Còn nhớ, tại thống kê 9 tháng năm 2018, tuyến xe buýt nhanh BRT đạt 92.838 lượt xe, số lượng hành khách là 3,72 triệu lượt; trung bình 40,2 khách/lượt/tuyến trong khi công suất tiêu chuẩn là 90 khách/lượt. Với con số này, công suất của tuyến BRT mới chỉ đáp ứng được chưa đầy 50% công suất.
Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa có kết luận về quá trình khảo sát, thiết kế, thẩm định phê duyệt kế hoạch cũng như đầu tư xây dự án xe buýt nhanh BRT chỉ ra nhiều sai phạm gây thất thoát ngân sách hàng chục tỷ đồng.
Trong khi đó, dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn tài trợ từ Chính phủ Trung quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30.5.2008. Dự án được Bộ GTVT phê duyệt dự án tại quyết định số 3136/QĐ - BGTVT ngày 15.10.2008.
Đến nay, dự án vẫn chưa đi vào hoạt động vận hành chính thức, cùng với đó là đội vốn khủng. Trong khi, Ban quản lý dự án thì liên tiếp hứa hẹn ngày vận hành chính thức rồi bỏ ngỏ.
Liên quan tới những vấn trên, trao đổi với PV Dân Việt, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, cho rằng: “Cấm xe máy đi vào một trong 2 tuyến đường Nguyễn Trãi hoặc Lê Văn Lương đang thể hiện cái sai chồng sai nghiêm trọng, tức là từ cái sai này đi đến cái sai khác. Đơn giản như tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông sai về giải pháp, tính hiệu quả, trong khi chi phí đội vốn quá cao”.
“Do đó muốn có người dân đi nên phải đưa ra giải pháp ép người dân đi, đây là việc làm phi kinh tế thị trường. Bây giờ phải xác định làm đường là không được ảnh hưởng tới tuyến đường hiện hữu, chứ cứ làm sai làm không hiệu quả rồi dẫn đến cấm phương tiện này phương tiện khác. Trong khi Hà Nội không chứng minh được phương tiện công cộng đáp ứng được nhu cầu của người dân”, TS. Hiển nhìn nhận vấn đề.
Theo TS. Hiển, đô thị của chúng ta là một đô thị kinh tế năng động, năng động là vì có sự dịch chuyển của người lao động (làm nghề tự do rất nhiều) vậy thì làm sao đi một tuyến đường ngắn đáp ứng cho việc di chuyển của người lao động.
Người lao động thì phải di chuyển khắp thành phố để mưu sinh chứ không phải cũng có công việc ổn định, sáng đến cơ quan, chiều đi về nhà. Chúng ta không thể so sánh được với các nước trên thế giời vì kinh tế của họ ổn định hơn chúng ta, trong khi chúng ta nợ công hàng năm không có dấu hiệu giảm.
Trước những xôn xao của dư luận về việc ai được hưởng lợi khi cấm xe máy, TS. Hiển khẳng định: “Cấm xe máy đang thể hiện một nền kinh tế cưỡng ép”.
Trở lại vấn đề cấm xe máy, TS. Hiển cho rằng: “Thất bại của đường sắt Cát Linh – Hà Đông cùng với đó là tuyến buýt nhanh BRT là hệ quả dẫn tới cưỡng ép các phương tiện khác. Nếu cứ mỗi lần làm một dự án giao thông lại ép dân sử dụng thì nó là thất bại tuyệt đối”.
“Tôi hy vọng những người lập dự án, phê duyệt, thẩm định đường sắt Cát Linh – Hà Đông và buýt nhanh BRT nhận thức ra cái sai của mình và đừng ép người dân phải gánh chịu hậu quả cái sai của mình gây ra”, TS. Hiển thẳng thắn bày tỏ.
Theo Thế Anh (Dân Việt)