Dù trên 1/3 diện tích Nam bộ đã đón những đợt “mưa giải nhiệt”, nhưng lượng nước trời xem ra hiếm hoi đó chẳng thấm tháp gì để có thể làm hạ hỏa cái lò lửa nắng nóng gay gắt những ngày gần đây.
Song, ngay những tháng sau đó cần đề phòng với những cơn bão dữ - một loại “đặc sản” của kiểu thời tiết La Nina.
“Dư chấn” El Nino
Hiện tại người dân trên khắp Nam bộ đang sống trong những ngày của thời kỳ nắng nóng cao điểm, xảy ra trên diện rộng ở khu vực này, với nhiệt độ cao nhất tại miền Đông Nam bộ và TP.HCM phổ biến từ 37-39OC (xuất hiện trong khoảng 12g-15g hằng ngày).
Một người đàn ông chạy xe trên đường 3 Tháng 2 (Q.10, TP.HCM) không chịu nổi nắng nóng của Sài Gòn, phải mặc ngược áo khoác lại để tránh ánh nắng chiếu thẳng từ phía trước - Ảnh: Duyên Phan |
Mới tầm 7g sáng, khi những tia nắng vàng óng ả còn lấp ló bên cửa sổ thì đã cảm thấy oi nóng.
Theo ông Vũ Quang Đẩu - phó trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, có thể giải thích tình trạng nắng nóng gay gắt nói trên do El Nino kéo dài suốt hơn một năm qua.
Theo đó, mưa ít hơn, lượng mưa ở nhiều khu vực thiếu hụt rất lớn so với trung bình nhiều năm ngay trong những tháng mùa mưa và mùa khô hầu như không mưa, bề mặt khô hạn, độ ẩm thấp; cùng với hoạt động thường xuyên của vùng áp thấp nóng phía tây và áp cao cận nhiệt đới.
Cũng vì thế mà bầu trời quang mây hơn, trong xanh, làm cho những tia nóng từ không trung vô cùng thuận lợi bắn thẳng xuống mặt đất, gần như không gặp bất kỳ chướng ngại vật nào. Chúng sấy khô không khí và con người cảm giác như có lửa táp vào da thịt, rát rạt.
Lật bảng theo dõi nhiệt độ liên tục 30 ngày trong tháng 4-2016 ở 28 trạm đo của khu vực Nam bộ, ông Đẩu cho biết tâm điểm nắng nóng gay gắt rơi vào Đông Nam bộ với nhiệt độ cao nhất đều ở mức trên 38OC. Các khu vực còn lại có dịu mát hơn nhưng cũng rơi vào diện nắng nóng (nhiệt độ 35-37OC).
Tuy nhiên, so sánh với nhiệt độ cao nhất của cùng kỳ tháng 4-2015, ở phần lớn các trạm đo cho thấy nắng nóng của tháng 4 năm nay với nhiệt độ tăng hơn từ 1-2OC, chỉ ghi nhận được một vài trạm cho nhiệt độ giảm hơn nhưng mức giảm không đáng kể.
Tương tự, trong năm ngày đầu của tháng 5-2016, đặc biệt là Đông Nam bộ, nhiệt độ vẫn duy trì ở mức cao, rơi vào khung nắng nóng đặc biệt gay gắt. Và mức nhiệt độ này vẫn cao hơn so với cùng kỳ khoảng 2-3OC (năm ngày đầu tháng 5-2015).
Chuẩn bị cho một La Nina “trái tính trái nết”
Thông tin từ Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ cho biết khả năng El Nino (trong chuyên môn gọi là pha nóng) mạnh vừa qua sẽ trở về trạng thái trung tính vào tháng 7, tháng 8-2016.
Đồng thời, một số mô hình dự báo còn cho rằng một La Nina (pha lạnh) sẽ đến vào những tháng cuối năm 2016 với xác suất của dự báo này khoảng 52-57%.
Truy cập vào các dữ liệu thời tiết, khí hậu của nhiều mô hình dự báo trên thế giới, ông Đẩu nhận định dự báo nói trên về trạng thái trung tính và một La Nina sắp tới là có cơ sở.
Các nhà chuyên môn và các mô hình dự báo hiện nay dựa vào chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển để nhận định về xu hướng El Nino.
Theo đó, nhiệt độ mặt nước biển tại khu vực trung tâm xích đạo Thái Bình Dương - một trong những khu vực chính để đánh giá cường độ El Nino - sẽ được quan sát, cập nhật liên tục để đưa ra các nhận định, dự báo.
