến, ngoài bữa sinh nhật cháu nội là mẹ chồng tôi không chỏng lỏn, khinh miệt thông gia, còn lại bà luôn tìm việc khiến bố mẹ tôi dở khóc dở cười.
Bữa ăn, bà nhất định không ngồi cùng bố mẹ tôi mà yêu cầu tôi phải bưng vào tận phòng cho bà. Tôi ấm ức trong bụng nhưng vẫn cố nhẫn nhịn cho đến khi giọt nước tràn ly.
Đó là bữa cuối cùng trong chuyến đi chơi của bố mẹ ở nhà tôi. Ông bà bảo tôi mời 2 người cháu họ đến ăn cơm. Theo ý mọi người, cả nhà tôi sẽ ăn thịt chó - món ăn khoái khẩu của nhiều người quê tôi.
Mẹ chồng tôi không đồng ý. Bà giật từ tay tôi chiếc điện thoại khi thấy tôi đang gọi điện đặt hàng. Tôi lừ mắt nhìn bà vì sự kìm nén đã đạt tới giới hạn. Tức thì bà tát thẳng vào mặt tôi rồi bù lu bù loa nói tôi hỗn hào.
Mẹ đẻ của tôi nghe tiếng ầm ĩ, chạy đến xin lỗi mẹ chồng tôi. Mẹ chồng tôi không nể nang mà sỉ vả luôn mẹ tôi vì yêu cầu món ăn thịt chó. Mẹ tôi tím mặt. Một tiếng sau, bố mẹ tôi xách đồ ra khỏi nhà.
Tôi tiễn bố mẹ ra xe mà nước mắt chảy tràn. Bố tôi không nói gì còn mẹ tôi thì ra sức động viên tôi, bảo tôi nhìn vào mặt tích cực mà sống. Bố mẹ không quan tâm người khác cư xử thế nào với mình, chỉ cần tôi được sống sung sướng và hạnh phúc.
Tôi càng khóc lớn. Tôi thương bố mẹ mình bao nhiêu thì uất hận người mẹ chồng bấy nhiêu. Làm sao tôi có thể sống với người từng cư xử không tốt với bố mẹ mình.
Mong mọi người hãy cho tôi lời khuyên.
Theo Thạch Thảo (VnExpress.net)