Chính phủ vừa trình xin ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức.
Đáng chú ý, cơ quan soạn thảo đề xuất kể từ 1-1-2020 (ngày luật có hiệu lực), tất cả các trường hợp chưa thực hiện hợp đồng làm việc không xác định thời hạn phải ký kết hợp đồng xác định thời hạn.
Thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho hay, Nghị quyết số 04/NQ-TW Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã đề ra chủ trương “thực hiện chế độ hợp đồng có thời hạn đối với viên chức nhà nước”. Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XII tiếp tục xác định: Thực hiện chế độ hợp đồng viên chức có thời hạn đối với những trường hợp tuyển dụng mới, trừ các đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Dự thảo Luật quy định theo hướng tất cả các trường hợp viên chức được tuyển dụng mới sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực (từ 1-1-2020) sẽ thực hiện ký kết hợp đồng xác định thời hạn nhằm bảo đảm cơ chế cạnh tranh, khắc phục tâm lý “viên chức suốt đời” trong đội ngũ viên chức .
Tuy nhiên, do vấn đề còn có ý kiến khác nhau, Chính phủ cũng trình một phương án khác xin ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là giữ như quy định hiện hành, theo đó đối với viên chức được tuyển dụng mới thì sau khi ký kết hợp đồng xác định thời hạn (tối đa 2 lần) sẽ ký hợp đồng không xác định thời hạn để bảo đảm tâm lý ổn định, tránh cơ chế xin– cho khi đến hạn ký lại hợp đồng.
Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, khi tuyển dụng mới viên chức được ký ngay hợp đồng không xác định thời hạn.
Trình bày ý kiến của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho hay đa số các ý kiến của Uỷ ban này tán thành theo đề xuất của Chính phủ tại dự thảo. “Quy định như vậy bảo đảm thể chế, bám sát yêu cầu của nghị quyết Trung ương, tạo được sự khác biệt căn bản giữa “công chức” và “viên chức”, khắc phục được hạn chế trong quản lý đội ngũ viên chức là “vào dễ, ra khó”, tạo thuận lợi để các đơn vị sự nghiệp công lập lựa chọn viên chức phù hợp với vị trí việc làm”- báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật nêu rõ.
Đồng thời, quy định này đồng thời bảo đảm được cơ chế cạnh tranh, tạo động lực để viên chức đã được tuyển dụng liên tục phấn đấu nâng cao trình độ, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ.
Tuy nhiên, theo ông Định, phương án này sẽ tạo ra sự không thống nhất giữa viên chức được tuyển dụng trước và sau ngày dự thảo Luật này có hiệu lực. Đồng thời, phải sửa đổi, bổ sung quy định về vấn đề này của Bộ luật Lao động theo hướng mở để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Cụ thể, Điều 22 Bộ luật Lao động đang quy định không được ký hợp đồng lao động xác định thời hạn quá 2 lần.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật cũng cho biết một số ý kiến trong Uỷ ban này tán thành với phương án 2. Ý kiến này lập luận rằng quy định như vậy tạo tâm lý yên tâm cho người lao động là viên chức (hợp đồng làm việc), bảo đảm thống nhất với Bộ luật Lao động, bảo đảm sự ổn định, thống nhất trong quản lý viên chức, đồng thời có thay đổi một phần, tạo cơ chế sàng lọc bước đầu.
Tuy nhiên, theo phương án này cần nghiên cứu sửa đổi đồng bộ một số quy định liên quan, bảo đảm mạnh mẽ hơn cơ chế có “đóng”, có “mở” để đề cao vai trò của người sử dụng lao động trong việc lựa chọn người lao động phù hợp với vị trí công việc (như gắn việc đánh giá, phân loại với sử dụng, làm động lực để người lao động luôn nỗ lực, cố gắng). Đồng thời, bảo đảm quyền của người lao động, có thể chấm dứt hợp đồng khi các quyền, lợi ích của mình không được bảo đảm…
“Đối tượng nhà giáo là viên chức bình thường hay là viên chức đặc thù? Quan điểm của Chính phủ xử lý vấn đề này thế nào?”- Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quội Phan Thanh Bình băn khoăn.
Đáp lại, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho hay viên chức là tất cả những người hoạt động trong các đơn vị sự nghiệp công lập, không có phân biệt nhà giáo hay đối tượng đặc thù khác. Theo ông, chính sách đặc thù là quy định riêng ở những vùng đặc biệt khó khăn và chính sách riêng theo từng dự án luật của các bộ, ngành.
“Viên chức trong luật này nói chung và viên chức trong ngành giáo dục, y tế hay các ngành công lập khác đều như nhau”- ông Tân khẳng định.
Điều 25. Các loại hợp đồng làm việc
1. Hợp đồng làm việc xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 36 tháng.
Hợp đồng làm việc xác định thời hạn áp dụng đối với người mới trúng tuyển vào viên chức.
Kể từ ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực, tất cả các trường hợp chưa thực hiện hợp đồng làm việc không xác định thời hạn phải ký kết hợp đồng xác định thời hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng. Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn áp dụng đối với trường hợp sau đây:
a) Viên chức đã ký kết hợp đồng làm việc xác định thời hạn trước ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực;
b) Cán bộ, công chức chuyển thành viên chức theo quy định tại điểm d và điểm đ Khoản 1 Điều 58 của Luật này;
c) Viên chức đã thực hiện xong hợp đồng làm việc xác định thời hạn tại các đơn vị sự nghiệp công lập ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.”.
(Trích dự thảo)
Theo Đức Minh (Pháp Luật TPHCM)