Ông Đẩu cho biết qua số liệu được cập nhật từ các mô hình dự báo cho thấy chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển giảm xuống khá nhanh. Nếu tháng 11 và tháng 12-2015 chuẩn sai nhiệt độ này được ghi nhận với các mức tương ứng là 2,9OC và 2,8OC thì đến tháng 4-2016 đã rớt xuống mức 1,1OC.
Theo ông Đẩu, đây là những tín hiệu cho thấy El Nino hiện tại sẽ dịu dần, không còn mạnh như nhiều tháng đã qua.
Những dữ liệu và diễn biến nói trên đã cho phép các nhà chuyên môn của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ đưa ra dự báo khả năng kiểu thời tiết La Nina sẽ xuất hiện vào các tháng 10, 11 và 12-2016, thậm chí có thể diễn biến nhanh hơn, đến sớm hơn, rơi vào tháng 9-2016.
Tuy nhiên, đây cũng là những nhận định mang tính xu hướng, khó tiệm cận được mức độ chính xác hơn như mong muốn đối với một dự báo dài.
Ông Đẩu cho rằng kiểu thời tiết vào những tháng cuối năm nay nếu không quá khác biệt so với những nhận định và dự báo hiện tại có thể đưa ra thì đấy là kiểu thời tiết rất giống năm 1998 (cũng là thời kỳ xuất hiện El Nino mạnh kỷ lục và sau đó một La Nina mạnh, kéo dài được ghi nhận).
Một trong những “đặc sản” của kiểu thời tiết La Nina cần đặc biệt lưu ý và hết sức đề phòng là số lượng cơn bão, áp thấp nhiệt đới xuất hiện nhiều hơn, thậm chí có những cơn bão mạnh, trái quy luật, khó lường trước được những hậu quả.
Nhắc đến kiểu thời tiết giông giống như diễn biến vừa qua (El Nino mạnh) và những nhận định, dự báo cho thời gian tới (khả năng cao là chuyển sang La Nina) đã khiến thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan - một người gắn bó với dự báo thời tiết rất nhiều năm - gợi nhớ “lịch sử” không bao giờ quên.
Đó là cơn bão số 5 với tên quốc tế là Linda, đã gây thiệt hại và tang tóc cho hàng ngàn gia đình. Cơn bão này với diễn biến hết sức dị thường, hình thành ngay trên nam Biển Đông, mạnh lên và di chuyển với tốc độ nhanh ít thấy, chỉ trong vòng 48 giờ đã đổ bộ vào Cà Mau với cường độ ngày càng mạnh lên (trái với những cơn bão khác vào cuối mùa thường suy yếu khi vào gần bờ).
Mùa mưa vẫn nắng nóng Theo phân tích chuyên môn của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, El Nino đã có xu hướng giảm dần về cường độ trong các tháng đầu năm 2016. Dự báo El Nino tiếp tục suy giảm nhanh trong khoảng 2-3 tháng tới. Tuy vậy, trong vài tuần tới (nửa cuối tháng 5, đầu tháng 6-2016) dù mùa mưa lần lượt bắt đầu đến với các tỉnh Nam bộ thì nhiệt độ sẽ giảm hơn và giảm dần, nhưng Đông Nam bộ và TP.HCM vẫn còn xuất hiện nắng nóng gay gắt, với nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-39OC. Miền Tây Nam bộ tuy có mát mẻ hơn đôi chút nhưng với nhiệt độ cao nhất ở mức 35-37OC cũng sẽ mang đến cảm giác nắng nóng cho những cư dân của vùng sông nước này. Riêng vùng biên giới Việt Nam - Campuchia (An Giang, Long An, Đồng Tháp), nhiệt độ cao nhất có khả năng trên 37OC. |
Bão và áp thấp nhiệt đới sẽ tăng Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ dự báo năm 2016, số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông có khả năng có khoảng 10-12 cơn. Trong đó có khoảng 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Con số dự báo này gần gấp đôi so với số cơn bão và áp thấp nhiệt đới được ghi nhận thực tế trong hai năm 2014-2015 (mỗi năm chỉ có 7 cơn, bao gồm 5 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới). Cần đề phòng những cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động vào các tháng cuối mùa (tháng 10, 11 và 12) sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Nam Trung bộ - Nam bộ. Phân tích thêm, ông Vũ Quang Đẩu nói có một điểm cần lưu ý là với dự báo năm nay đưa ra ngay từ tháng 10, bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng ảnh hưởng đến khu vực Nam bộ, trong khi nhiều năm trước đây chỉ chịu ảnh hưởng vào cuối mùa bão (tháng 11 và 12). Điều này khiến người ta càng nghĩ nhiều hơn đến những tác động của tình trạng biến đổi khí hậu. |