Hệ lụy từ 'cường quốc' rượu bia

23/05/2019 09:26:04

Việt Nam được đánh giá là "cường quốc" về sử dụng rượu, bia; hàng loạt hệ lụy về sức khỏe, tai nạn giao thông, bạo lực gia đình cũng sinh ra từ đây.

Hôm nay (23-5), Quốc hội thảo luận dự án Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia (PCTHCRB) và dự kiến biểu quyết thông qua vào ngày 14-6. Sau nhiều lần đóng góp ý kiến, sức mạnh của các quy định trong dự luật không những không tăng lên mà còn bị làm yếu đi rất nhiều.

Ám ảnh "ma men" lái xe, ung thư

Số liệu được Bộ Y tế công bố cho thấy tỉ lệ người Việt Nam uống rượu, bia thuộc hàng cao nhất thế giới với 80,3% nam giới và 11,6% nữ giới. Việt Nam hiện đứng thứ 2 các nước Đông Nam Á, thứ 10 châu Á và đứng thứ 29 thế giới về tiêu thụ rượu, bia. Tốc độ tiêu thụ rượu, bia ở Việt Nam tăng phi mã và vượt mọi dự đoán khi năm 2018 đã đạt 4,67 tỉ lít bia, cao hơn cả dự báo của năm 2025.

Hệ lụy từ 'cường quốc' rượu bia
Năm 2018, người Việt Nam tiêu thụ 4,67 tỉ lít bia Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế - thành viên Ban Soạn thảo Luật PCTHCRB, cho hay với bảng "chỉ số xếp hạng" như trên, nhiều chuyên gia ví von Việt Nam đứng vào nhóm "cường quốc" sử dụng rượu, bia. Hậu quả nhãn tiền là góp phần gây nên tình trạng tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng. "Nghiên cứu trên 100 người tử vong do TNGT có liên quan đến rượu, bia được thực hiện tại 2 bệnh viện lớn ở Hà Nội cho thấy 82% bệnh nhân TNGT có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép. Hơn một nửa nạn nhân trong độ tuổi 15-29, hầu hết là nam giới" - bà Trang thông tin.

Một hậu quả nặng nề khác là về mặt sức khỏe. TS Kidong Park, Trưởng Đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, nhấn mạnh: "Nhiều nghiên cứu trên thế giới chứng minh sử dụng rượu, bia có mối quan hệ nhân quả với 7 loại ung thư như vú, vòm họng, tế bào vảy thực quản, gan, dạ dày, đại tràng, trực tràng... Rượu, bia cũng có mối liên hệ với khoảng 30 loại ung thư khác nhau như tụy, máu, tế bạch hầu; gây rối loạn chuyển hóa dẫn đến bệnh tiểu đường, mỡ máu, huyết áp...".

Chưa kể, rượu và bia còn gây ra các hệ lụy xã hội nặng nề như gây bất ổn an ninh, tệ nạn, tội phạm. Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) bày tỏ mối quan tâm đến tác hại của bia, rượu dưới góc độ bạo lực gia đình, ảnh hưởng nhân cách trẻ em…

"Không trẻ em nào có người thân, cha mẹ nghiện rượu, lạm dụng rượu, bia có một tuổi thơ yên bình; ngược lại luôn phải đối mặt với sự thiếu quan tâm, chăm sóc, giáo dục. Chưa kể, điều kiện và môi trường sống của trẻ sẽ luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, thiệt thòi về kinh tế, sự nghèo nàn sẽ góp phần cướp đi nhiều cơ hội học tập và phát triển" - bà Hiền chỉ rõ.

Những thay đổi khó hiểu

Không thể phủ nhận tác hại của bia, rượu ở hàng loạt khía cạnh, song điều đáng lo ngại là bản dự thảo mới nhất của Luật PCTHCRB lại "buông" nhiều quy định nhằm kiểm soát tình trạng tiêu thụ bia, rượu quá mức.

Chẳng hạn, dự thảo luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 12-4 quy định không được quảng cáo bia, rượu trên báo hình, báo nói trong thời gian từ 18 đến 21 giờ hằng ngày; ngay trước, trong và sau các chương trình dành cho trẻ em trên báo hình, báo nói.

