Một vụ án lừa đảo đầu tư tinh vi vừa bị phanh phui tại Thượng Hải, Trung Quốc gây chấn động dư luận. Dưới danh nghĩa "Toàn dân nuôi bò" và được quảng bá như một mô hình kinh tế chia sẻ đột phá, dự án này đã hút được số tiền khổng lồ từ hàng chục nghìn nhà đầu tư với lời hứa về lợi suất năm lên tới 30%.
Mô hình ảo, lợi nhuận hão
Đứng sau vụ án là nghi phạm chính họ Trương. Đối tượng này đã xây dựng một hệ thống phức tạp, tuyên bố cho phép nhà đầu tư nhận nuôi bò và theo dõi trang trại của mình thông qua hệ thống giám sát đám mây trực tuyến. Mô hình kinh tế chia sẻ này được vẽ ra nhằm tạo cảm giác "nằm không cũng kiếm được tiền" cho các nhà đầu tư.
Để tăng thêm tính xác thực, nhóm này còn mở cửa hàng vật lý tại khu thương mại sầm uất ở Thượng Hải và tuyên bố kinh doanh thịt bò nhập khẩu cao cấp từ các trang trại liên kết tại Australia. Họ giải thích lợi nhuận khủng đến từ việc khai thác chênh lệch giá thịt bò giữa thị trường Australia và Trung Quốc.
Nạn nhân sập bẫy
Nhiều người đã bị thu hút bởi mô hình này, trong đó có bà Ngô. Bà đã đích thân đến cửa hàng tại khu thương mại cao cấp ở quận Từ Hối, Thượng Hải để quan sát thực địa. Ban đầu, bà Ngô chỉ đầu tư một khoản nhỏ 50.000 tệ (khoảng 180 triệu đồng) và rút được cả gốc lẫn lãi một cách thuận lợi. Điều này khiến bà tin tưởng và quyết định tăng thêm vốn đầu tư. Tuy nhiên, khi tới thời điểm tài khoản đáo hạn, thay vì nhận lại tiền mặt, tài khoản trên ứng dụng chỉ hiển thị mục "tồn kho thịt bò". Dù bộ phận chăm sóc khách hàng hứa hẹn sẽ cung cấp thịt bò có giá trị tương đương hoặc giúp ký gửi bán nhưng tiền vẫn không cánh mà bay.
Ông Phạm, một người làm trong ngành tài chính, cũng là nạn nhân của vụ lừa đảo này. Tin vào lời giới thiệu từ Trương và lời hứa hẹn lợi nhuận cao hơn từ dự án nuôi bò theo phương thức kinh tế chia sẻ, ông đã đầu tư hơn 1 triệu tệ (khoảng gần 3,6 tỷ đồng). Ông Phạm được cam kết mỗi con bò đều có thẻ tai và camera giám sát để theo dõi, nhưng cuối cùng cũng chỉ nhận lại báo cáo "tồn kho thịt bò" trên ứng dụng. Ông Phạm bày tỏ sự hối hận vì đã không thực hiện thẩm định kỹ lưỡng trước khi rót tiền.
Khi ngày càng nhiều nhà đầu tư không thể rút tiền, họ đã cùng nhau trình báo cơ quan công an. Cuộc điều tra của phía công an đã phơi bày toàn bộ sự thật đằng sau dự án "Toàn dân nuôi bò". Hóa ra, toàn bộ hệ thống dự án này chỉ là một màn kịch được dàn dựng công phu. Các trang trại ở nước ngoài hoàn toàn không tồn tại, video giám sát là giả mạo (được mua lại) và thịt bò Australia được bán thực chất chỉ là thịt đông lạnh thông thường trên thị trường nội địa.
Bản chất của vụ án là một mô hình Ponzi điển hình (đa cấp kim tự tháp). Số tiền huy động được từ nhà đầu tư không được dùng vào việc nuôi bò hay kinh doanh thực tế mà được sử dụng để trả gốc và lãi cho những người đầu tư trước đó, tạo ra ảo tưởng về lợi nhuận. Chuỗi tiền tệ này chỉ duy trì được cho đến khi không còn đủ tiền từ người mới để trả cho người cũ, dẫn đến sụp đổ.
Cảnh sát đã xác định và bắt giữ nhóm tội phạm gồm nghi phạm Trương và ba đồng phạm khác. Tổng số tiền mà nhóm này huy động trái phép đã vượt quá 500 triệu tệ (khoảng 1.800 tỷ đồng). Hiện tại, vẫn còn hơn 2.000 nạn nhân với tổng số tiền khoảng 40 triệu tệ (khoảng 1.439 tỷ đồng) chưa được thanh toán.
Đáng chú ý, dù đã bị phê chuẩn bắt giữ vì tội huy động vốn trái phép, nghi phạm Trương vẫn kiên quyết từ chối nhận tội. Ông ta biện minh rằng đây chỉ là thất bại trong kinh doanh khởi nghiệp, việc làm của mình chỉ là "mô phỏng mô hình bù đắp cho người dùng" để thu hút vốn niêm yết, chứ không phải cố ý lừa đảo, chỉ là "nhầm đường lạc lối". Tuy nhiên, những lời biện hộ này không thể xoa dịu sự mất mát và phẫn nộ của hàng nghìn nạn nhân đã bị lừa gạt trong vụ án này.
Theo Lê Nguyên (SHTT)