Chiều một ngày cuối năm, bà Lưu Thị Bình (81 tuổi) vội ăn suất cơm hộp, đun nước để chuẩn bị cho buổi tối bán trà đá ở gần Trạm trung chuyển xe buýt Long Biên, Hà Nội. Với những người ở khu “ổ chuột” cầu Long Biên không ai còn xa lạ với bà cụ Bình. Bà lão cũng gắn bó, sống đơn độc với nơi này hàng chục năm nay.
Bà Bình kể quê ở huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Sau này bà đi lên Thái Nguyên lập nghiệp rồi lấy chồng sinh con. Thế nhưng câu chuyện gia đình khiến bà thêm buồn rầu bởi chồng con bà không còn nữa…
Bà Bình nhớ khoảng hơn 10 năm trước tha hương xuống Hà Nội. Không có tiền bà quyết định bám trụ lại ở chợ Long Biên. Với những hoàn cảnh khốn khó họ thường chọn nơi đây bởi có sức khoẻ có thể đi gánh hàng thuê, nhặt phế liệu… kiếm được tiền sống qua ngày. Thế rồi hiểu được hoàn cảnh bà lão, chủ nhà trọ đã cho bà thuê nhà thậm chí xin cho bà được đi bán nước ở ngoài bến xe buýt.
Sau một thời giam làm lụng tích cóp, bà Bình sắm sửa ấm, phích nước rồi bắt đầu công việc buôn bán trà đá của mình. Hằng ngày bà đẩy chiếc xe nhỏ chất đầy ghế, phích, bếp than… từ chiều. Công việc của bà lão kết thúc vào sáng hôm sau khi trời mọc sáng rõ.
“Công việc này giúp tôi vơi đi thời gian, được gặp mọi người cũng thấy vui. Nhiều người ở trạm xe buýt Long Biên không ai còn xa lạ với tôi nữa. Ngày bán nước cũng được vài chục nghìn đủ cho tôi trang trải cuộc sống, đóng tiền nhà trọ. Với những người ở lâu năm tại khu chợ Long Biên ai cũng biết tôi”, bà Bình chia sẻ.
Bà Bình kể, cứ dịp đầu năm mới hay gia đình có giỗ chạp, bà trở về quê ở huyện Yên Phong, Bắc Ninh. Thế nhưng gia đình không được êm ấm khiến bà cũng buồn rầu rồi lại vội trở lại Hà Nội sau đó. Chỉ có công việc mới khiến bà vơi đi nỗi buồn không còn chồng con cũng như nỗi buồn về cuộc sống nơi quê nhà mà mỗi khi nhắc đến lại khiến bản thân chạnh lòng.
“Hơn 10 năm ở Hà Nội cũng là từng nấy thời gian tôi đón Tết ở đây. Tối đêm 30 Tết nhìn thấy cảnh mọi người sắm sửa, gia đình đèo các con đi chơi Tết tôi thấy buồn cho thân phận mình. Tết đến người ta vui vầy bên con cháu còn tôi thì không. Khi thời khắc chuyển sang năm mới pháo hoa bắn lên tôi náo nức lắm nhưng khi về đến nhà trọ lại tủi thân”, bà Bình chia sẻ.
Ngày mùng 1 Tết bà Bình sẽ về quê nhà thăm mừng tuổi cho con cháu, thắp hương tổ tiên. Đến ngày mùng 2 Tết, bà lại quay lại chợ Long Biên tiếp tục công việc bán nước của mình. Những ký ức không vui về quê nhà chất chứa trong lòng nên bà Bình ít khi về. Bà quyết định sẽ bám trụ tại nơi đây đến hết đời mình.
Bà lão cũng cho biết, hiện tại dù tuổi đã cao nhưng được “trời thương” cho sức khoẻ nên hằng ngày vẫn đi làm được. Bà bảo sẽ làm công việc này cho tới khi không còn nữa. Cứ mỗi dịp Tết một số đoàn tình nguyện đến biếu bánh chưng, quà Tết khiến bà cũng vui vẻ hơn.
Cũng như bà Bình, bà Nguyễn Thị Thìn (85 tuổi) cũng bám trụ tại chân cầu Long Biên hàng chục năm nay. Bà Thìn một mắt không còn nhìn thấy nữa. Hằng ngày, cụ bà thường bắt đầu công việc nhặt phế liệu của mình quanh khu vực chợ Long Biên từ lúc 3h sáng, công việc kết thúc khi phiên chợ đêm tan.
Sau khi nhặt giấy bóng, phế liệu, bao bì về nhà bà Thìn phân loại giặt giũ rồi mang đi bán. Số tiền kiếm được mỗi ngày 40-50 nghìn đồng chỉ đủ bà lão ăn uống, nhà trọ qua ngày.
Bà Thìn kể quê gốc Hà Nội, lấy chồng ở ngõ Văn Chương, quận Đống Đa. Bà có 3 người con trong đó người con trai đã mất khi mới 21 tuổi đời, còn hai người con gái đều đã lập gia đình. Chồng bà Thìn cũng bệnh tật qua đời. Kể từ đó tới nay bà lui tới khu vực chợ Long Biên sinh sống.
“Nghĩ đến chuyện gia đình buồn tủi lắm, hai con gái thì nó cũng có cuộc sống riêng. Con trai tôi thì mất sớm, không còn người bấu víu nên tôi sống ở đây. Nhà có công có việc thì tôi mới về. Các năm thì cũng đều đón Tết trong gian nhà mấy mét vuông này”, bà Thìn nói rồi chỉ vào căn nhà trọ chứa đầy phế liệu nơi mình đang sinh sống.
Cái Tết cận kề, bà Thìn bảo vẫn làm công việc nhặt phế liệu xuyên Tết. Sở dĩ bà vẫn tiếp tục công việc bởi không muốn phiền hà tới cuộc sống của gia đình con cháu.
Ở cái tuổi 85 cuộc sống không còn bao lâu nữa nhưng với bà thì chưa một ngày nghỉ ngơi bởi nếu nghỉ sẽ không kiếm đủ tiền trang trải cuộc sống cũng như tiền nhà trọ.
Chân cầu Long Biên bao năm qua vẫn là nơi trú ngụ của hàng nghìn người lao động khắp các nơi. Đó là nơi mà những người dân lao động nghèo bươn trải với đủ thứ nghề. Tết cận kề mọi người vội vã tấp nập công việc để lo cho cái Tết sung túc hơn. Thế nhưng, những bà lão như bà Bình, bà Thìn chỉ mong chút thời gian sum vầy bên con cháu. Mơ ước đó với những người như các bà chắc mãi cũng chỉ là ước mơ…
Theo Định Nguyễn (Saostar.vn)