Đến dự luật trình ngày 13-5, khung thời gian bị cấm quảng cáo đã rút xuống từ 19 đến 20 giờ hằng ngày. Ngoài ra, yêu cầu khoảng cách 500 m tính từ phương tiện quảng cáo đặt ngoài trời đến cổng của cơ sở giáo dục, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành cho người chưa đủ 18 tuổi cũng không được nêu rõ trong dự luật mới nhất. Nghiêm trọng hơn, dự luật ban đầu do Chính phủ đề xuất nêu rõ cấm quảng cáo rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên dưới mọi hình thức, còn dự luật mới nhất đã bỏ bia khỏi quy định cấm.

Với những thay đổi trên, các ý kiến cho rằng dự luật đã không còn đủ sức mạnh để thực hiện mục tiêu ban đầu. Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền tỏ ra ngạc nhiên khi dự luật có phần vô tình xem nhẹ sức khỏe của người tiêu dùng, gần như đi ngược với "khoa học quản lý chất gây nghiện đối với đời sống con người". Đặc biệt, theo bà Hiền, lý do "đồ uống có cồn" không được đưa vào dự luật chỉ vì đây là "cụm từ chưa được sử dụng phổ biến trong xã hội" - là chưa hợp lý.

"Trên thực tế, các loại bia chiếm áp đảo thị trường trong nước hiện nay đa số có độ cồn từ 4,2%-5%. Tài liệu của WHO nêu rõ bia đang là đồ uống phổ biến ở Việt Nam và trong tình hình các nhà sản xuất quảng cáo, tiếp thị bia rộng rãi như hiện nay thì bia là lựa chọn chính khi giới trẻ bắt đầu làm quen với đồ uống có cồn. Vì vậy, tôi đề nghị quy định độ cồn từ 4% trở lên thay cho mốc 5,5% và khung giờ quảng cáo cần phải điều chỉnh lại từ 18-21 giờ thay cho quy định hiện tại của dự luật" - bà Hiền phân tích.

Nữ đại biểu Quốc hội này cũng không đồng tình với việc dự luật bỏ quy định cấm bán rượu trên 15% độ cồn trên internet bởi có thể tác động đến trẻ em khi tiếp xúc với không gian mạng. "Không một quốc gia nào phát triển bền vững, thịnh vượng mà lực lượng rường cột suốt ngày chìm ngập trong hơi men. Vì vậy, luật phải đưa ra các biện pháp ngăn chặn mạnh mẽ việc bán và cung cấp rượu, bia cho trẻ vị thành niên" - bà Hiền đề nghị.

TS Kidong Park cho rằng không có ngưỡng an toàn đối với sức khỏe trong sử dụng rượu, bia. Ông nói: "Có một số ý kiến cho rằng nếu uống bia thì ít gây hại cho sức khỏe hơn so với uống rượu. Đây là quan niệm sai lầm bởi tác hại của rượu, bia không phụ thuộc vào loại hình đồ uống mà phụ thuộc vào tổng lượng cồn tiêu thụ và tần suất sử dụng. Một lon 330 ml bia với nồng độ cồn 4% tương đương 1 ly rượu vang 13,5 độ hoặc 1 chén rượu mạnh (30 ml)". Do đó, trong quy định nên định lượng theo nồng độ cồn thay vì quy định loại hình sản phẩm.

Sao không đánh thuế mạnh rượu, bia?

GS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) đánh giá việc không đề cập biện pháp quản lý rượu, bia bằng công cụ thuế là không thỏa đáng, bởi đây vừa là mặt hàng gây hại cho sức khỏe vừa xếp vào nhóm xa xỉ. Thực tế, tỉ lệ thuế trong giá thành bia, rượu của Việt Nam so với nước ngoài còn thấp, dẫn đến giá bán rẻ. Do đó, về mặt kinh tế, cần đánh thuế mạnh hơn nữa để tăng giá sản phẩm nhằm điều tiết tiêu dùng. Việc đánh thuế mạnh vào mặt hàng này cũng là giải pháp tăng nguồn thu chính đáng, thay vì tận thu ở các mặt hàng thiết yếu khác.

