Đến chiều 6-2, hàng ngàn hộ dân ở chung cư HQC Plaza ở xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, TP HCM vẫn đang đối diện với tình trạng nguồn nước chập chờn, nhà có nhà không. Đáng nói, tình trạng này lỗi không phải ở cư dân mà từ ban quản lý (BQL) chung cư chây ì mà ra.
Bỗng dưng cúp nước, mất điện
Ông Trần Thanh Dũng (ngụ tầng 13, block HQ4) nói đến sáng 6-2 là đúng 4 ngày gia đình ông và cả ngàn hộ dân ở chung cư HQC Plaza sống trong cảnh khổ sở vì thiếu hụt nguồn nước sinh hoạt. "Nước bắt đầu bị cúp từ ngày 2-2. Từ đây, quần áo không được giặt, tắm rửa là "xa xỉ", nấu ăn là không tưởng. Cảnh đóng cửa nhà đi ở nhờ nhà người thân hoặc thuê nhà nghỉ đã diễn ra phổ biến" - ông Dũng bức xúc.
Những ngày trên, nhiều hộ cố bám trụ thì đành "bấm bụng" mua nước bình về dùng. Chị Trần Thị Linh (ngụ căn hộ SH4-09, block HQ4; kinh doanh ăn uống) phải mua 15 bình nước loại 15.000 đồng về để rửa chén. Nhưng dùng nước bình tốn tiền quá nên chị Linh không dám mua nữa. Do vậy mà chén đũa ở khu rửa chén của nhà chị Linh chất ngày càng cao và bắt đầu bốc mùi hôi. Nguồn nước "khan hiếm" đến mức hình ảnh một người mang thau nước để lau kính ô tô cũng trở thành chủ đề để mọi người phân tích, đánh giá là chơi… sang!
Theo ông Dũng, sau 2 ngày "trốn nhà", tối chủ nhật (4-2), người dân nhận được tin có nước trở lại nên lao về. Chưa kịp mừng thì lại phải đối diện với cảnh nước lúc có, lúc cúp. Thế là toàn chung cư diễn ra cảnh chắc chỉ ở thời bao cấp mới có. Đó là trưng dụng đủ mọi vật dụng có thể để thi nhau canh hứng nước. Chị Lê Mộng Bích Ngân (ngụ tầng 14, block HQ4) cho biết chiếc thùng trữ nước chị mua cách đây hơn một năm lâu nay dùng để cất đồ nay đã phát huy tác dụng. Mặc dù vậy, lượng nước trong thùng được gia đình dùng rất tiết kiệm, chủ yếu cho con nhỏ tắm và nấu ăn chứ không dám dùng như bình thường. Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Hồng Duyên (tầng 14, block HQ3) than rằng những ngày qua, chị phải thức dậy lúc 3 giờ sáng để canh mở vòi nước phục vụ cho sinh hoạt hằng ngày. "Tôi đóng tiền nước hằng tháng đầy đủ, tiền phí quản lý nhà cũng không thiếu một xu mà lại tùy hứng cắt nước, vậy là quá xem thường cư dân" - chị Duyên nói.
Khi nước bị cắt không rõ lý do, các cư dân tìm đến BQL thì nơi này "đóng cửa". Trong ngày thứ hai (5-2) là ngày làm việc nhưng văn phòng của BQL cũng không có ai ngoài bảo vệ. Một số cư dân gọi điện thoại cho giám đốc BQL nhưng người này tắt máy. Bản thân phóng viên cũng liên hệ nhiều lần với chủ đầu tư và BQL nhưng không ai nghe máy, tin nhắn trao đổi nội dung vụ việc cũng rơi vào… im lặng.
Tình trạng trên cũng đã từng diễn ra tại chung cư 584 Lũy Bán Bích, quận Tân Phú, chỉ có khác là nơi đây bỗng dưng mất điện. Vì vậy, có thời điểm thang máy chung cư phải ngưng hoạt động, bất chấp sự phản ứng dữ dội của cư dân chung cư.
