Bộ Nội vụ vừa có tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Viên chức.
Đề cập đến nhóm vấn đề tuyển dụng và thu hút, trọng dụng nhân tài, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, theo quy định tại Điều 39, Luật Cán bộ, công chức thì việc tuyển dụng và phân cấp tuyển dụng công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý được giao cho cơ quan quản lý công chức (các bộ, ngành, địa phương).
Trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nội vụ nghiên cứu, đổi mới phương thức tổ chức thi tuyển công chức, khuyến khích áp dụng hình thức thi trên máy vi tính để bảo đảm khách quan, công bằng, hạn chế tiêu cực.
Từ đó dẫn tới kết quả thu hút trí thức trẻ và người có trình độ cao còn nhiều hạn chế.
Cùng với đó, Bộ Nội vụ cũng cho rằng, việc thi nâng ngạch công chức chưa thay đổi căn bản theo đúng mục đích, yêu cầu, chưa thực sự làm thay đổi về nghĩa vụ, trách nhiệm công vụ của người được nâng ngạch.
Ở nhiều nơi, việc thi nâng ngạch vẫn nhằm giải quyết chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức.
Công tác thi nâng ngạch cũng chưa bảo đảm tính cạnh tranh, còn nhiều bất cập về chất lượng của các kỳ thi, chất lượng của người được nâng ngạch.
Các quy định về ngạch bậc và quy định về vị trí việc làm gắn với tiền lương còn chưa rõ ràng, dẫn tới rất khó triển khai trên thực tế, chưa phát huy hiệu quả, tạo áp lực lớn cho ngân sách nhà nước.
Thậm chí, công tác tuyển dụng, thi nâng ngạch công chức, viên chức còn nhiều hạn chế, chất lượng chưa cao, chưa đồng đều, có nơi còn xảy ra sai phạm, tiêu cực.
Từ những bất cập trên, giải pháp được Bộ Nội vụ đưa ra là sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể hơn về lựa chọn và phương thức sử dụng nhân tài theo hướng phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào đặc thù ngành, lĩnh vực quản lý quy định cụ thể việc thu hút nhân tài, thu hút đội ngũ viên chức có chuyên môn, nghiệp vụ giỏi vào làm việc trong cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị và trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Đồng thời sẽ mở rộng diện thi tuyển đối với chức vụ quản lý, lãnh đạo (công chức lãnh đạo) trong cơ quan làm việc theo chế độ thủ trưởng.
Tuy nhiên, theo Bộ Nội vụ, việc chấp hành các quy định về công tác tuyển dụng công chức tại một số bộ, ngành, địa phương chưa nghiêm, còn để xảy ra nhiều sai phạm trong quá trình tuyển dụng công chức; chưa thực sự tuyển dụng được người đáp ứng được các yêu cầu của vị trí việc làm; chưa gắn thẩm quyền của người trực tiếp sử dụng lao động với thẩm quyền quyết định tuyển dụng...
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đã đưa ra chủ trương tiếp tục đổi mới công tác tuyển dụng theo hướng thống nhất việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức để các địa phương, cơ quan, đơn vị lựa chọn, tuyển dụng theo yêu cầu, nhiệm vụ; đồng thời, nghiên cứu phân cấp kiểm định theo lĩnh vực đặc thù và theo vùng, khu vực.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng cho rằng, thực trạng về đào tạo và thu hút nhân tài vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức thuộc bộ máy hệ thống chính trị cũng đang đặt ra nhiều vấn đề cần sửa đổi, bổ sung về mặt chính sách. Điều 6, Luật Cán bộ, công chức quy định: Nhà nước có chỉnh sách đế phát hiện, thu hút, bồi dưỡng, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng.
Chính phủ quy định cụ thể chính sách đối vởi người có tài năng.
Căn cứ quy định của Luật Cán bộ, công chức, Chính phủ, các địa phương đã ban hành nhiều văn bản quy định các chính sách thu hút nhân tài.
Cụ thể, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 140, quy định về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ làm việc tại các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội từ trung ương đến cấp huyện; các đơn vị sự nghiệp công lập và lực lượng vũ trang.
Hay một số địa phương như Thành phố Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng... đều có những văn bản riêng quy định về chế độ thu hút nhân tài áp dụng tại địa phương mình.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy các quy định hiện hành chưa đáp ứng nhu cầu về sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, chưa có trọng tâm, trọng điểm và chiến lược dài hạn về đào tạo, thu hút, sử dụng nhân tài.
Các quy định về thu hút nhân tài chủ yếu là ưu tiên về tuyển dụng đầu vào mà chưa tạo cơ chế, môi trường độc lập, sáng tạo để họ có điều kiện thực sự phát huy tài năng, sở trường trong công tác.
Theo Luân Dũng (Tiền Phong)