Đồng quan điểm, nguyên đại biểu Quốc hội Bùi Đức Thụ cho biết trên thực tế, ngay cả thu thuế cũng không đủ bù đắp chi phí y tế chữa trị cho người nghiện rượu. Do vậy, cần nhất quán về quan điểm sử dụng đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp chống tác hại của bia, rượu. Giải pháp nào cũng cần đánh giá tính thực tiễn, khả thi, tránh quy định trên giấy và nên học theo kinh nghiệm quốc tế. "Với giải pháp tăng thuế, theo tôi đây là giải pháp cũ nhưng vẫn hiệu quả. Sắc thuế cần tiếp tục đánh cao hơn nữa là thuế tiêu thụ đặc biệt. Song cũng cần lường trước tình huống các đối tượng kinh doanh lợi dụng để trốn, lậu thuế" - ông Thụ nói.

Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền cho biết bà rất tâm tư khi có ý kiến phản ánh quá trình xây dựng luật đã có sự tác động không nhỏ từ các hiệp hội, doanh nghiệp rượu, bia trong và ngoài nước theo xu hướng tránh ảnh hưởng đến lợi ích của doanh nghiệp.

"Mặc dù hiểu và chia sẻ với báo cáo giải trình của Thường vụ Quốc hội về vấn đề này nhưng tôi rất muốn giữ lại phương án trong dự thảo cũ mà Chính phủ đã trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 6. Tôi mong đợi dự luật mới nhất sẽ đề cập nội dung liên quan đến nhóm chính sách về thuế và quản lý giá" - bà Hiền nêu quan điểm và phân tích thêm: "Đây là nhóm biện pháp chia sẻ với những chi phí bất hợp lý mà xã hội, người dân và nhà nước đang phải gánh chịu do tác hại của rượu, bia gây ra; thay vì nhắm đến việc tăng thuế và giá cả các mặt hàng thiết yếu khác". 

Theo Tạp chí y khoa Lancet (Anh), tổng lượng tiêu thụ rượu, bia trên toàn cầu mỗi năm tăng từ 21 tỉ lít trong năm 1990 lên 35,7 tỉ lít vào năm 2017 (70%). Việt Nam là quốc gia có mức tăng tiêu thụ rượu, bia nhiều nhất thế giới, gần 90% kể từ năm 2010.

Nhiều nước siết luật về tiêu thụ thức uống có cồn

Tại Thái Lan, độ tuổi hợp pháp đối với cả người mua và uống rượu là 20 tuổi. Chính quyền Thái Lan cấm bán rượu gần các đền chùa, bệnh viện, trường học và công viên. Khung giờ cấm bán rượu tại nước này là từ 14 giờ đến 17 giờ. Còn tại Singapore, 18 tuổi được phép uống rượu, bia nhưng cấm sử dụng các chất có cồn ở nơi công cộng từ 22 giờ 30 phút đến 7 giờ hôm sau trên cả nước. Tình trạng say rượu nơi công cộng không được chấp nhận ở Singapore, bất kỳ ai bị bắt gặp say xỉn gây rối nơi công cộng đều có thể bị phạt tù.

Nghiêm ngặt hơn, sử dụng và mua bán rượu, bia bị xem là bất hợp pháp ở Brunei. Riêng du khách nước ngoài được phép mang vào nước này 2 chai rượu hoặc 12 lon bia trong vòng 48 giờ nhưng phải uống tại nơi ở chứ không được tiêu thụ tại nơi công cộng.

Không chỉ quy định về độ tuổi mua và sử dụng thức uống có cồn, nhiều nước trên thế giới còn đặt ra khung hình phạt nặng đối với những vi phạm về an toàn giao thông liên quan đến rượu bia. Điển hình là ở Nhật Bản, với nồng độ cồn từ 30 mg/100 ml máu, người điều khiển xe có thể bị phạt tù lên tới 5 năm và phạt tiền 10.000 USD. Trong trường hợp phương tiện của tài xế say rượu chở theo hành khách thì hành khách đi cùng cũng bị phạt tiền hoặc truy tố vì không ngăn cản người say rượu điều khiển xe.

