Công an giữ xe 70 ngày để điều tra một vết hàn

13/07/2016 06:51:00

Người dân đi đăng ký xe thì bị công an tạm giữ để điều tra vết hàn vì nghi xe gian; khi được trả xe, chủ xe cho rằng pô xe đã bị tráo.

Người dân đi đăng ký xe thì bị công an tạm giữ để điều tra vết hàn vì nghi xe gian; khi được trả xe, chủ xe cho rằng pô xe đã bị tráo.

“70 ngày đợi mong” 

Bà Trúc trình bày ngày 8-3 bà cùng chồng mua một chiếc xe mô tô Suzuki Sport tại cửa hàng LY SPORT trên đường Lũy Bán Bích, quận Tân Phú, TP.HCM. Đây là xe đã qua sử dụng và cửa hàng có xuất hóa đơn, giao toàn bộ hồ sơ gốc đã đăng ký tại công an quận.

Ngày 22-3, vợ chồng bà đến Công an huyện Đức Hòa, Long An để đăng ký. Khi nộp hồ sơ xin cấp biển số, bộ phận xét xe nghi ngờ xe gian nên yêu cầu bà hôm sau đem xe lên Công an tỉnh Long An giám định. Nhưng khi bà đem hồ sơ, kết quả giám định (có niêm phong) về giao lại cho công an huyện để đăng ký thì nơi này không thông báo kết quả giám định mà còn buộc nộp xe để điều tra, xác minh nguồn gốc xe. Công an chỉ lập biên bản tạm giữ xe cùng hồ sơ đăng ký.

“Công an điều tra hơn 70 ngày mà vẫn chưa giải quyết cho tôi trong khi theo Thông tư số 15/2014 của Bộ Công an thì trong thời hạn 30 ngày phải giải quyết dứt điểm cho người dân” - bà Trúc kể. Trong quá trình đó, bà cũng thường liên lạc công an huyện hỏi về tình trạng xe thì được trả lời “hết trách nhiệm vì đã giao qua hình sự”.

Vợ chồng bà liên tục khiếu nại về việc tạm giữ xe không rõ lý do. Đến ngày 13-6, Đội CSGT Công an huyện mời vợ chồng bà lên thông báo không tiếp nhận đăng ký xe trên và giao trả xe cùng hồ sơ cho bà đến Công an quận Tân Phú, TP.HCM giải quyết. Không đồng tình, bà Trúc không nhận xe cũng như hồ sơ vì cho rằng công an huyện làm vậy không đúng quy định.

Bà Nguyễn Thị Thanh Trúc bên chiếc xe mà bà cho rằng đã bị tráo pô khi bị tạm giữ. Ảnh: HY

Từ pô “gin” thành pô “lô”

Đến ngày 7-7, công an huyện ra giấy hẹn tiếp nhận hồ sơ đăng ký xe cho bà. Tuy nhiên khi nhận lại xe, bà phát hiện pô xe “gin” đã bị tráo đổi...

Đến nước này, bà Trúc khiếu nại yêu cầu phải có câu trả lời và giải quyết thỏa đáng. Theo bà, xe bà mua đến 175 triệu đồng, nếu là xe gian bị tịch thu thì bà không có ý kiến gì. Còn đằng này giấy tờ, nguồn gốc rõ ràng mà lại neo giữ hơn hai tháng, sau đó không cho đăng ký, khi trả xe thì pô xe “gin” của bà bị đổi.

Trong văn bản trả lời, Công an huyện Đức Hòa cho rằng khi tiếp nhận hồ sơ và xe do phát hiện số khung xe có dấu vết hàn nên cần phải tiến hành trưng cầu giám định. Theo kết luận giám định của PC54 Công an tỉnh Long An, dấu vết hàn mới ở vị trí tiếp giáp giữa khung đóng số và khung sườn xe. Vì thế, công an huyện mới lập biên bản và ra quyết định tạm giữ xe trên, có thông báo cho chủ xe. Sau đó đội CSGT báo cáo đề xuất lãnh đạo chuyển hồ sơ sang CSĐT.

