Sáng 23/5, Quốc hội thảo luận trên hội trường về dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Ngay từ những lượt phát biểu đầu tiên, các đại biểu Quốc hội đã bày tỏ quan điểm băn khoăn, lo ngại khi hầu hết chế định mạnh kiểm soát rượu, bia đã bị bỏ ra ngoài.
Ai cũng có thể trở thành tội phạm vì rượu bia
Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) cho rằng nếu dùng rượu bia mà không thể kiểm soát những tác hại của nó thì bất kỳ ai cũng có nguy cơ trở thành nạn nhân, thậm chí là trở thành tội phạm.
Nữ đại biểu bày tỏ băn khoăn về nhóm giải pháp có tính ngăn ngừa trong dự thảo luật mới nhất. “Liệu nó đã đủ tạo nên rào cản vững chắc để giải quyết vấn đề ưu tiên thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với trẻ em, thanh niên hay chưa”, bà Hiền đặt câu hỏi.
Với quy định về quảng cáo, theo bà Hiền, nếu xác định kiểm soát quảng cáo để có tác động bảo vệ nhóm thanh thiếu niên thì cần chú trọng 2 vấn đề: hạn chế đến mức thấp nhất số lượng các em tiếp xúc với quảng cáo rượu bia và nước uống có cồn; và kiểm soát nội dung quảng cáo, làm sao cho các em không bị lầm tưởng rằng rượu bia là tốt, là được khuyến khích sử dụng.
Chưa hài lòng với tính dự báo trong dự thảo luật, đại biểu Hiền cho rằng tính dự báo ấy vô tình xem nhẹ sức khỏe người tiêu dùng, trong khi có vẻ chủ ý bắt nhịp kịp thời với sự phát triển nhanh, mạnh của nền công nghiệp rượu, bia.
Bà Hiền nêu thực tế, các loại bia chiếm áp đảo thị trường trong nước hiện nay đa số có độ cồn từ 4,2 đến 5%. Đây cũng là lựa chọn chính khi giới trẻ bắt đầu làm quen với đồ uống có cồn.
Vì vậy, bà Hiền đề nghị quy định độ cồn từ 4% trở lên thay cho mốc 5,5% trong dự thảo. Bà cũng thẳng thắn chia sẻ “dự thảo mới nhất này không phục vụ cho mục tiêu phòng chống tác hại của rượu bia”.
Đối với biện pháp hạn chế, kiểm soát trẻ em mua rượu bia, đại biểu này cho biết bất ngờ khi dự thảo này không còn quy định cấm bán rượu trên 15% độ cồn trên Internet. Bà đề nghị cần bổ sung cấm bán cả rượu, bia trên Internet.
Theo nữ đại biểu tính Phú Yên, luật phải có sự minh định rõ ràng, tính đến yếu tố khả thi khi áp dụng chứ không thể thiếu sự mạch lạc, ít nhất là với các điều khoản có tác động, ảnh hưởng đến đối tượng trẻ em, vị thành niên.
“Chúng ta không thể “hồn nhiên” loại bỏ yếu tố quan trọng nhưng lại “hăm hở” đưa vào các điều “cấm” mà thực tế lại không diễn ra”, bà Hiền lưu ý.
Các chế định xương sống "bị đẩy ra ngoài"
Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) chung quan điểm cho rằng các chế định được xem là xương sống của luật như cấm quảng cáo rượu bia, cấm bán rượu bia trên Internet hay quy định giờ cấm bán... đều bị đẩy ra ngoài.
Nói về dự án luật này, theo ông, đang có sự giằng xé giữa lợi ích kinh tế và sức khỏe cộng đồng.
Một trong những quy định bị đẩy ra khỏi dự luật là cấm bán rượu bia từ 15 độ cồn trở lên trên Internet.
“Thật lạ là báo cáo giải trình chỉ đề nghị cân nhắc điều cấm này vì không hợp thông lệ, tạo rào cản phát triển của các doanh nghiệp mà quên cân nhắc nguy cơ, tác hại đến trẻ em, một đối tượng yếu thế của xã hội”, ông Nhân nói.
Bên cạnh đó, quy định quảng cáo bia từ 15 độ trở lên lại được thay bằng hình thức nhẹ nhàng hơn là quản lý việc khuyến mại bia dưới 5,5 độ cồn và từ 5,5 độ cồn trở lên.
Ông Nhân phân tích, luật quy định không quảng cáo bia từ 5,5 độ cồn trong các chương trình hoạt động thể thao, văn hóa, sân khấu điện ảnh… Tức là bia dưới 5,5 độ cồn sẽ được quảng cáo trong các chương trình trên.
Ông băn khoăn không biết vô tình hay hữu ý luật lại để bia dưới 5,5 độ cồn “nghiễm nhiên nằm trong vùng an toàn của việc quảng cáo”.
Nhắc đến tình trạng xuống cấp về đạo đức xã hội mà có nguyên nhân từ rượu, bia, đại biểu tỉnh Bình Dương đặt vấn đề “chúng ta phẫn nộ, lên án các tác hại của rượu bia, thì tại sao lại kỳ kèo mặc cả với lương tâm của mình khi đủ sáng suốt và thẩm quyền để giảm thiểu vấn đề trên?".
Cho rằng dự thảo có thể hoàn chỉnh về kỹ thuật lập pháp, nhưng theo ông Nhân, có lẽ dự thảo luật chưa hoàn chỉnh cả về tư duy và trách nhiệm trong sứ mệnh chăm lo sức khoẻ nhân dân.
“Chi phí cho ra đời luật không nhỏ từ tiền thuế của nhân dân, nhưng luật ra đời không phục vụ đúng lợi ích của nhân dân thì không đảm bảo tính đại diện lợi ích chung của xã hội mà nhà lập pháp từng cam kết trước đồng bào cử tri khi tranh cử”, ông Nhân nói.
Theo ông, luật phục vụ nhân dân chứ không phục vụ bất cứ nhóm lợi ích nào khác. Do đó đề nghị rà soát, điều chỉnh ngưỡng độ cồn từ 4-5 độ thay vì từ 5,5 độ như dự thảo, kể cả ở những điều khoản về khuyến mãi.
Vị đại biểu này cũng lưu ý, đừng để đạo luật đầy tính nhân văn lại thành công cụ đảm bảo “ngôi vương” trong tiêu thụ rượu bia.
Theo Hoài Thu (Tri Thức Trực Tuyến)