Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho rằng, hiện thực cuộc sống trong thời gian gần đây đang xảy ra những câu chuyện động trời, khó tin, những hành vi mất nhân tính như: lấy than củi tre làm thuốc trị ung thư, cà phê trộn pin, cô giáo phạt học sinh uống nước giặt rẻ lau bảng, bảo mẫu bạo hành dã man trẻ em trong các trường mầm non, các vụ thảm án giết người dã man gây chấn động dư luận,... và còn nhiều câu chuyện buồn khác.
“Cử tri lo lắng, ước gì đời sống kinh tế vật chất được như hiện nay còn đạo đức xã hội được như ngày xưa”, đại biểu Cầu trăn trở, và cho rằng nguyên nhân của thực trạng trên có nhiều, nhưng cốt yếu nhất là sự xuống cấp của đạo đức, buông lỏng quản lý của nhà nước. Vị đại biểu là Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần có giải pháp cứng rắn, mạnh tay ngăn chặn, đẩy lùi những hành vi mất nhân tính kể trên, càng nhanh càng tốt.
Cảnh báo ‘khoảng lặng’ GDP
Ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ và những thành tựu trong phát triển kinh tế một cách ngoạn mục năm 2017, khi tăng trưởng vượt kế hoạch, lần đầu tiên có 12/13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, nhưng đại biểu Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) vẫn chỉ ra nhiều “khoảng lặng” trong bức tranh tăng trưởng này.
Thứ nhất, đại biểu nêu thực tế, nếu khai thác dầu thô không vượt kế hoạch đầu năm thêm 1,29 triệu tấn thì chúng ta không đạt kế hoạch tăng trưởng. “1 triệu tấn dầu thô đóng góp thêm 0,2% đến 0,3% điểm tăng trưởng, nên nếu không có lượng dầu thô đó, tăng trưởng chỉ đạt 6,4 - 6,6%”, đại biểu Hàm nêu rõ.
Theo đại biểu Hàm, rõ ràng tăng trưởng vượt mục tiêu nhưng tăng trưởng nội lực không đạt kỳ vọng và đây là khoảng lặng của tăng trưởng 2017 cần được nhìn nhận.
Đại biểu cũng chỉ ra việc nhân tố tạo nên bứt phá năm 2017 không được duy trì bền vững, khi quý 1.2018 tăng trưởng đột biến, nhưng các quý sau lại giảm dần. “Diễn biến này không theo diễn biến thông thường là quý 1 tăng trưởng thấp và tăng dần quý sau; mà nó giống diễn biến năm 2008 khi kinh tế trong nước bất ổn, lạm phát phi mã lên đến 20%, kinh tế thế giới khủng hoảng”, ông Hàm nêu quan sát của mình.
Đại biểu Hàm cũng cho rằng việc chúng ta tăng trưởng nhờ gia công có dấu hiệu đậm nét hơn, gia công lắp ráp điện tử, máy tính tăng trưởng 32,7%, gấp 2,25 lần công nghiệp chế biến, chế tạo. Chế biến chế tạo bằng nguồn nguyên liệu trong nước lại tăng trưởng rất thấp.
Điều này nghĩa là chúng ta tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, là điều đáng mừng, nhưng thể hiện trình độ công nghệ, nhân lực còn thấp nên thế giới chỉ phân công, chấp nhận Việt Nam khâu này. Nó cũng lại tạo ra nghịch lý chúng ta có nhiều nguyên liệu thô nhưng phải xuất khẩu để nhập lại hàng hóa trung gian về gia công lắp ráp, mang lại giá trị gia tăng thấp.
Theo đại biểu Hàm, với dân số đang già đi nhanh chóng, cùng với cách mạng 4.0, lợi thế lao động giá rẻ dần mất đi, nên có thể gia công lắp ráp chúng ta cũng không còn chỗ đứng. Ngoài nông nghiệp công nghệ cao phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, tăng trưởng của chúng ta chịu sự chi phối của doanh nghiệp FDI, nhưng chúng ta lại không tận dụng hết lợi thế của FDI.
Đóng góp của khu vực FDI của vào xuất nhập khẩu là rất lớn. Samsung và Formosa đóng góp khoảng 40% vào tăng trưởng mảng chế biến chế tạo. Doanh nghiệp trong nước còn quá nhiều hạn chế về năng lực sản xuất kinh doanh. Chuyển giao công nghệ và liên kết của doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước chưa được như mong muốn.
“Thành tựu là cơ bản, nhưng có những khoảng lặng cần nhìn nhận”, đại biểu Hàm khuyến nghị.
Giơ biển tranh luận đại biểu Trần Quang Chiểu (đoàn Nam Định) cho rằng, nói tăng trưởng dựa vào dầu thô là không thỏa đáng. Ông Chiểu nêu dẫn chứng cho thấy khai thác cả dầu thô và than đều giảm so với 2017 (kế hoạch khai thác hơn 13,2 triệu tấn, thực hiện 13,5 triệu tấn, vượt hơn 200.000 tấn so với kế hoạch nhưng lại hụt hơn 1,6 triệu so với 2016; than cũng giảm so với kế hoạch gần 2 triệu tấn) và đặt câu hỏi: “không biết đại biểu (Hoàng Quang Hàm - phóng viên) lấy số liệu ở đâu để nói rằng khai thác dầu thô tăng, nếu không có dầu thô thì không đạt tăng trưởng.
Tranh luận lại với đại biểu Chiểu, đại biểu Hoàng Quang Hàm dẫn Báo cáo 193 của Chính phủ bổ sung kết quả thực hiện ngân sách 2017 và kế hoạch ngân sách 2018 nêu rõ: khai thác dầu thô 2017 đạt 13,57 triệu tấn, tăng 1,29 triệu tấn so với năm 2016.
“Chúng ta đã khai thác và thanh toán vượt 1,29 triệu tấn, do đó ảnh hưởng đến GDP. Tôi nhìn nhận rằng, tỷ trọng thu dầu thô, khai thác khoáng sản có tăng so với 2017”, đại biểu Hàm nêu quan điểm.
Đại biểu Hàm bày tỏ “đánh giá rất cao Chính phủ trong nỗ lực thoát khỏi lệ thuộc vào khoáng sản, vì đây là của để dành, nhưng rất muốn bức tranh tăng trưởng phải là thực chất. Tăng trưởng cao hơn là từ dầu thô chứ không phải từ nội lực của nền sản xuất".
Theo Anh Vũ - Vũ Hân (Thanh Niên Online)