Vẫn theo văn bản trả lời của công an, ngày 26-5, CSĐT huyện có báo cáo kết quả xác minh, kết luận không xác định được ai là người tạo nên dấu hàn mới nói trên. Vì thế, căn cứ điểm b khoản 3 Điều 16 Thông tư 37/2010 của Bộ Công an (quy định về quy trình đăng ký xe), ngày 28-5 công an huyện có văn bản gửi Công an quận Tân Phú, TP.HCM thông báo về việc chuyển hồ sơ xe trên về Tân Phú giải quyết theo quy định. Công an huyện cũng đã có giấy mời và gọi điện thoại cho chủ xe đến để thông báo không tiếp nhận đăng ký trường hợp xe mô tô trên.

Tuy nhiên, phía bà Trúc không đồng ý, không nhận xe và yêu cầu bồi thường thiệt hại trong thời gian xe bị tạm giữ. Công an có lập biên bản về việc giải quyết khiếu nại ghi nhận ý kiến của bà. Đến ngày 7-7, hai bên tiếp tục làm việc. Đại diện phía công an huyện, Trưởng đội CSGT-TTCĐ Nguyễn Trường Tiên thông báo tiếp nhận đăng ký xe mô tô trên vì đã “xác minh làm rõ số khung bị hàn mới, không đủ cơ sở xác định người thực hiện vết hàn”.

***

Sau khi Công an huyện Đức Hòa trả lời, bà Trúc đồng ý đăng ký xe tại công an huyện nhưng bà yêu cầu làm rõ việc pô xe “gin” (trị giá đến 10 triệu đồng) đã bị đổi khi xe bị tạm giữ. Đồng thời, bà yêu cầu công an bồi thường các thiệt hại trong thời gian giữ xe trên như chi phí luật sư, đi lại... “Nếu không, tôi sẽ đưa vụ việc ra tòa án giải quyết” - bà Trúc nói.

Nên quay phim, chụp ảnh khi bị tạm giữ xe

Để có chứng cứ yêu cầu bồi thường khi phương tiện bị tráo đổi, thay thế linh kiện, chủ phương tiện phải yêu cầu người có thẩm quyền khi lập biên bản tạm giữ phải miêu tả rõ ràng, chi tiết về hiện trạng của phương tiện bị tạm giữ, tránh việc miêu tả chung chung.

Trường hợp cần thiết có thể chụp ảnh, ghi hình hiện trạng của phương tiện trước khi bị tạm giữ. Nếu không đồng ý với việc ghi nhận hiện trạng phương tiện, chủ phương tiện có quyền không ký biên bản và ghi rõ lý do không đồng ý.

Khi nhận lại phương tiện bị tạm giữ, chủ phương tiện phải kiểm tra, xác minh đúng như hiện trạng trước khi bị tạm giữ. Nếu phát hiện bất kỳ sự thay đổi nào so với hiện trạng ban đầu, chủ phương tiện yêu cầu ghi nhận sự việc để làm căn cứ yêu cầu bồi thường và xử lý cá nhân vi phạm.

Luật sư Nguyễn Thành Công, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đang làm rõ việc tráo pô xe

Sở dĩ bà Nguyễn Thị Thanh Trúc bức xúc là do việc giám định kéo dài quá lâu. Tuy nhiên, sau khi có kết quả xác định không phải lỗi của chủ xe trong việc có vết hàn, công an huyện đã tiến hành đăng ký, cấp biển số xe cho bà. Không phải phía công an muốn làm khó dễ người dân nhưng vấn đề là phải làm rõ nguồn gốc xe theo trách nhiệm để sau này việc mua bán xe không xảy ra vấn đề gì.

Còn việc bà Trúc cho rằng pô xe bị tráo thì chúng tôi đang tiến hành làm rõ, chưa thể kết luận. Tuy nhiên, có thể trong quá trình xe bị tạm giữ đã bị bạc, xỉn màu chứ không phải bị tráo đổi pô xe khác...

Ông Nguyễn Trường Tiên, Đội trưởng Đội CSGT-TTCĐ Công an huyện Đức Hòa, Long An

 
Theo Hoàng Yến (Pháp Luật TP HCM)