"Giấc mơ ăn sáng Hà Nội, ăn trưa TP HCM" dài hơn một thập kỷ
Từ năm 2005-2010, Chính phủ đã giao Tổng công ty Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư để nghiên cứu dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam. Nghiên cứu được thực hiện bởi Liên danh tư vấn Việt Nam - Nhật Bản (liên danh VJC). Dự án đề xuất quy mô đường đôi, khổ 1.435 mm chỉ chạy riêng tàu khách, tốc độ thiết kế 350 km/h. Chiều dài tuyến là 1.570 km, với 27 ga và 5 depot.
Dự án dự kiến có điểm đầu từ ga Hà Nội đến Ngọc Hồi (Thanh Trì), điểm cuối là ga Thủ Thiêm (TP HCM), chạy qua 20 tỉnh thành. Tổng mức đầu tư dự kiến trên 58 tỷ USD bằng nguồn vốn ngân sách.
Theo các chuyên gia đường sắt tính toán nếu đường sắt tốc độ cao đi vào hoạt động, với tốc độ trung bình khoảng 300km/h thì đi từ Hà Nội vào TP HCM chỉ mất khoảng 6 tiếng, tính cả giờ dừng đỗ ở các ga (quãng đường 1.540km), từ Hà Nội vào Vinh-Nghệ An mất hơn 1 tiếng.
Do vậy, thay vì lựa đi máy bay và đường bộ thì người dân có thể lựa chọn đi tàu tốc độ cao, có thể “ăn sáng ở Hà Nội và ăn trưa tại TP HCM".
Tuy nhiên, đến nay, trải qua hơn một thập kỷ, kể từ khi dự án được manh nha, đến nay với nhiều diễn biến, nhiều cuộc hội thảo, tranh luận trái chiều giữa các chuyên gia vẫn chưa đến hồi kết.
Những động thái mới về dự án
Một động thái mới về dự án này và được xem là bước đột phá khi Bộ Chính trị khoá X đã đưa ra kết luận liên quan đến dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam ngày 08/02.
Cụ thể, Bộ Chính trị nhấn mạnh việc phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị chưa được quan tâm đúng mức; hạ tầng đường sắt quốc gia lạc hậu, xuống cấp; nguồn lực đầu tư cho phát triển đường sắt chưa đáp ứng yêu cầu. Thị phần, sản lượng vận tải đường sắt ngày càng giảm sút nghiêm trọng. Quy hoạch liên quan đến phát triển đường sắt thiếu tính kết nối, đồng bộ.
Ngoài ra, cơ chế chính sách ưu đãi phát triển đường sắt không triển khai được. Tiến độ thực hiện đầu tư các dự án đường sắt đô thị chậm, bị đội vốn, tổng mức đầu tư tăng cao….
Bộ Chính trị cũng chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế, bất cập nêu trên chủ yếu là do: Nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của phương thức vận tải đường sắt chưa đầy đủ; chưa thực sự quyết tâm, quyết liệt trong tổ chức thực hiện; chưa ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho phát triển đường sắt, huy động nguồn lực ngoài ngân sách rất hạn chế. Quy định pháp luật về giao thông vận tải đường sắt chậm đổi mới, chưa đồng bộ, thiếu cơ chế, chính sách đột phá…
Từ nhận định trên, Bộ Chính Trị đưa ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025: Phấn đấu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; khởi công các đoạn ưu tiên trong giai đoạn 2026 - 2030 (Hà Nội - Vinh; TP HCM - Nha Trang).
Hoàn thành toàn bộ tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trước năm 2045; tuyến đường sắt khu đầu mối Hà Nội, khu đầu mối TP HCM; tuyến đường sắt kết nối với các đầu mối vận tải có lưu lượng lớn (cảng biển, khu công nghiệp, khu kinh tế), các tỉnh Tây Nguyên; tuyến đường sắt ven biển, đường sắt xuyên Á.
Hoàn chỉnh đề án trình Bộ Chính trị cuối năm nay
Mới đây, trong văn bản vừa gửi đến Thủ tướng, Bộ GTVT xin được đặt lịch báo cáo Bộ Chính trị đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam vào cuối năm nay.
Theo Bộ GTVT, từ năm 2005, ngành giao thông triển khai nhiều nghiên cứu xem xét đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Trong đó, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi lần đầu của dự án được Hội đồng thẩm định Nhà nước thông qua năm 2009, Bộ Chính trị tán thành về chủ trương đầu tư, tuy nhiên chưa được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 5-2010.
Thực hiện chỉ đạo của Ban chấp hành Trung ương và Thủ tướng, Bộ GTVT rà soát các nghiên cứu trước đây, cập nhật bổ sung hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Song song đó, bộ tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến chuyên gia, người dân, nhà khoa học và các bộ, ngành; đã làm việc, thống nhất bằng văn bản với 20 địa phương có dự án đi qua.
Sau khi tiếp thu ý kiến, Bộ GTVT hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án để trình Thủ tướng, để thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước tiến hành thẩm định dự án.
Trong quá trình này, Ban cán sự đảng Chính phủ có kết luận thống nhất trình Bộ Chính trị cho định hướng phát triển đường sắt theo hướng hiện đại. Kịch bản đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam là đường đôi khổ 1.435mm để vận chuyển hành khách và hàng hóa, tốc độ thiết kế khoảng 200- 250km/h, tốc độ khai thác khoảng 200km/h, thay vì làm mới một tuyến đường sắt chỉ chở khách với vận tốc 350km/h như Bộ GTVT đề xuất.
Bộ GTVT cũng nhìn nhận, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tiêu chuẩn kỹ thuật - công nghệ phức tạp, nguồn lực đầu tư đặc biệt lớn. Đây là dự án chưa có tiền lệ, lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam nên cần lựa chọn phương thức và nguồn vốn đầu tư, yếu tố kỹ thuật mô hình khai thác hợp lý.
Để có đầy đủ cơ sở khoa học, khách quan, cập nhật cho Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, Bộ GTVT đã tổ chức đoàn công tác đi học hỏi kinh nghiệm tại một số quốc gia có hệ thống đường sắt tốc độ cao phát triển như Châu Âu, Trung Quốc...
Theo Thiên Sơn (Phụ Nữ Số)