Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương phát biểu tại nghị trường
Chiều 25/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về kinh tế - xã hội. Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương – Phó chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại, dành phần lớn bài phát biểu của mình để đề cập sâu vấn đề mà ông cho là “rất nóng và luôn nóng”, đó là đất đai.
Theo ông, đây là lĩnh vực làm phát sinh nhiều khiếu kiện nhất và cũng thất thoát lớn nhất tài sản quốc gia.
“Cũng vì vấn đề đất đai quá nóng, ngay trước khi kỳ họp Quốc hội lần này, không quản cuối tuần, Thủ tướng đã triệu tập và chủ trì họp với các đia phương thường xuyên có khiếu kiện đông người vượt cấp, chỉ ra thực trạng là trong 100 vụ khiếu kiện thì có đến 95 vụ liên quan đất đai, giải phóng mặt bằng”, ông Cương nói.
Ông Cương phân tích, với chính sách khung giá đất mà các tỉnh, thành công bố hàng năm chỉ bằng 10 – 20% giá thị trường, cộng với việc chính quyền đứng ra thu hồi đất giao cho doanh nghiệp. Sau đó, doanh nghiêp làm hạ tầng, thực tế nhiều nơi chả cần làm gì đã lập bản đồ phân nền bán ra giá gấp hàng chục, hàng trăm lần khiến người dân bức xúc đi khiếu kiện khắp nơi. “Đây cũng là điều dễ hiểu”, ông Cương nói và cho rằng, nhu cầu phát triển kinh tế là cần thiết, nhưng cũng cần nghĩ đến quyền lợi chính đáng của người dân có đất bị thu hồi; không giải quyết thoả đáng, đúng mức thì sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho xã hội.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương phát biểu tại nghị trường
“Không thể cứ kéo dài mãi tình trạng thu hồi hàng nghìn mét vuông đất, dù chỉ là đất ruộng, thậm chí đất không thể canh tác được, nhưng sau khi được đền bù thì người dân không mua nổi một suất đất hay một căn chung cư của chính dự án để sinh sống; chưa kể đến việc tạo kế sinh nhai cho người dân có đất bị thu hồi một cách thực chất”, ông Cương nhấn mạnh.
Theo ông, thu hồi đất vì mục đích an ninh quốc phòng, công trình công cộng được xã hội đồng tình cao, còn thu hồi đất vì mục đích kinh tế xã hội, nhất là thu để giao cho doanh nghiệp thì cần phải thay đổi cả cơ chế và quy định của pháp luật.
Vị đại biểu hiến kế, Chính phủ cần thiết kế cơ chế để doanh nghiệp phải tự thoả thuận với người dân theo giá thị trường, chính quyền không thu hồi đất thay các doanh nghiệp và trước khi phê duyệt dự án thì phải lấy ý kiến người dân chứ, không để tình trạng như một số nơi khi thu hồi đất người dân không biết là có dự án.
Cùng với đó, việc sửa đổi Luật đất đai cần quan tâm giải quyết những vấn đề liên quan đến thu hồi đất, đảm bảo quyền lợi tương xứng, cuộc sống bình thường của ngươì dân với sự phát triển bền vững của quốc gia.
“Ai cũng biết đất đai là tài sản vô cùng quý giá của đất nước, ấy vậy mà nhiều năm qua, đất công và cả nhà đất công sản đang là vấn đề nhức nhối. Những vụ việc nhập nhèm, biến đất công thành đất tư, mua bán đất công với giá rẻ bị phanh phui ở một số địa phương trong thời gian gần đây đã chứng minh cho nhận định đó”, ông Cương chua xót.
Một tình trạng đáng lo ngại khác được đại biểu Cương nêu ra là vấn đề BT, nói nôm na “đổi đất lấy công trình”, đang diễn ra ở nhiều địa phương khiến một lượng đất không nhỏ, trong đó có đất công ở vị trí đắc địa lần lượt rơi vào tay doanh nghiệp.
Ông cho rằng, lẽ ra các dự án đổi đất này phải mang lại những công trình giải quyết những nhu cầu bức thiết của người dân như bệnh viện, trường học hay công trình phục vụ cộng đồng. Nhưng thật đáng tiếc, hàng trăm, hàng nghìn hecta đất vàng, đất kim cương của nhà nước và của cả người dân bị thu hồi, giải tỏa chỉ để đổi lấy trụ sở, trung tâm hội nghị, thậm chí là cổng chào hay tượng đài. Đất đai của nhà nước, người dân cứ bị mất dần đi một cách đáng lo ngại.
“Tôi chỉ muốn góp một tiếng nói đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm tăng cường quản lý nhà nước về đất đai, hạn chế, tiến tới ngăn chặn nguy cơ và hậu quả mang lại từ đất. Có như vậy mới tránh được lửa bùng lên từ đất”, ông Cương nói khi kết thúc bài phát biểu tâm huyết của mình.
"Những lúc nông dân lao đao, tư lệnh ngành ở đâu?"
Trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu đã đề cập đến lĩnh vực nông nghiệp với mối lo “được mùa mất giá”, nhiều loại nông sản liên tục phải giải cứu.
Có 10 phút giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nói vo khá nhanh và rõ ràng.
Theo ông, ngành nông nghiệp đang đứng trước ba thách thức. Đầu tiên là thách thức tiến lên hiện đại từ hộ nhỏ lẻ, phân tán; hai là nguy cơ biến đổi khí hậu và ba là Việt Nam đi sau trong hội nhập nhưng phải trở thành nước tiên phong hội nhập nông nghiệp.
