Liên tiếp bất hạnh đổ xuống gia đình nhỏ
Gia cảnh chị Đỗ Thị Anh, SN 1966, ở thôn Tam Kiệt, xã Hữu Bằng (Kiến Thụy, Hải Phòng) được coi là mối quan tâm của cả xã Hữu Bằng vì hoàn cảnh kinh tế vô cùng khó khăn, bản thân chị và con thứ ba liên tục nhập viện cấp cứu, còn 2 cô gái út đứng trước nguy cơ thất học.
Theo chân một thành viên CLB thiện nguyện, PV Báo Gia đình và Xã hội đã đến thăm và tìm hiểu hoàn cảnh hết sức éo le của gia đình chị Đỗ Thị Anh ở xã Hữu Bằng, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng.
Dẫn chúng tôi vào gian trong ngôi nhà, nơi chị Đỗ Thị Anh đang nằm bất động trên giường, chị P.T.N. - em chồng chị Anh tâm sự: "Anh trai tôi là Phan Văn Anh, sinh năm 1966. Năm 1992, anh Phan Văn Anh kết hôn với chị dâu tôi là Đỗ Thị Anh và lần lượt sinh được 4 người con gái. Cháu lớn tên là Phan Thị Khánh, 26 tuổi, cháu thứ hai là Phan Thị Hòa, 23 tuổi, cháu thứ 3 là Phan Thanh Bình, 15 tuổi và cháu út là Phan Thị Thanh Thúy, 13 tuổi.
Trước đây, cả gia đình anh chị đều sống trong một căn nhà mái rạ, vách đất, hoàn cảnh lắm. Sau anh Anh tự đóng gạch, anh em họ hàng cho xi măng, bà ngoại cho tiền vừa được đền bù ruộng ở trên xã Anh Dũng (thuộc quận Dương Kinh - PV), xây được căn nhà tường gạch 30m2 và công trình phụ này. Căn nhà sử dụng được hơn chục năm, gọi là có chỗ che mưa che nắng cho mấy mẹ con, nhưng thực ra cũng bắt đầu xuống cấp, dột nát rồi.
Hàng chục năm nay, chị dâu tôi mắc bệnh tim và nhiều bệnh vặt khác nên gần như mất sức lao động. Anh trai tôi trở thành lao động duy nhất trong nhà nuôi 6 miệng ăn. Ngoài mấy sào ruộng để canh tác, ai thuê việc gì từ hút bùn, bốc vác anh cũng làm.
Mùng 3 Tết 2018, anh trai tôi bị lao lực rồi đột quỵ và tử vong. Từ ngày anh mất đi, cuộc sống của bốn mẹ con chị dâu tôi càng thêm bế tắc, nguồn sống cả gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng và sự đùm bọc của họ hàng nội ngoại đôi bên", chị N. nghẹn ngào nói.
Theo lời chị N., dù học rất giỏi nhưng hai cô con gái lớn của gia đình phải bỏ học giữa chừng vì gia đình không có điều kiện. Cháu lớn tên Khánh đã 26 tuổi nhưng sau một cơn sốt cao cách đây vài năm, bỗng nhiên đôi lúc Khánh không được khôn ngoan, tỉnh táo như trước. Do vậy, Khánh chỉ quanh quẩn trong nhà, làm thuê mấy việc vặt, đơn giản nếu có ai nhờ.
Cháu thứ hai tên Hòa đã lấy chồng được 3 năm, vừa mới sinh con nên không đỡ đần được gì cho mẹ. Thời gian gần đây, chị Anh và cháu thứ ba liên tục phải nhập viện điều trị bệnh, nguy cơ thất học của hai cô út đang hiển hiện trước mắt.
Mẹ có thể không mổ tim để các con tiếp tục được học
Biết hoàn cảnh của mình, thương mẹ, thương các chị, 2 cháu út của chị Anh là Phan Thanh Bình và Phan Thị Thanh Thúy đều học giỏi. Cả hai cháu Bình và Thúy đều được làm lớp trưởng nhưng việc học có thể phải dừng lại vĩnh viễn vì bệnh tật của mẹ và điều kiện kinh tế của gia đình.
