"Đó là văn hóa của cả nhân loại rồi, sao lại đưa lên đoạn đầu đài?"
Sáng 23/5, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Cũng phát biểu tranh luận, ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ QH có dấu ấn quá nặng của Bộ Y tế, thậm chí là "không công bằng" và ông cũng đặt câu hỏi "đó là văn hóa của cả nhân loại rồi, sao lại đưa lên đoạn đầu đài?"
Theo đại biểu Dương Trung Quốc, nếu cứ tiếp cận cách này, dự luật sẽ "vừa đi vào không thực tế, không khả thi, vừa đi ngược xu thế chung".
Bày tỏ đồng ý với việc Luật Phòng chống tác hại của rượu bia phải ra lúc này và cần nhận thức mặt trái của rượu bia, nhưng đại biểu Dương Trung Quốc cho hay, điểm yếu nhất hiện nay là năng lực quản lý, kiểm soát, năng lực quản lý của Nhà nước, tự kiểm soát mình, chứ không phải việc siết chặt các quy định, tăng hình phạt.
“Câu hỏi lần trước tôi đã hỏi, Bộ trưởng Y tế chưa trả lời. Chúng ta xếp thứ 3 (về mức sử dụng rượu bia ở khu vực châu Á - PV), vậy thứ nhất, thứ 2 là ai? Họ có phải nước lạc hậu không? Liệu Bộ Y tế còn sản xuất rượu bổ không?
Các sản phẩm ấy có gắn hình ảnh tai nạn giao thông vì rượu không, như cách chúng ta đối xử với thuốc lá, với ma túy?”, đại biểu Dương Trung Quốc đặt câu hỏi.
Ông cũng cho rằng, “nếu chúng ta thông qua luật thì việc đầu tiên là thôi xem bóng đá đi, vì Heineken là tài trợ cho bóng đá Ngoại hạng Anh.
Người dân rất cần sức khỏe, nhưng họ vẫn thức đêm xem đá bóng. Sức khỏe ở đây không thuần túy về sức khỏe tâm trạng mà tinh thần. Đừng cực đoan sẽ có hiệu quả xã hội. Vì vậy mong chúng ta nhìn nhận hết sức khách quan, đừng cực đoan, cục bộ".
ĐB Bùi Văn Xuyền trong phần tranh luận cũng cho rằng, có cảm giác các đại biểu coi ngành "sản xuất rượu bia như tội đồ".
"Tôi không phải trong ngành nhưng tôi thấy có gì đó không công bằng... Sử dụng rượu bia là văn hóa ngàn đời nay, ứng xử văn hóa chứ luật không phải giải pháp tối ưu", ông Xuyền nói.
Cũng phát biểu tranh luận ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc phòng, chống tác hại của rượu, bia trong điều kiện hiện nay mới nêu được vấn đề cơ bản, bao gồm kinh phí, đào tạo bồi dưỡng, xử lý vi phạm, còn chưa thể hiện được căn bản của vấn đề.
"Căn bản của vấn đề chính là xây dựng văn hóa, vấn đề quan trọng nhất là nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, đạo đức xã hội, ý thức với bản thân, gia đình và cộng đồng. Nếu chúng ta làm được như thế thì mới xóa bỏ được thói quen và tập tục cũ lạc hậu.
Câu chuyện nhậu nhẹt, bắt ép nhau uống thế này, thế kia sẽ bị loại bỏ, thay vào đó là văn hóa mới.
Ví dụ, như đưa vào những quy tắc, quy chuẩn khi uống rượu, bia, thói quen thanh lịch trong uống rượu bia mà trên thế giới đang làm. Chúng ta phải có quy định rõ ràng, chứ không phải quy định tuyên truyền, giáo dục một cách chung chung", ĐB Lưu Bình Nhưỡng nói.
"Có người uống một ly đã tắt thở nhưng có người uống cả lít vẫn bình thường"
Nêu ý kiến phát biểu, đại biểu Ksor H’Bơ Khăp (tên thường gọi Ksor Phước Hà, Trưởng Công an Thị xã Ayun Pa (Gia Lai)) bày tỏ quan điểm hoàn toàn ủng hộ việc phòng, chống tác hại của rượu bia, tuy nhiên bà cho rằng đối với nội dung của dự thảo Luật, bà thấy tính khả thi không cao khi đưa áp dụng trong cuộc sống.
Nói về các hành vi bị nghiêm cấm, dự thảo Luật quy định cấm quảng cáo rượu, bia từ 15% độ cồn trở lên, nữ đại biểu đặt vấn đề, rượu, bia dưới 15% độ cồn thì sao?.
"Việc tác hại của rượu bia đối với mỗi người là phụ thuộc vào thể trạng của họ, kể cả khi đo nồng độ cồn. Khi đưa một lượng rượu, bia vào mỗi người rồi đưa lên máy đo nồng độ cồn thì kết quả của mọi người như nhau.
Có người uống một ly đã tắt thở nhưng có người uống cả lít vẫn bình thường. Ngay cả đứa trẻ uống rượu vào không sao nhưng đối với người trưởng thành uống vào lại có vấn đề về sức khỏe", ĐB Ksor H’Bơ Khăp nói.
ĐB nêu lấy ví dụ từ bản thân: "Tôi ngay từ bé đã uống rượu, bởi sống ở làng, làng làm lễ cúng thì phải uống, tôi uống vào nhưng vẫn bình thường, không sao".
Vẫn theo ĐB Ksor H’Bơ Khăp, về quy định cấm ép buộc người khác uống rượu bia, xúi giục, kích động, lôi kéo, cho người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia…, bà thấy không khả thi.
Bệnh cạnh đó, theo nữ ĐB, đặt vấn đề người chưa đủ 18 tuổi mà ép buộc một người lớn hơn mình uống rươu, bia, so với thực tiễn không phù hợp.
ĐB Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) đặt vấn đề quanh quy định về quảng cáo. Theo ĐB này, nếu xác định kiểm soát quảng cáo để có tác động bảo vệ nhóm thanh thiếu niên cần chú trọng 2 vấn đề.
Trước hết, hạn chế đến mức thấp nhất số lượng các em tiếp xúc với quảng cáo rượu bia và nước uống có cồn. Cùng với đó, kiểm soát nội dung quảng cáo, nghĩa là làm sao cho các em không bị lầm tưởng rằng rượu bia là tốt, là được khuyến khích sử dụng.
Nữ ĐB dẫn chứng, qua khảo sát nhóm trẻ em từ 12 đến 16 tuổi về các loại thức uống hiện nay mà các em thường dùng, thì có tới 83% ý kiến trong phần liệt kê đã nhắc nhiều đến một số đồ uống có cồn.
"Có đến 87,6% ý kiến các em không nhận biết được đó là đồ uống có nồng độ cồn từ 4,5% trở lên. 70% số trẻ em khi được hỏi về cảm giác sau khi uống đều trả lời rằng "con thấy hơi lâng lâng" hoặc "con thấy hơi chóng mặt, tim đập nhanh".
Nhưng nguy hại ở chỗ, gần 80% trẻ đều lựa chọn có thể vẫn tiếp tục dùng vì nó được giới thiệu, quảng cáo là "nước trái cây có ga" hoặc "nước hoa quả lên men".
Điều này có phần trái với việc nghiêm cấm "cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu bia đối với sức khỏe" được quy định tại điều 5 của dự Luật này", ĐB Hiền nói.
Theo Hoàng Đan (Soha/Trí Thức Trẻ)