Bên cạnh khó khăn, thách thức, lãnh đạo ngành nông nghiệp cho hay, các chủ trương, chính sách được ban hành trong thời gian qua đã tạo sức lan toả cho nông nghiệp. Cụ thể, trong 3 năm gần đây, số lượng doanh nghiệp lĩnh vực này đã tăng gấp đôi, từ trên 3.000 doanh nghiệp lên 7.200. Cùng với đó, từ chỗ tăng trưởng âm cách đây 2 năm, năm 2017 nông nghiệp đã tăng dương trở lại với 2,49% và 4 tháng 2018 ghi nhận tăng 4,05%, mức cao nhất từ trước đến nay.
Thị trường xuất khẩu nông sản mở rộng 180 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, Mỹ.... Giá trị xuất khẩu nông sản tăng từng năm: năm 2017 là 36,52 tỷ USD và dự báo năm 2018 sẽ vượt 40 tỷ.
Tuy vậy Bộ trưởng Cường thừa nhận, "các khâu yết hầu của nông nghiệp còn rất yếu" do vậy ngành phải đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục, cơ cấu lại theo 3 nhóm sản phẩm trụ cột chính là sản phẩm quốc gia, cấp tỉnh, vùng; cả 3 nhóm sản phẩm trụ cột này đều được thiết kế sản xuất, phát triển theo chuỗi....
Tranh luận với Bộ trưởng Nông nghiệp, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, cách phân loại như trên có thể gây hiểu nhầm là phân trách nhiệm cho ba cấp chính quyền trong việc hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm.
"Trong nền kinh tế thị trường, chỉ có quan hệ giữa sản xuất hàng hóa và tiêu thụ hàng hóa, sự tác động từ các cấp chính quyền là ở hỗ trợ của nhà nước. Việc phải giải cứu nông sản vì được mùa rớt giá chính là xuất phát từ tư duy phân cấp, trong khi hiện nay nông nghiệp cần sản xuất theo địa chỉ tiêu thụ", ông Vân nói.
Đại biểu Vân phân tích, người nông dân có thói quen sản xuất hàng hóa theo trào lưu tiêu thụ mà không tính tới cung - cầu, do vậy Chính phủ cần xây dựng cơ sở dữ liệu chỉ dẫn địa lý về sản lượng, nhu cầu, từ đó mới có thể giải quyết được câu chuyện giải cứu nông sản.
Giơ biển xin tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đại biểu Tô Thị Bích Châu nói, bức tranh ngành nông nghiệp dưới lời miêu tả của lãnh đạo ngành nông nghiệp "khá sáng sủa", nhưng ở từng vụ việc cụ thể lại không thấy bóng dáng "tư lệnh".
Nữ đại biểu TP HCM minh chứng bằng ví dụ về vụ án phế phẩm cà phê nhuộm bột pin, 10 ngày sau khi sự việc xảy ra tỉnh Đăk Nông mới lên tiếng, khẳng định "hỗn hợp bột pin thu giữ trong vụ việc này không dùng để sản xuất, nhuộm cà phê".
"Mười ngày đó người nông dân đã rất lao đao. Lúc đó tư lệnh ngành ở đâu, Bộ Công Thương ở đâu?", bà Châu đặt câu hỏi. Theo bà, những vụ việc ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất nông sản trong nước, nhất là cà phê - mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã khiến dư luận hoang mang, nông dân trồng cà phê bất an.
Đẩy mạnh chống lãng phí sẽ 'thêm nhiều củi vào lò'
Ông Mai Sỹ Diến - Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Thanh Hoá, đánh giá cao kết quả công tác phòng, chống tham nhũng thời quan qua, góp phần quan trọng vào việc xoá bỏ lực cản phát triển, đồng thời qua đó khẳng định không còn lo lắng chuyện “diệt chuột làm vỡ bình”.
Tuy nhiên, theo ông, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn bất cập dù Nhà nước đã ban hành nhiều giải pháp siết kỷ luật, đẩy mạnh thanh, kiểm tra. Cụ thể, vừa qua Chính phủ cho hay có 16/23 tập đoàn, tổng công ty không báo cáo chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để tổng hợp, trình Quốc hội.
Đại biểu tỉnh Thanh Hoá đề nghị, Chính phủ cần siết chặt kỷ cương, xử lý nghiêm đơn vị không tuân thủ quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thực hiện tốt giải pháp này, ông cho rằng sẽ “bổ sung thêm củi vào lò đang nóng trong chống tham nhũng”.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần siết chặt quản lý tài sản công để ngăn chặn lạm dụng, lợi ích nhóm trong quản lý đất đai. "Tham nhũng, mất đoàn kết, mất cán bộ cũng nằm ở đây", ông nói thêm.
Kết thúc ngày làm việc, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói, qua hai buổi thảo luận sáng và chiều đã có 42 đại biểu đăng đàn, 8 ý kiến tranh luận. "Không khí thảo luận khá thẳng thắn, có chiều sâu, có tính tranh luận và phản biện cao, ít nội dung trùng lắp", ông nhận xét.
Sáng mai 26/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội, Đoàn chủ tịch sẽ mời 3 bộ trưởng: Lao động, Thương binh và Xã hội, Công Thương và Tài chính tham gia phát biểu.
Theo Hoài Thu - Võ Hải - Bảo Hà (VnExpress.net)