Chị N. rầu ruột kể: "Tháng 7/2019, cái Bình bỗng nhiên bị bị đau ruột thừa, phải nhập viện cấp cứu, mổ gấp. Chưa hết, chị dâu tôi vốn có tiền sử bệnh tim (hẹp khít van hai lá do thấp) 10 năm nay, đến đầu tháng 10 vừa qua cũng phải nhập viện cấp cứu vì bị suy tim nặng, nằm liệt giường từ đó tới nay. Giờ chị không thể đi lại được, mọi sinh hoạt đều trên chiếc giường bệnh, bà ngoại và cháu Khánh phải thay nhau chăm sóc".
Không thể gượng dậy, chị Anh nằm trên giường gắng gượng góp lời bằng vài từ một cách khó nhọc, thi thoảng chị ra hiệu tỏ ý đồng tình, rồi mệt quá lại lịm đi.
Nhìn sang cháu Bình đang ngồi xoa bóp chân cho mẹ, chị N. cho biết thêm: "Mới đây thôi, cháu Bình lại tiếp tục có biểu hiện đau thắt bụng từng cơn, xuyên ra cả sau lưng. Chính tôi phải đưa nó đi cấp cứu. Đọc kết quả siêu âm của bác sĩ mà tôi điếng người. Nó còn trẻ thế này mà đã mắc bệnh sỏi mật."
Theo lời chị N., hiện mỗi tháng riêng tiền thuốc điều trị chống co thắt túi mật và bồi bổ gan cho Bình khoảng 3-4 triệu/tháng. Nếu không điều trị tích cực, có thể Bình phải mổ cắt bỏ túi mật để đảm bảo an toàn tính mạng.
Biết được hoàn cảnh khó khăn của gia đình chị Anh, rất nhiều cơ quan, đoàn thể đã đến thăm hỏi, tặng quà động viên mẹ con chị. Chính quyền xã Hữu Bằng cũng làm thủ tục để sang năm tới, gia đình chị Anh được công nhận là hộ nghèo, bản thân chị Anh được hưởng chính sách của người mất sức lao động.
Tuy nhiên, chặng đường điều trị bệnh của cả hai mẹ con còn dài, chi phí lớn, tiền đi học cho 2 con của chị những năm tới cũng chưa biết trông vào đâu, nguy cơ phải bỏ học bất kỳ lúc nào.
"Mẹ có thể không mổ tim, giữ mạng sống cho mẹ không quan trọng bằng việc các con được tiếp tục học. Các con phải học để thay đổi số phận, để giúp đỡ gia đình và để trả ơn cuộc đời", chị Anh thều thào, gắng gượng dặn dò Bình và Thúy.
Mọi sự giúp đỡ gia đình chị Đỗ Thị Anh - xin gửi về mã số 524:
1. Chị Đỗ Thị Anh, trú tại thôn Tam Kiệt, xã Hữu Bằng, Kiến Thụy, Hải Phòng.
2. Ủng hộ trực tuyến trên Vòng tay nhân ái/Giadinh.net.vn. Đề gửi: Mã số 524
3. Ủng hộ trực tiếp Chương trình "Vòng tay Nhân ái", tại Tòa soạn Báo Gia đình & Xã hội. Địa chỉ Tầng 11, Tòa nhà Tổng cục DS-KHHGĐ, ngõ số 8, Tôn Thất Thuyết, Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội (đối diện Bến xe Mỹ Đình). Đề gửi: Mã số 524
Mọi thắc mắc, xin gửi tới email [email protected]. Điện thoại: 0975 839 126/ 0981656685.
Ủng hộ VNĐ qua Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank):
Tên tài khoản: Báo Gia đình & Xã hội. Số tài khoản: 125.000.058.110, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Chi nhánh Ba Đình, Hà Nội.
Ủng hộ VNĐ qua Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank):
Tên tài khoản: Báo Gia đình & Xã hội. Số tài khoản: 061.100.191.1287, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Chi nhánh Ba Đình, Hà Nội.
Đề gửi Mã số 524
Theo Đinh Huyền (Giadinh.net.vn)