Telegram đối mặt nguy cơ bị chặn tại Việt Nam
Cục Viễn thông (Bộ Khoa học và Công nghệ) vừa có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông khẩn trương triển khai biện pháp kỹ thuật nhằm ngăn chặn hoạt động của dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet có dấu hiệu vi phạm pháp luật – cụ thể là ứng dụng Telegram. Các đơn vị phải báo cáo phương án và kết quả thực hiện về Cục trước ngày 2/6/2025.
Động thái này được thực hiện theo đề nghị của Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05, Bộ Công an), sau khi cơ quan này phát hiện nhiều vi phạm nghiêm trọng liên quan đến Telegram tại Việt Nam. Thống kê cho thấy, có tới 68% trong số khoảng 9.600 kênh, nhóm Telegram tại Việt Nam bị đánh giá là có nội dung xấu độc.
Các vi phạm gồm: phát tán tài liệu chống phá Nhà nước, lừa đảo trực tuyến, rao bán dữ liệu cá nhân, mua bán ma túy, môi giới mại dâm, và thậm chí có dấu hiệu liên quan đến khủng bố. Một số hội nhóm có hàng chục nghìn người tham gia, phần lớn hoạt động ẩn danh và khó kiểm soát.
Bên cạnh đó, theo Nghị định 147/2024/NĐ-CP, các nền tảng cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Telegram phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, bao gồm việc thông báo thông tin liên hệ với cơ quan quản lý, phối hợp xử lý nội dung vi phạm, và có trách nhiệm ngăn chặn khi có yêu cầu từ các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, Telegram đã không chấp hành các quy định này.
Người dùng Việt Nam nói gì?
Thông tin Telegram sắp bị chặn nhanh chóng thu hút sự chú ý và tạo nên làn sóng thảo luận sôi nổi trên mạng xã hội. Đa số ý kiến bày tỏ sự đồng tình với quyết định của cơ quan chức năng, cho rằng việc ngăn chặn là cần thiết để bảo vệ an toàn trên không gian mạng, đặc biệt trước tình trạng ứng dụng bị lợi dụng cho các hành vi lừa đảo, phát tán nội dung độc hại và vi phạm pháp luật.
Anh Đức Tâm (24 tuổi, Hà Nội) cho biết, vài năm trước, anh từng bị một nhóm lạ mời tham gia đầu tư qua một hội nhóm trên mạng xã hội. Sau vài lần trò chuyện, đối tượng yêu cầu anh chuyển sang Telegram để “trao đổi riêng”.
“Họ giới thiệu mô hình đầu tư hưởng hoa hồng, cam kết lãi suất cao rồi đưa tôi vào một nhóm kín. Trong nhóm này, nhiều người khoe hình ảnh lãi tới vài trục triệu đồng chỉ sau vài ngày tham gia. Nhưng may mắn, người thân cảnh báo kịp thời nên tôi đã dừng lại. Sau mới biết đó là hình thức lừa đảo đa cấp”, anh Tâm kể.
Chị Ngọc Hà, nhân viên thiết kế đồ họa tại Hà Nội, chia sẻ trải nghiệm không mấy dễ chịu: “Tôi dùng Telegram chủ yếu để liên lạc và gửi file cho khách theo yêu cầu công việc. Tuy nhiên, tôi liên tục bị kéo vào những nhóm kín rao bán hàng cấm, môi giới gái gọi hay quảng cáo cờ bạc ẩn danh. Rõ ràng nền tảng này đang bị biến tướng nghiêm trọng”.
Tương tự, anh Văn Dũng (Đống Đa, Hà Nội) cho biết đã xóa Telegram sau khi thấy ứng dụng này thường xuyên xuất hiện các nhóm kín chia sẻ nội dung khiêu dâm, cờ bạc và buôn bán hàng cấm.
“Tôi từng bị mời vào một nhóm kín, trong đó toàn hình ảnh phản cảm và thông tin về buôn hàng lậu. Tôi ủng hộ mạnh mẽ việc cấm hoàn toàn Telegram tại Việt Nam, không có ứng dụng này, mọi người có thể sử dụng nhiều ứng dụng khác như Zalo hay Viber để thay thế" - anh Dũng nhận định.
Trên MXH, không ít người dùng cho biết từng bị lừa đảo qua Telegram dưới nhiều hình thức khác nhau. Từ dụ dỗ đầu tư, giả danh tổ chức uy tín đến môi giới việc làm, mọi hoạt động đều diễn ra “sạch sẽ” nhờ cơ chế ẩn danh và không lưu vết của nền tảng.
Ở chiều ngược lại, nhiều người dùng tỏ ra tiếc nuối nếu Telegram thực sự bị chặn. Anh Minh Khôi, nhân viên IT tại Hà Nội cho rằng Telegram là công cụ làm việc hiệu quả mà anh sử dụng hằng ngày. “Tôi gửi tài liệu, làm việc nhóm, thậm chí lưu trữ file học online trên đó. Nó nhanh, nhẹ, không quảng cáo và không giới hạn dung lượng. Thật sự khó tìm ứng dụng nào thay thế ngay lập tức”.
Một số ý kiến cũng cho rằng việc vi phạm nội dung có thể xảy ra trên bất kỳ nền tảng nào, kể cả Facebook, Zalo hay TikTok. Do đó, thay vì chặn hẳn, nhà chức trách nên yêu cầu Telegram hợp tác kiểm soát nội dung hoặc xây dựng các công cụ giám sát.
Việc xem xét chặn Telegram đặt ra nhiều câu hỏi về tính hiệu quả và lâu dài của biện pháp này. Một số chuyên gia nhận định, trong ngắn hạn, đây là hành động cần thiết nhằm bảo vệ người dùng, đặc biệt khi nền tảng không có đại diện pháp lý và không phối hợp với các cơ quan chức năng trong xử lý nội dung vi phạm .
Theo thống kê vào đầu năm 2024, ứng dụng Telegram đã thu hút hơn 900 triệu người dùng, nằm trong top 5 ứng dụng được tải xuống nhiều nhất toàn cầu. Việt Nam nằm trong top 10 thị trường ưa chuộng ứng dụng này, với 12 triệu lượt tải năm 2022.
Theo Thái Sơn (SHTT)