Còn tại Singapore, các mức phạt sẽ được quy định dựa trên hai yếu tố, sự nguy hiểm của hành vi và nồng độ cồn của tài xế. Những lỗi nặng nhất hoặc tái phạm có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm, kèm theo đó là mức phạt tiền từ 16 đến hơn 84 triệu đồng".

Xuân Mai

Ý KIẾN 

GS-TS ĐINH TRỌNG THỊNH:

Chưa nên bấm nút thông qua

Theo thống kê, quốc gia cấm quảng cáo bia, rượu có lượng tiêu thụ thấp hơn 10% so với nước không cấm. Rõ ràng, cấm quảng cáo là biện pháp hoàn toàn có tác dụng. Trong khi đó, chúng ta thiết kế luật lại chỉ cấm quảng cáo ở khung 19-20 giờ là rất không thỏa đáng, bởi đây là khung giờ phát sóng chương trình thời sự, tất nhiên không có quảng cáo. Cấm như vậy khác nào không cấm! Luật này theo tôi chưa nên bấm nút thông qua để bàn lại. Nếu thông qua, đòi hỏi quy định phải đủ sức mạnh và không để bị ảnh hưởng bởi nhóm lợi ích nào.

Bác sĩ PHẠM THỊ HOÀNG ANH, nguyên Giám đốc Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam:

Người nổi tiếng góp phần quảng bá rượu, bia

Dự Luật PCTHCRB cần bổ sung quy định nghiêm cấm các hành vi quảng cáo bán rượu, bia. Tôi rất buồn khi hằng ngày vẫn phải xem những quảng cáo rượu, bia rất hoành tráng, thậm chí còn có sự góp mặt của những người nổi tiếng, có ảnh hưởng lớn tới người trẻ. Một số người cố tình gắn văn hóa với rượu, bia để bảo vệ lợi ích cá nhân và tổ chức sản xuất bia, rượu.

TS TRẦN TUẤN, Trưởng Ban Điều phối Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm:

Vận động kiểu "đánh rắn khúc giữa"

Gần đây có phong trào vận động "Đã uống rượu bia thì không lái xe" nhưng đây chỉ là biện pháp "đánh rắn khúc giữa", không triệt được hậu quả. Bởi sự thật là không có ngưỡng an toàn cho rượu, bia và đã uống là bập vào chất gây nghiện. Phải xây dựng Luật PCTHCRB tuân thủ theo đúng cơ sở khoa học quản lý chất gây nghiện, gây ung thư như WHO đã khuyến cáo. Tôi rất xót xa khi dự Luật PCTHCRB được phát triển trong 2 năm qua, tốn không biết bao nhiêu công sức vậy mà ngày càng xa khoa học và kinh nghiệm quốc tế, đến mức phiên bản hiện tại thực chất chỉ còn là hình thức có luật.

Bà TRẦN THỊ QUỐC KHÁNH, Đại biểu Quốc hội (Hà Nội):

Mong đại biểu Quốc hội lên tiếng mạnh mẽ

Nếu tiếp tục để luật này lại và chưa thông qua vào tháng 6 tới đây thì sẽ ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng luật của QH. Nhưng nếu bấm nút thông qua, tôi tha thiết mong các đại biểu lên tiếng đòi hỏi mạnh mẽ các quy định trong luật phải đủ sức để giảm thiểu được tác hại của bia, rượu đến sức khỏe, nhân phẩm con người cũng như kinh tế.

Bia hay rượu đều phải được nhìn dưới góc độ là đồ uống có cồn, không thể chỉ cấm quảng cáo rượu mà không cấm bia. Thực tế cho thấy nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc có nguyên nhân từ việc tài xế uống bia nhiều quá mức cho phép. Đề nghị bổ sung quy định cấm quảng cáo, khuyến mại sản phẩm đồ uống có cồn.

Theo Phương Nhung - Ngọc Dung (Nld.com.vn)