Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố các bị can liên quan đến những sai phạm nghiêm trọng xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Tuấn Ân và Công ty Điện lực Bình Thuận (PC Bình Thuận), hé lộ thủ đoạn "ưu ái từ 'trong trứng nước'" gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước.
Bị can Huỳnh Tuấn Ân, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Tuấn Ân, bị truy tố tội đưa hối lộ và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng. Hai cựu Giám đốc Công ty Điện lực Bình Thuận (PC Bình Thuận) là Trần Ngọc Linh và Nguyễn Thành Ngôn cùng bị truy tố về tội Nhận hối lộ.
Hồ sơ vụ án cho thấy, từ năm 2017 đến năm 2023, ông Huỳnh Tuấn Ân đã chỉ đạo cấp dưới đưa hối lộ tổng cộng hơn 9 tỉ đồng cho lãnh đạo PC Bình Thuận để thâu tóm 25 gói thầu thiết bị điện lực. Hệ quả là ngân sách nhà nước bị thiệt hại gần 50 tỉ đồng.
Đổi lại sau khi trúng thầu, Huỳnh Tuấn Ân đã chỉ đạo nhân viên chi hàng chục tỉ đồng để “cảm ơn” lãnh đạo, cán bộ Công ty Điện lực Bình Thuận. Một số bị can như: Trần Ngọc Linh (Giám đốc Công ty Điện lực Bình Thuận từ năm 1994 đến tháng 11/2021) nhận hơn 2,3 tỉ đồng. Nguyễn Thành Ngôn (Giám đốc PC Bình Thuận từ tháng 11/2021 đến ngày 26/12/2023) nhận hơn 1,3 tỉ đồng.
Trương Tấn Đạt (Phó giám đốc Công ty Điện lực Bình Thuận, nguyên Trưởng phòng kế hoạch vật tư Công ty Điện lực Bình Thuận) nhận hơn 4,1 tỉ đồng. Lê Quang Nghĩa (Trưởng phòng kế hoạch vật tư Công ty Điện lực Bình Thuận) nhận 460 triệu đồng.
Cáo buộc từ Viện KSND tối cao chỉ rõ phương thức các bị can đã sử dụng. Theo đó, trước khi hồ sơ mời thầu được phát hành khoảng một tháng, nhân viên Công ty CP Thiết bị điện Tuấn Ân đã liên hệ với các nhân viên thuộc PC Bình Thuận để nắm trước danh mục hàng hóa và đặc tính kỹ thuật. Dựa trên thông tin này, doanh nghiệp chủ động điều chỉnh sản phẩm cho “khớp” với yêu cầu kỹ thuật sẽ được đưa vào hồ sơ thầu, tạo lợi thế đặc biệt lớn và gần như đảm bảo khả năng trúng thầu.
Không chỉ vậy, lãnh đạo PC Bình Thuận còn trực tiếp "cài cắm" các yêu cầu kỹ thuật mang tính đặc thù, thậm chí “độc quyền” – chỉ sản phẩm của Tuấn Ân mới đáp ứng. Ví dụ, yêu cầu thử nghiệm bởi tổ chức nước ngoài, hoặc thử nghiệm "chu kỳ nhiệt" với chi phí hàng triệu đồng/mẫu, gấp nhiều lần giá trị sản phẩm, khiến hầu hết đối thủ không đủ khả năng tham gia.
Không chỉ thao túng kỹ thuật, quy trình xác định giá cũng bị làm sai lệch có lợi cho Tập đoàn Tuấn Ân. Giá vốn sản xuất tại Công ty Tuấn Ân Long An được cộng thêm 10% lợi nhuận, sau đó bán cho đại lý của Tập đoàn với mức chênh lệch 20 - 40%. Đại lý tiếp tục bán cho PC Bình Thuận với giá cao hơn, bao gồm cả chi phí ngoài hợp đồng và lợi nhuận tối thiểu. Đặc biệt, mức giá dự toán còn được nâng thêm 5 - 8% trước khi gửi PC Bình Thuận, đảm bảo lợi nhuận ngay cả khi giá bị thương thảo hạ xuống.
Cùng với báo giá của Công ty Thiết bị điện Tuấn Ân, các bị can còn lập báo giá khống của nhiều công ty khác với mức giá cao hơn khoảng 5% để tạo vỏ bọc cạnh tranh.
Sau khi hoàn tất các bước "cài thầu" và định giá, nhóm bị can tiếp tục "thông thầu" bằng cách sử dụng các công ty làm "quân xanh", khiến quá trình đấu thầu không còn đảm bảo tính công bằng, minh bạch. Hệ quả là tất cả 25 gói thầu đều rơi vào tay các công ty thuộc Tập đoàn Tuấn Ân.
Kết quả điều tra cho thấy, giá vốn thực tế của 391 mặt hàng do nhà máy Tuấn Ân Long An sản xuất chỉ khoảng 47 tỉ đồng, trong khi, giá trị quyết toán mà PC Bình Thuận đã thanh toán cho các gói thầu lên tới hơn 97 tỉ đồng. Chênh lệch này cho thấy ngân sách nhà nước đã bị thiệt hại một khoản tiền gần 50 tỉ đồng, tương ứng với số tiền chênh lệch giữa giá quyết toán và giá vốn thực tế.
Đến nay, các bị can đã nộp tiền khắc phục hậu quả vụ án tổng số tiền hơn 241 tỉ đồng vào tài khoản tạm giữ của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an.
Gia đình bị can Huỳnh Tuấn Ân (Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Tuấn Ân) nộp 205 tỉ đồng; Gia đình bị can Trần Ngọc Linh (cựu Giám đốc Công ty Điện lực Bình Thuận) hơn 2,3 tỉ đồng; Gia đình bị can Trương Tấn Đạt (cựu Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bình Thuận) hơn 4,1 tỉ đồng…
HL (SHTT)