TS Thủy: Hà Nội cấm xe máy đường Lê Văn Lương - Nguyễn Trãi 'hoàn toàn không khả thi'

12/03/2019 18:36:03

Theo TS Thủy, cấm xe máy ở hai tuyến đường Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi đồng nghĩa với việc phải cấm ở các tuyến khác, khiến giao thông không liên thông, ùn tắc kéo dài.

TS Thủy: Hà Nội cấm xe máy đường Lê Văn Lương - Nguyễn Trãi 'hoàn toàn không khả thi'
TS Nguyễn Xuân Thủy (ảnh nhỏ).

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, hiện đang lựa chọn thí điểm dừng hoạt động xe máy tại một số tuyến phố như Nguyễn Trãi hoặc Lê Văn Lương sau khi đường sắt Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động.

Trao đổi với PV, TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải cho rằng, việc Hà Nội đưa ra lộ trình, dự kiến thí điểm cấm xe máy là "hoàn toàn không khả thi và xe máy không phải nguyên nhân gây ùn tắc giao thông".

Ông phân tích, người dân Việt Nam đang sử dụng xe máy tới 70-80%, nếu cấm, người dân sống bằng gì? và với đặc thù nội đô hiện nay, xe máy cơ động, khả năng gây ùn tắc chỉ bằng một phần nhỏ của ôtô.

"Hai phương tiện cá nhân cùng đi với nhau, tại sao cấm xe máy mà không cấm ôtô. Đó là câu hỏi mà nhiều người sẽ đặt ra.

Chưa kể, khả năng gây ùn tắc của xe máy chỉ bằng phần nhỏ ô tô, bởi 1 ô tô lưu thông chiếm diện tích bằng 5 - 10 lần xe máy.

Do đó, không ai cấm được xe máy và dù thời nào vẫn có tỷ lệ người dân dùng xe máy, tùy vào hoàn cảnh, điều kiện sống của họ", ông Thủy nêu.

Về việc nghiên cứu thí điểm cấm xe máy trên 2 tuyến phố Nguyễn Trãi hoặc Lê Văn Lương, ông Thủy phân tích, ở đây, người dân sử dụng xe máy đi qua tuyến đường đó chứ không phải đi hết đường mới vào nhà.

Do đó, nếu cấm xe máy ở 2 tuyến đường này đồng nghĩa với việc, phải cấm hàng trăm tuyến đường khác. Từ đó, tạo ra luồng giao thông không liên thông, ùn tắc kéo dài.

"Chưa kể, phương tiện giao thông công cộng mới chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu của dân và còn nhiều điểm bất cập, không hợp lý của các loại hình này nên việc cấm xe máy thì 90% dân còn lại đi lại bằng phương tiện gì?

Vì thế thay vì dùng tư duy cấm chúng ta hãy sử dụng đồng bộ các giải pháp, ví dụ như mở đường thông hè thoáng, mở rộng cửa ô thành phố...

Đặc biệt, đừng xây nhà cao tầng trong nội đô mà hãy xây dựng thành phố vệ tinh bên ngoài để di dân ra đó và mở đường đảm bảo thông thoáng", TS Thủy chỉ rõ.

Cũng trao đổi về việc nghiên cứu thí điểm cấm xe máy trên 2 tuyến phố trên, ông Bùi Danh Liên, nguyên Chủ tịch HH Vận tải Hà Nội cho hay, việc cấm như vậy sẽ phát sinh nhiều vấn đề.

TS Thủy: Hà Nội cấm xe máy đường Lê Văn Lương - Nguyễn Trãi 'hoàn toàn không khả thi' - 1
Ông Bùi Danh Liên.

Theo ông Liên, nếu cấm xe máy ở hai tuyến đường Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi sẽ phát sinh việc, xe máy sẽ đi đường nào vào thành phố và để giải bài toán đó rất khó.

"Chắc chắn sẽ có phản ứng rất dữ dội của người dân đi xe máy. Phương án có rồi nhưng phải làm thế nào để người dân đồng tình rất khó.

Tôi cũng đã làm việc với Sở GTVT và nói về vấn đề ùn tắc nên thấy việc này phải thí điểm làm những cái đơn giản nhất rồi mới làm cái lớn.

Tôi xem ảnh báo chí chụp, thấy ô tô cá nhân chiếm dụng mặt đường rất nhiều. Vì thế, giải quyết thế nào mâu thuẫn giữa ô tô cá nhân với xe máy là vấn đề phải đặt ra.

Đây là việc quản lý xã hội, phải xuất phát từ nghiên cứu tâm lý, tính cách con người để đề ra giải pháp cho cụ thể", ông Liên nói.

Ông bày tỏ, ở hai đường Nguyễn Trãi và Lê Văn Lương, khi người dân quen đi đường sắt trên cao, hoặc xe bus nhanh thể hiện một ý tưởng rất tiên tiến.

"Nhưng vấn đề ở chỗ, nếu người dân không đi xe bus hay đường sắt trên cao sẽ vào trung tâm Hà Nội bằng đường nào? Cho nên, khi cấm chỗ này lại phình lên chỗ kia.

Chưa kể, 2 đường này là trục đường thẳng không có đường tránh. Do vậy, theo tôi, trước hết chúng ta phải áp dụng những giải pháp mềm như tuyên truyền người dân chấp hành nghiêm luật giao thông, tiến hành phân làn đường, xử phạt nếu đi sai làn...", ông Liên nêu.

Theo Hoàng Đan (Soha/Trí Thức Trẻ)

Nổi bật