"Quýt làm, cam chịu"
Về nguyên nhân vô cớ bị cúp điện khi đó, một cư dân chung cư 584 bức xúc: Vì ban quản trị (BQT) coi thường cư dân. Cụ thể, hồi tháng 3-2017, vì muốn bắt khoảng 20 hộ thiếu tiền điện đóng tiền nên BQT chung cư liền cắt điện cả chung cư. Lý giải về "chiêu" này, BQT chung cư cho hay vì thời điểm chưa có BQT, các chủ hộ nói trên bức xúc cách thu tiền của BQL (thuộc chủ đầu tư) nên đã không chịu đóng tiền. Từ đó, số nợ tồn đọng lên đến hàng trăm triệu đồng.
Về tình cảnh của cư dân chung cư HQC Plaza, ông Trương Ngọc Thanh Nhân, Chủ tịch UBND xã An Phú Tây (huyện Bình Chánh), cho biết sau khi nắm thông tin từ người dân phản ánh, xã đã làm việc với đơn vị quản lý chung cư và đơn vị cấp nước để cung cấp nước trở lại cho các các hộ dân từ 15 giờ ngày 4-2. UBND xã đã kiểm tra và khảo sát thực tế, việc cấp nước vào bể chứa ở mức 80-120 m3/giờ, như vậy bơm cho 4 block thì khi đồng loạt hơn 1.200 hộ cùng sử dụng, trong vòng 10 phút là hết ngay nên phải chờ bơm. Cấp nước lại rồi nhưng cần 1-2 ngày mới bình thường do ban ngày áp lực nước yếu hơn. "Trong tuần này, xã sẽ mời BQL và đơn vị cấp nước làm việc để làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị cũng như phương án dự phòng trong thời gian tới. Riêng vấn đề nợ tiền nước là hợp đồng dân sự giữa 2 bên nên xã không can thiệp. "Xã sẽ tiếp tục theo dõi việc cấp nước cho các hộ dân, nếu vấn đề nào vượt thẩm quyền sẽ báo cáo huyện để có hướng xử lý kịp thời" - ông Nhân thông tin.
Ông Lê Chu Long, Phó Giám đốc Xí nghiệp Cấp nước Sinh hoạt nông thôn TP, cho biết lý do cúp nước chung cư HQC Plaza là do đơn vị này thiếu 5 kỳ tiền nước với tổng số tiền trên 1 tỉ đồng. Mặc dù theo quy định là sau 2 kỳ không đóng thì buộc phải ngưng cấp nước nhưng xí nghiệp đã nhân nhượng nhiều lần song BQL chung cư vẫn chây ì. "Khi cư dân kêu cứu, địa phương vào cuộc, BQL mới chịu đóng 2 kỳ, còn nợ 3 kỳ với tổng số tiền hơn 600 triệu đồng. Số tiền này, chúng tôi gia hạn đến cuối tháng 2-2018 phải thanh toán, nếu không nộp thì chúng tôi buộc phải ngưng cung cấp nước" - ông Long cho biết.
Sai quy định!
Một cán bộ thuộc Sở Xây dựng TP cho biết có nhiều trường hợp BQT gặp "ca khó" khi chủ căn hộ sử dụng dịch vụ nhưng cố tình không đóng tiền dịch vụ sử dụng. Thế nhưng, để giải quyết việc này không được phép tự ý cắt điện, cắt nước mà phải mời chủ hộ làm việc để ghi nhận. Nếu tiến hành cưỡng chế phải được sự đồng ý và tham gia của chính quyền, đơn vị cung cấp điện, nước. Còn BQL hay BQT chung cư không thanh toán tiền điện, nước cho đơn vị cung cấp thì đơn vị này có nhiệm vụ phản ánh lại chính quyền địa phương cấp xã, phường để đề nghị giải quyết các vướng mắc, phát sinh. "Điện và nước là hai dịch vụ thiết yếu của các hộ dân nên việc chấm dứt cung ứng sản phẩm là không đúng quy định" - cán bộ Sở Xây dựng nói.
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, nhấn mạnh căn cứ Thông tư 02/2016 của Bộ Xây dựng, trách nhiệm và thẩm quyền giải quyết mâu thuẫn chính là đơn vị cấp xã, phường. Cơ quan chức năng địa phương phải thực hiện hòa giải để nhằm giải tỏa căng thẳng hai bên. Thông tư này cũng nêu rõ quyền và trách nhiệm của các đơn vị liên quan. Nếu các bên hòa giải không thành thì các bên khởi kiện ra tòa.
Theo Sỹ Đông - Lê Phong (Nld.com.vn)