Chiều 21/5, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã đọc báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và những tháng đầu năm 2018.
Báo cáo đề cập đến 5 nhóm vấn đề còn băn khoăn về nền kinh tế và yêu cầu Chính phủ đánh giá cụ thể hơn. Các nhóm vấn đề được nêu ra như quy mô GDP còn thấp, phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI, chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, ngân sách thất thu…
Tại phiên thảo luận tổ sáng 22/5, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ (đại biểu Quốc hội đoàn Hà Tĩnh) đã phát biểu làm rõ những băn khoăn trên.
'Công nghiệp than đá, dầu thô đang tăng trưởng âm'
Phó thủ tướng cho rằng báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế chưa nhìn nhận đúng và khách quan về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước.
Ông Vương Đình Huệ dẫn lại phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Trung ương 7. Năm 2017 dù phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, đất nước đã đạt được kết quả toàn diện trên tất cả lĩnh vực. Kinh tế xã hội lần đầu tiên sau nhiều năm đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 13 chỉ tiêu đề ra. Tăng trưởng GDP đạt 6,81%, không chỉ vượt kế hoạch mà cũng là mức cao nhất so với nhiều nước trong khu vực và toàn thế giới. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát.
Phó thủ tướng đặt câu hỏi: “Kết quả như vậy mà ta nói phụ thuộc dầu thô than đá thì có đúng không? Mấy năm nay (2016-2017) công nghiệp than đá và dầu tăng trưởng âm”.
Nói về tình trạng ngân sách trung ương hụt thu, trong khi địa phương tăng lên, ông Huệ cho rằng cần phải phân tích tại sao.
“Phải chăng là từ khâu làm dự toán không sát? Trách nhiệm đầu tiên là của Bộ Tài chính và Chính phủ, nhưng cơ quan thẩm tra có trách nhiệm không? Đương nhiên khâu dự toán này thì các ủy ban thẩm tra và Quốc hội quyết định...”, Phó thủ tướng nói.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng không phải tất cả thu ngân sách địa phương đều tăng, mà vì cơ cấu thu nội địa có thay đổi, Chính phủ phải bù. Để thay đổi điều này, Chính phủ đang yêu cầu lập dự toán căn cứ vào dữ liệu kinh tế - xã hội chứ không phải ước thu rồi lấy % tăng thêm.
“Không lấy anh thừa bù cho anh thiếu được đâu, mà trung ương lại phải hỗ trợ các địa phương khó khăn. Mong Quốc hội có cách nhìn nhận đúng nhất, khách quan”, ông nói.
Phó thủ tướng nhấn mạnh không phải ngẫu nhiên mà các tổ chức quốc tế đánh giá kinh tế Việt Nam tăng hạng. Đặc biệt là chúng ta đang ở giai đoạn “làm nhiệm vụ kép”, và phải khắc phục yếu kém của nền kinh tế tích tụ bao nhiêu năm trước ngày càng bộc lộ như nợ xấu, các dự án yếu kém.
"Báo cáo thiếu sự kế thừa, phương pháp đánh giá cần giới hạn phạm vi có đối chiếu các con số chỉ tiêu cụ thể. Đánh giá 1 năm và bổ sung cho năm 2017 và phân tích cho 4 tháng năm 2018. Nếu nói đề xuất cho năm 2018 thì những nhận định đó không phù hợp”, ông nói thêm.
'Báo cáo tóm tắt không thể hiện hết tinh thần báo cáo chính'
Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Dương Quốc Anh (Đoàn Gia Lai) cho biết báo cáo thẩm tra kinh tế - xã hội được làm kỹ gồm 5 bước. Ủy ban kinh tế cũng dựa trên cơ sở 13 tiêu chí chỉ tiêu để dựng dự thảo, và các thành viên tham gia ý kiến, sau đó tổ chức họp toàn thể, tọa đàm chuyên gia. Trên cơ sở đó, ủy ban tập hợp lại, xin ý kiến Thường vụ Quốc hội và báo cáo Chủ tịch Quốc hội. Bản báo cáo đầy đủ khá dày.
“Chúng tôi xin phép Ủy ban thường vụ Quốc hội làm báo cáo tóm tắt để trình bày. Cơ cấu báo cáo này gồm 2 phần chính, là đánh giá bổ sung vì kỳ họp thứ 4 với đánh giá 9 tháng năm 2017. Khi báo cáo tóm tắt thì có cắt gọn đi”, ông nói.
“Báo cáo tóm tắt không thể hiện được hết tinh thần của báo cáo chính, người dân không đọc được báo cáo đầy đủ nên gây thiếu sót. Chúng tôi xin lỗi Chính phủ”, ông Dương Quốc Anh nói.
Vị phó chủ nhiệm cũng ghi nhận nỗ lực của Chính phủ khi đạt mực tăng trưởng cao hơn con số 6,1% mà Ngân hàng Thế giới đánh giá là "tốt lắm rồi".
Hơn nữa, trước đây, tăng trưởng cao vì phụ thuộc vào tín dụng, dễ gây lạm phát nay thì năm 2017, kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 6,81% mà CPI dưới 4%. Giai đoạn 2011- 2012, mức bội chi trên 5% nhưng mấy năm nay dưới 5%. Các năm trước nhập siêu nhưng riêng năm 2017, Việt Nam đã xuất siêu.
"Ủy ban Kinh tế muốn Chính phủ phân tích sâu hơn các khuyến nghị để thực hiện tốt hơn cho năm 2018", ông Quốc Anh nói.
Theo Nhóm PV (Tri Thức Trực Tuyến)