Mới đây, Sở GTVT Hà Nội cho biết đang xây dựng đề án hạn chế, tiến tới cấm xe máy hoạt động trong khu vực nội thành Hà Nội vào năm 2030. Mục đích chính của đề án này nhằm giảm ô nhiễm môi trường và ùn tắc giao thông, bên cạnh đó hướng người dân chuyển đổi từ phương tiện cá nhân sang công cộng.
Dù lãnh đạo Sở GTVT đã khẳng định không tiến hành nóng vội mà sẽ nghiên cứu thấu đáo và lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng, vẫn có nhiều ý kiến phản đối được đưa ra.
Thạc sĩ Vũ Anh Tuấn, Chuyên gia quy hoạch giao thông (Đại học Giao thông Vận tải) gửi đến Zing.vn bài phân tích để làm rõ hơn vấn đề này.
Không thể chỉ đổ lỗi cho xe máy
Nhiều người nói ôtô có kiểm định tiêu chuẩn về khí thải, còn xe máy không có. Nhưng đó là những cái chúng ta đang thiếu về mặt quy định chứ bản chất không phải phương tiện đó có lỗi. Ô nhiễm môi trường và tắc đường đến từ tất cả các phương tiện tham gia giao thông chứ không phải một loại phương tiện cụ thể.
Trong bài toán quản lý giao thông, khi cấm xe máy thì phải trả lời được câu hỏi "người dân sẽ thay thế xe máy bằng phương tiện gì?". Dĩ nhiên các nhà quản lý đều muốn người dân chuyển sang xe buýt và đường sắt đô thị.
Nhưng năng lực của các phương tiện công cộng đã đủ để phục vụ toàn bộ lượng người chuyển từ xe máy sang chưa? Năng lực phục vụ ở đây không chỉ là số ghế ngồi cho hành khách, nó còn bao gồm chất lượng dịch vụ, mức độ thuận tiện, chi phí, thời gian,...
Nói sơ qua về năng lực phục vụ thì hiện nay xe buýt ở Hà Nội vào giờ cao điểm đã "bão hòa", chịu chung cảnh ùn tắc. Những tuyến chính cũng không thể tăng thêm lượng hành khách nữa. Do đó, xe máy không thể chuyển đổi sang xe buýt với số lượng lớn.
Giải pháp còn lại là hệ thống đường sắt đô thị (metro). Với tốc độ làm metro như hiện nay, trong vòng 10 năm tới Hà Nội cũng chỉ có 2 tuyến metro đi vào hoạt động là Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà Nội, may mắn lắm thì có thêm một tuyến nữa trong tình trạng đang xây dựng. Với số lượng 2 - 3 tuyến metro thì cũng chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu đi lại của người dân.
Khi cả xe buýt lẫn metro đều chưa thể đóng vai trò là phương tiện giao thông chủ đạo thì ôtô cá nhân chính là lựa chọn cuối cùng để người đi xe máy chuyển đổi sang.
Nếu chuyển sang ôtô cá nhân...?
Dù chúng ta có chuyển đổi sang bất cứ phương tiện nào thì tổng số chuyến đi cơ bản không đổi. Theo số liệu thống kê năm 2018, mỗi ngày ở Hà Nội có hơn 20 triệu chuyến đi.
Khi so sánh cùng một chuyến đi giữa một người sử dụng xe máy và một người sử dụng ôtô, lượng phát thải của ôtô thường cao hơn xe máy.
Ôtô cá nhân cũng là phương tiện có nguy cơ gây ùn tắc giao thông cao nhất. Nếu chuyển sang ôtô cá nhân thay cho xe máy, ùn tắc giao thông sẽ tăng gấp 5 lần, ô nhiễm môi trường tính trên một chuyến đi cũng sẽ tăng lên.
Một chuyến đi bằng xe máy hiện nay có mức độ gây ra ùn tắc giao thông thấp nhất (so sánh với ôtô cá nhân và xe buýt). Phương tiện này có hiệu quả rất cao về mặt sử dụng không gian công cộng.
Tuy nhiên, xe máy là phương tiện có độ an toàn khi lưu thông khá thấp. Tỉ lệ thương vong khi có tai nạn giao thông của người đi xe máy cũng cao hơn những phương tiện khác. Bên cạnh đó, việc quản lý sử dụng xe máy cũng gặp nhiều khó khăn hơn.
Tất nhiên, chúng ta cũng không thể duy trì một hệ thống giao thông hoạt động như hiện nay (tức là dựa vào phương tiện cá nhân trong đó xe máy cá nhân là chủ đạo). Trong từng giai đoạn chúng ta sẽ phải có những bài toán phù hợp.
Xu hướng tất yếu là chuyển từ phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng kết hợp cá nhân. Nhưng đó là khi vận tải công cộng phải được nâng cấp về chất lượng và năng lực vận chuyển. Song song với việc tái cấu trúc, tăng cường năng lực của các tuyến metro, xe buýt, chúng ta sẽ triển khai song song các chính sách để hạn chế phương tiện cá nhân (không chỉ xe máy mà cả ôtô cá nhân).
Chúng ta cần xem xét ở những không gian nào thì xe máy được khuyến khích, đó là những nơi mà chỉ xe máy tiếp cận được. Ví dụ từ nhà ở trong ngõ ra các điểm trung chuyển, ga metro,... Trên những trục đường chính, phải đảm bảo các phương tiện lưu thông với tốc độ cao thì cần xem xét hạn chế xe máy hoạt động.
Để làm được điều đó, giữa giao thông bằng xe máy và phương tiện công cộng phải có sự kết hợp thay vì triệt tiêu cái này để cho cái kia tồn tại.
Theo Thạc Sĩ Vũ Anh Tuấn (Tri Thức Trực Tuyến)